Con cá mập Apple đã bắt đầu lân la vào "bể máu" của Samsung và Xiaomi

Thứ sáu, 19/04/2019, 10:26
Đây là bước đi có thể tạo bước ngoặt cho thị trường vốn được coi là niềm hy vọng tăng trưởng cuối cùng cho cả ngành công nghiệp smartphone.

Trong một buổi họp báo tại Đài Bắc vào ngày thứ hai vừa qua, CEO Terry Gou của Foxconn đã lên tiếng xác nhận rằng hãng này sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt iPhone tại Ấn Độ ngay trong năm 2019.

Foxconn không phải là đối tác lắp ráp đầu tiên của Apple bắt đầu dịch chuyển đến Ấn Độ. Wistron, một công ty Đài Loan khác, trước đó cũng đã đưa chu trình sản xuất của iPhone SE, iPhone 6s và iPhone 7 đến quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy vậy, ai cũng biết rằng Foxconn là cái tên số 1 đứng đằng sau sản lượng iPhone. Sự hiện diện của Foxconn tại Ấn Độ sẽ giúp lượng iPhone từ quốc gia này tăng đáng kể, đặc biệt là các mẫu iPhone cao cấp hơn.

Bể máu, niềm hy vọng

Khi thị phần tại quê nhà sụt giảm tới 35%, Ấn Độ là niềm hy vọng sống sót của Xiaomi.

Không khó để hiểu vì sao Apple, dù vẫn kiếm trên 200 tỷ USD mỗi năm, lại muốn đến Ấn Độ: năm vừa qua, tất cả các tổ chức nghiên cứu thị trường lớn đều kết luận rằng thị trường Trung Quốc đã chìm vào suy thoái nặng nề (từ 12% đến 17%) trong năm 2018. Các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật hay Tây Âu bão hòa đã lâu, và bởi vậy hiện tượng bão hòa của Trung Quốc đã dẫn đến tình cảnh ảm đạm cho cả thế giới: tổng sản lượng smartphone 2018 cũng suy giảm, ảnh hưởng đến cả ông vua phân khúc cao cấp – Apple.

Samsung và các hãng Trung Quốc đã nhìn thấy điều này từ lâu. Từ 2013, họ bắt đầu hành trình đánh bật các hãng nội địa và vươn lên làm chủ thị trường. Bằng chiến lược phá giá, Xiaomi vươn lên chiếm vị trí số 1 từ 2017, trong lúc OnePlus làm chủ phân khúc cao cấp (trên 400 USD). Samsung hiện tại đứng thứ 2 trong khi Huawei đang đặt tham vọng chiếm 10% thị phần vào cuối năm 2019.

Samsung: Nhà máy smartphone lớn nhất thế giới tại Ấn Độ để "sản xuất cho cả thế giới".

Tất cả các hãng này đều hiểu vai trò quan trọng của thị trường đông dân thứ 2 thế giới. OPPO và Vivo đi đầu khi vung tiền mở cửa hàng và tăng chiết khấu, đưa biển hiệu phủ sóng toàn Ấn Độ. "Thái tử" Samsung năm 2018 đến Ấn Độ để diện kiến thủ tướng Modi, mong muốn được hoạt động như công ty bản địa. Huawei dù đang hoạt động tốt kỷ lục vẫn đặt mục tiêu tăng thị phần tại Ấn Độ lên 10%.

Cũng trong năm qua, Xiaomi lập kỷ lục khi mở cửa đồng loạt 500 cửa hàng Mi Store trong cùng 1 ngày trên 14 bang của Ấn Độ. Kế hoạch của Tiểu Mễ là đến hết năm 2019 mở cửa được 5000 Mi Store.

Vì sao Apple thua kém

So với các đối thủ Android, thị phần của Apple tại Ấn Độ có thể ví như cái móng tay: 1,2%, tức bằng khoảng 1/20 của Samsung hay Xiaomi. Lý do không hề khó hiểu, bởi ngay cả iPhone XR cũng đã khởi điểm ở mức giá 77000 rupee, tức khoảng 1100 USD. Không chỉ nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều người Ấn Độ, khung giá này còn tạo ra tâm lý vô cùng tiêu cực: cùng một model, người dùng Ấn phải chịu khoản tiền cao hơn hẳn so với người dùng Mỹ.

Trừ các mẫu đời thấp/cũ, iPhone không được sản xuất tại Ấn Độ, do đó chịu thuế rất cao.

Samsung hay Xiaomi cũng sẽ phải chịu chung một số phận nếu không đem ráp smartphone tại Ấn Độ. Nhưng tất cả các hãng Android đều đã mở rộng đến quốc gia này. Nhà máy của Samsung tại Noida hiện là công xưởng smartphone lớn nhất thế giới. Vivo/OPPO/OnePlus là hàng xóm của Samsung tại Noida, trong khi các đối tác lắp ráp của Xiaomi đã có tổng cộng 7 nhà máy tại quốc gia này.

Đặt chu trình sản xuất tại Ấn Độ giúp cho các hãng Android tránh được thuế cao, từ đó nới rộng khoảng cách về giá với Apple. Nhưng khi Foxconn đã mở rộng tại Ấn Độ, khung thuế bị áp đặt lên iPhone cao cấp (vốn được lắp ráp tại Trung Quốc) cũng sẽ giảm sút. Những chiếc iPhone sẽ trở lại thành đối thủ cân xứng hơn với Galaxy S.

Chặn đường sống của Android

Thị phần bằng cái móng tay không có nghĩa rằng Apple nắm chắc thất bại. Trong năm tài chính 2018, dù thị phần sụt giảm, doanh thu Apple vẫn tăng 12% trong khi lợi nhuận tăng... 140%. Năm 2018, thị phần hãng này dù quá nhỏ bé so với các hãng Android nhưng vẫn đạt đến 1,7 triệu máy. Rõ ràng là vẫn có một lượng người dùng Ấn Độ bất chấp tất cả để tìm mua những chiếc iPhone đắt giá nhất – đi kèm với thuế phí thổi phồng.

Vẫn có những người Ấn bất chấp tất cả để "yêu" Apple...

Quan trọng hơn, Apple có đủ tiềm lực để duy trì chiến tranh lâu dài với các hãng Trung Quốc. Ví dụ, năm tài chính 2018, lợi nhuận của Apple cao gấp 3 lần Xiaomi. Khi khoản thuế nhập khẩu bị loại bỏ, sức mua sẽ tăng, và tỷ suất lợi nhuận vẫn không bị ảnh hưởng.

Nhưng nếu thành công được ở Ấn Độ, Apple coi như sẽ chặn được đường sống của các hãng Android – đặc biệt là Android Trung Quốc. Hiện tượng bão hòa của thị trường Trung Quốc cũng như lợi nhuận "bốc hơi" của Xiaomi trong năm 2018 cho thấy tăng trưởng bằng giá sớm hay muộn cũng sẽ phải kết thúc. Các hãng sẽ buộc phải tiến lên phân khúc cao cấp, nơi Apple là kẻ bất khả chiến bại: năm 2018, dẫu Samsung và Huawei có cố gắng đến đâu, Apple vẫn dễ dàng chiếm đến 60% tổng số smartphone cao cấp bán ra trên toàn cầu.

Khắp nơi trên thế giới – trừ Ấn Độ, Apple đã nhốt binh đoàn Android vào khung giá tầm trung/giá rẻ.

Giảm thuế, giảm giá, liệu Apple có "đánh" lại được Xiaomi và Samsung?

Thử thách duy nhất còn lại là xây dựng chỗ đứng cho iPhone tại Ấn Độ. Trong vòng 5 năm qua, tổng lượng smartphone xuất xưởng tại Ấn Độ đạt khoảng 500 triệu máy, và con số này cũng có nghĩa rằng người Ấn Độ quen với Android hơn là iOS. Khác với những thị trường quốc tế, iPhone lần đầu tiên sẽ đóng vai trò là kẻ đến sau: liệu Apple có thể vượt qua thử thách độc nhất này và chặn luôn đường sống của Android?

Hãy chờ xem.

Theo GenK

Các tin cũ hơn