Oracle bất ngờ thua đau trước Google

Thứ năm, 24/05/2012, 15:59
Hôm 23/5, thẩm phán William Aslup của tòa án Bắc California (Mỹ) đã phán quyết hệ điều hành di động Android của hãng Google không vi phạm bằng sáng chế của Oracle. Đây được xem là một tín hiệu rất đáng mừng đối với Google trong vụ kiện kéo dài này, hãng tin AP cho hay.

>> Nếu Google thua kiện Oracle...
>> Tòa phán Google vi phạm 9 dòng mã ngôn ngữ Java của Oracle

Oracle khởi kiện Google từ năm 2010 vì cho rằng hệ điều hành di động Android của Google đã xâm phạm các bằng sáng chế liên quan đến ngôn ngữ lập trình Java của mình. Hãng công nghệ Oracle sở hữu ngôn ngữ lập trình Java và công nghệ liên quan sau khi công ty này thâu tóm thành công hãng Sun Microsystems.

 
Google khẳng định đã xây dựng hệ điều hành di động mã nguồn mở Android từ con số không.

Java có thể được dùng như nền tảng để xây dựng các ứng dụng dành cho máy tính, các website, điện thoại thông minh (smartphone) và các thiết bị di động khác. Oracle khẳng định hệ điều hành Android có bao gồm các ứng dụng Java và công nghệ liên quan. Do đó, nó vi phạm 1 hoặc nhiều hơn trong 7 bằng sáng chế khác nhau.

"Trong khi phát triển hệ điều hành Android, Google đã cố ý, trực tiếp và liên tục vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến ngôn ngữ lập trình Java thuộc quyền sở hữu của Oracle. Kiện Google là cách mà Oracle muốn hãng này tìm ra biện pháp khắc phục thích hợp nhất”, phát ngôn viên Karen Tillman của Oracle từng tuyên bố.

Trong phiên xử diễn ra hôm 15/5 vừa qua, đại diện Google khẳng định đã xây dựng hệ điều hành di động mã nguồn mở Android từ con số không và hãng không hề có ý thức về việc xâm phạm bất kỳ bản quyền cũng như bằng sáng chế nào cho đến khi vụ kiện nói trên được Oracle khởi xướng.

Phán quyết của thẩm pháp Aslup cũng đánh dấu việc kết thúc giai đoạn thứ 2 trong vụ xử cáo buộc vi phạm bằng sáng chế giữa hai đại gia công nghệ Oracle và Google. Tuy nhiên, người phát ngôn của Oracle Deborah Hellinger cho biết, hãng này tiếp tục kháng án và giữ vững quan điểm liên quan đến "tính duy nhất của Java".

 
Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích