“Nỗi ám ảnh” mang tên iPhone

Thứ bảy, 30/06/2012, 14:43
5 năm sau khi ra mắt, iPhone đã tạo cảm hứng cho những cuộc cách mạng về thương mại, văn hóa và đáng ngạc nhiên nhất, là cuộc cách mạng về hành vi người dùng điện thoại.


>>iPhone giúp Apple thu về 150 tỷ USD sau 5 năm
>>Cụ già cầm súng bắn iPhone, MacBook 

Thay đổi hành vi người dùng điện thoại

Ngày 29/06/2007, chiếc iPhone đầu tiên của Apple lên kệ. Trong khi được đánh giá là một sản phẩm có tính đột phá, iPhone phiên bản đầu vẫn khiến nhiều người hoài nghi vì không có bàn phím vật lý, cung cấp ít lựa chọn email và không hỗ trợ các thao tác copy/paste. 5 năm sau, iPhone ngày càng được cải tiến, trở thành một trong những smartphone tốt nhất thế giới. Cho tới nay, Apple đã bán được 217 triệu chiếc iPhone trên toàn thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới của smartphone, tạo nên một cuộc cách mạng thương mại, văn hóa và đặc biệt nhất là cuộc cách mạng về hành vi người dùng.

Theo nghiên cứu của Trung Tâm Y tế Baystate tại Springfield, Massachusetts (Mỹ), 76% số người được hỏi cho biết họ đã từng trải qua chứng ảo tưởng “phantom vibration”, trong đó con người tưởng rằng điện thoại của mình rung vì có tin nhắn hoặc cuộc gọi đến, nhưng thực tế không phải như vậy.
 


“iPhone đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tương tác với công nghệ, theo cả nghĩa tốt và xấu”, đó là nhận định của ông Larry Rosen, một nhà tâm lý học, giáo sư và là tác giả của cuốn sách “iDisorder: Understanding Our Obsession with Technology and Overcoming Its Hold on Us”, nói về những nỗi ám ảnh do công nghệ mà con người gặp phải trong thời đại iPhone. Theo nghiên cứu của ông Rosen, gần 30% những người sinh sau năm 1980 cảm thấy bồn chồn nếu không thể đăng nhập Facebook trong vòng vài phút. Những người khác thì liên tục sờ tay lên túi để chắc chắn smartphone của mình vẫn nằm ở đó. Ông Rosen nói: “Đó là dấu hiệu của chứng ám ảnh”. 

Hành vi người dùng điện thoại đang thay đổi với tốc độ ánh sáng. Giữa thế kỷ 15, Johannes Gutenberg phát minh ra máy in, mở đầu cuộc cách mạng in ấn, vài thế kỷ sau, tỷ lệ mù chữ trên thế giới vẫn ở mức khá cao. Trong khi iPhone ra đời vào năm 2007 và cuộc cách mạng smartphone khởi sắc liền sau đó, nhưng theo ước tính của Cisco System, chỉ tới năm 2016, số lượng thiết bị di động mới vượt qua dân số thế giới.

Những thay đổi về hành vi người dùng mà smartphone tạo ra dường như tồn tại ở khắp thế giới. Bà Elizabeth Broun, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian cho biết, nhiều khách ghé thăm bảo tàng sẵn sàng bỏ qua bước ngắm nhìn các tác phẩm để chụp hình các bức tranh và sau đó xem trên điện thoại. Hay nhờ vào ứng dụng bản đồ và dự báo thời tiết trên smartphone, những người hiếu kỳ sẽ biết trước nơi nào sắp xảy ra bão lốc, họ đổ xô tới đó để tận mắt chứng kiến một hiện tượng thiên nhiên lý thú, bất chấp cảnh sát địa phương đang tổ chức di dân.

“Chiếc xe đạp của trí não”?

Kho ứng dụng App Store với 650.000 ứng dụng đang giúp người dùng có thể truy cập dữ liệu trong lúc di chuyển, theo dõi lượng đường trong máu, khám chữa bệnh hoặc giáo dục từ xa. Tinh tế hơn, thành công thương mại to lớn của iPhone đã khiến cụm từ “thiết kế sản phẩm lấy người dùng làm trung tâm” trở thành từ khóa trong kinh doanh. Trước iPhone, hầu hết các sản phẩm công nghệ đều được thiết kế dựa trên cảm hứng của các kỹ sư hoặc để đáp ứng nhu cầu cắt giảm chi phí của các nhà quản lý CNTT.

Chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện với quyển sách hướng dẫn sử dụng chỉ dài vài trang giấy. Việc Steve Jobs tập trung vào vẻ đẹp và tính năng dễ sử dụng đã tác động tới vô số các sản phẩm và dịch vụ công nghệ, từ chiếc loa siêu nhỏ gọn của Jawbone cho tới dịch vụ chia sẻ tập tin của Dropbox.

Tuy nhiên, có một câu hỏi lớn là liệu iPhone có là “một chiếc xe đạp của trí não” như cố Tổng giám đốc Apple, ông Steve Jobs đã từng nói về chiếc máy tính Mac đầu tiên? (Theo Steve Jobs, việc phát minh ra chiếc xe đạp đã cho phép con người di chuyển nhanh hơn, cũng như việc tạo ra những chiếc máy tính giúp loài người gia tăng tần số làm việc hiệu quả của trí não); hay iPhone nói riêng và smartphone nói chung chỉ khiến con người trở nên ỉ lại, ngại suy nghĩ và lười giao tiếp trực tiếp với cộng đồng? Dù câu trả lời có là gì đi nữa, nó vẫn chứng tỏ iPhone và smartphone đã thâm nhập rất sâu, rộng vào đời sống của con người.
 

Theo ictnews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích