Cuộc tầm nã nghẹt thở và kết cục thê thảm của Bạch Hải Đường

Thứ sáu, 26/12/2014, 07:38
Ở nhà tạm giam CA tỉnh An Giang, dù bị thương rất nặng do dính 3 phát đạn vào đùi trước đó, nhưng Bạch Hải Đường vẫn nuôi chí vượt ngục. 

Hàng ngày y dùng thìa ăn cơm kiên nhẫn nạo tường nhà giam, sau đó nhào cát cùng cơm thừa làm vữa bít lại như cũ. Cơ hội đến Bạch Hải Đường đã vượt ngục trót lọt. Thế nhưng, dù ma mãnh đến đâu “siêu trộm” vẫn không thoát được lưới pháp luật. Bị bắt lại lần hai, Bạch Hải Đường đã chết trong trại giam vì bệnh tật mà không người thân nào đến nhận xác.

“Khoét vách” ngục đào thoát ngoạn mục

Đêm 22/3/1980, Bạch Hải Đường bị lực lượng thị đội Long Xuyên (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) bắt ngay tại “khu ổ chuột” Ba Lâu (nay là đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên). Trong cuộc vây bắt nghẹt thở này, y đã bị bắn 3 phát đạn vào đùi phải. Ngay ngày hôm sau, “siêu trộm” được giải về nhà tạm giữ CA tỉnh để chờ hỏi cung.

Ông Phạm Thành Lợi - nguyên cán bộ thị đội Long Xuyên, người cho Bạch Hải Đường “ăn đạn” nay đã bước sang tuổi 62, vẫn nhớ như in cuộc vây bắt 40 năm trước: “Đêm đó Bạch Hải Đường bị còng, người lấm lem bùn đất, chân bê bết máu nhưng khuôn mặt vẫn lạnh tanh. Anh em chúng tôi lo lắng không giữ được chân “siêu trộm”, lãnh đạo quyết định bàn giao y cho CA tỉnh. Ai cũng nghĩ, dù có ba đầu sáu tay thì Bạch Hải Đường cũng không thể thoát, nhưng điều không ngờ đó đã xảy ra”.

“Ngày ngày chúng tôi đều kiểm tra phòng giam, vẫn thấy Bạch Hải Đường nằm lết do vết thương ở chân nên không nghĩ một tên tù thương tích nặng có thể vượt ngục được”, ông Lê Trường Thanh, nguyên cán bộ CA tỉnh nhớ lại.

Qua mắt được cán bộ quản giáo, Bạch Hải Đường và đồng bọn âm thầm khoét mỏng dần bờ tường nhà giam, đến lúc chỉ cần dùng lực đẩy nhẹ là có thể thông ra ngoài thì chúng dừng lại. Vào một đêm mưa gió giữa tháng 5/1980, khi lực lượng quản giáo mất cảnh giác, Bạch Hải Đường đã cùng bốn phạm nhân khác chui ra ngoài tẩu thoát.

Thông tin cấp báo lên lãnh đạo CA tỉnh, một tổ công tác đặc biệt ngay sau đó được thành lập, với quyết tâm truy lùng bằng được Bạch Hải Đường bắt về trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Trường Thanh kể lại: “Lúc đó chúng tôi ra lệnh truy nã khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; lần theo dấu vết trước đây y từng ở, lấy lời khai những người liên quan nhưng tất cả đều vô vọng”.

Tháng 5 trôi qua vẫn chưa có thông tin gì về Bạch Hải Đường. Tháng 6 qua nhanh và tháng 7 đã tới, anh em ai nấy đều sốt ruột. Đang trong lúc bế tắc nhất thì có một nguồn tin trinh sát báo về, Bạch Hải Đường đang ẩn náu tại nhà vợ hắn ở một vùng sâu thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Bạch Hải Đường lúc bị bắt lần cuối trước khi chết.  Ảnh: TL

Xộ khám lần hai và chết trong cô độc

Khi nghe tin, lãnh đạo liền triệu tập cuộc họp khẩn, cử lực lượng thiện chiến nhất đi bắt đối tượng. Thượng úy Phạm Thanh Sơn (đã mất), nguyên đội trưởng đội trọng án, một trong những CSHS tài năng nhất của Phòng CSHS tỉnh An Giang, có tư duy phá án tốt và đặc biệt là rất giỏi võ được cử đi. Ông Thanh là người khỏe mạnh, cũng có võ nên được chọn cùng một chiến sỹ kiêm lái xe.

“Tôi còn nhớ lãnh đạo lúc đó cấp cho chúng tôi một xe jeep, mấy can xăng đầy ắp ý nói, chừng nào nếu chưa bắt được Bạch Hải Đường thì chưa về lại đơn vị”, ông Thanh kể. Ngày 25/7/1980, tổ công tác đặc biệt lên đường.

Nói về Bạch Hải Đưởng, thời gian trốn thoát biết rằng bản thân đang bị CA truy nã ráo riết nên y đề phòng cao độ. Tại nhà vợ, y luôn cảnh giác, chỉ lúc nào cần lắm mới ra khỏi ấp, còn không thì ở nhà. Bạch Hải Đường hiểu cần phải tạm nằm yên một thời gian khi tình hình lắng xuống mới “làm ăn” tiếp.

Tổ công tác của ông Thanh đã nghiên cứu rất kỹ địa hình nơi Bạch Hải Đường trốn cũng như tính cách và tâm lý của hắn. Theo đó, nếu xông thẳng vào nhà thì cơ hội bắt được Bạch Hải Đường rất khó, bởi y là một kẻ rất nhanh, giỏi võ và khỏe mạnh. Ông Thanh và đồng đội luôn hiểu, nếu một chọi một thì coi như hắn chắc phần thắng, đó là chưa kể hắn luôn có người thân bên cạnh hỗ trợ. Phương án khả thi nhất là dụ y ra ngoài để bắt. Nghiên cứu kỹ, tổ công tác quyết định dùng một người (cùng buồng giam và cùng vượt ngục với Bạch Hải Đường nhưng đã hợp tác với CA (tên Th) để nhử y ra ngoài.

Khoảng 15 giờ ngày 25/7/1980, khi Bạch Hải Đường đang nằm đong đưa võng dưới gốc cây trong vườn thì bất ngờ Th xuất hiện. Gặp lại chiến hữu vượt ngục, Bạch Hải Đường mừng rỡ. Th đề nghị ra quán nhậu lai rai nói chuyện, y không mảy may nghi ngờ và đi ngay.

Tại quán nhậu bình dân gần nhà, Bạch Hải Đường rối rít hỏi chuyện Th về tình hình bên ngoài, bàn phương án “làm ăn” trong tương lai... Đúng lúc cả hai đang say sưa thì bất ngờ ông Thanh và Thượng úy Sơn xuất hiện. Bạch Hải Đường định chồm dậy thì ông Thanh và Thượng úy Sơn lao tới. Thượng úy Sơn rút súng ra lệnh: “Bạch Hải Đường giơ tay lên!”. “Siêu trộm” sững người thoáng chốc nhưng lại ngoái đầu bỏ chạy thục mạng vào phía trong bếp quán, ngay lập tức ông Thanh lao tới ôm từ đằng sau.

Cuộc giằng co quyết liệt, Bạch Hải Đường như con thú dính bẫy cố đánh trả hòng thoát nhưng bị ông Thanh gài chân té vào bếp nấu. Ông Thanh kể lại khoảng khắc nghẹt thở này: “Quyết không để hắn thoát, tôi ôm hắn từ đằng sau và hét giục đồng chí Sơn cứ bắn đi, nếu rủi tôi chấp nhận trúng đạn. Đồng chí Sơn chần chừ cuối cùng cũng bóp cò. Sau phát nổ, Bạch Hải Đường gục xuống chúi đầu vào bếp bất tỉnh. Tôi ngỡ đạn đã găm trúng đầu hắn, nhưng kiểm tra lại thì thấy trúng đùi. Hóa ra vì sợ đạn xuyên qua cả tôi nên đồng chí Sơn đã lựa thế cuối cùng hạ súng bóp cò”.

Trở về nhà tạm giữ CA tỉnh An Giang, lần này vết thương trên đùi Bạch Hải Đường càng nặng thêm, mặc dù các bác sỹ tận tình chăm sóc nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, y cứ nằm bệt một chỗ. Bên cạnh đó, chế độ canh phòng đối với y được nâng lên. Cơ hội trốn trại gần như không còn, lần này Bạch Hải Đường mới quyết định hạ bút khai tất tật tiểu sử, hoàn cảnh gia đình và quá khứ phạm tội một cách thành thật nhất. Rồi với bệnh kiết lỵ, một ngày nọ Bạch Hải Đường đã chết trong trại giam khi chưa được đưa ra luận tội trước pháp luật.

Theo ông Thanh thì khoảng thời gian cuối đời của Bạch Hải Đường không một ai đến thăm, dù trước đây y nổi tiếng nhiều vợ, lắm bồ cùng vô số chiến hữu. Lúc chết cũng chẳng ai là thân thích đến nhận xác về khâm liệm và hương khói. Cuộc đời của “siêu trộm” lừng danh sống qua hai chế độ kết thúc từ đó.

Ở nhà tạm giữ CA tỉnh An Giang, dù bị thương rất nặng do dính 3 phát đạn vào đùi trước đó, nhưng Bạch Hải Đường vẫn nuôi chí vượt ngục. Hàng ngày y dùng thìa ăn cơm kiên nhẫn nạo tường nhà giam, sau đó nhào cát cùng cơm thừa làm vữa bít lại như cũ. Cơ hội đến Bạch Hải Đường đã vượt ngục trót lọt. Thế nhưng, dù ma mãnh đến đâu “siêu trộm” vẫn không thoát được lưới pháp luật. Bị bắt lại lần 2, Bạch Hải Đường đã chết trong trại giam vì bệnh tật mà không người thân nào đến nhận xác.

Theo Pháp luật & Xã hội

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích