Ông Chấn đòi 9,3 tỷ đồng cho 10 năm tù oan: “Kẻ chê ít, người kêu nhiều“

Thứ hai, 02/02/2015, 17:32
Chỉ hai ngày trước phiên tòa xử Lý Nguyễn Chung, chúng tôi quay trở lại Bắc Giang tìm gặp ông Nguyễn Thanh Chấn. Căn nhà xiêu vẹo, xập xệ của ông vẫn chẳng khác gì gần năm trước. Đau lòng hơn, hiện tại mẹ ông năm nay 74 tuổi đang phải một tay nuôi gia đình ba thế hệ.

saigon, ông Chấn, Nguyễn Thanh Chấn, oan sai, án oan, bồi thường

Ông Chấn bên ngôi nhà xập xệ của gia đình

Cả gia đình vẫn chờ vào khoản tiền bồi thường để hy vọng cất lại được căn nhà sắp sập. "9,3 tỷ đồng, người chê ít, kẻ kêu nhiều. Nhưng hệ lụy với gia đình tôi suốt 10 năm tôi phải ngồi tù oan thì biết bao nhiêu tiền mới đong đủ ?", ông Chấn buồn rầu nói.

Ngày càng suy kiệt

Lúc chúng tôi xuống, bà Vỵ mẹ ông Chấn đang ngồi bán mấy thứ hàng lặt vặt đầu chợ thôn Me. Giữa phiên chợ nhưng cái lạnh đột ngột của đợt gió mùa cuối năm cùng với những cơn mưa lây phây khiến khu chợ vắng hoe hoắt chỉ lác đác vài người. Bà bảo: "Tết nhất đến nơi, hàng họ ế ẩm không bán được khiến cuộc sống đã thiếu thốn lại càng túng quẫn hơn".

ong Nguyen Thanh Chan
Mẹ ông Chấn - bà Vỵ

So với lần trước chúng tôi gặp, bà có vẻ yếu hơn nhưng theo lời bà "được cái trời thương nên lâu nay không bị ốm". Đó là điều may mắn không chỉ với riêng bà mà còn với cả gia đình ông Chấn. Bởi hiện nay, dù đã ngoài tuổi "thất thập" nhưng bà lại đang là lao động chính trong gia đình.

Bà buồn rầu: "Mười năm đằng đẵng đi kêu oan cho chồng, vợ nó (vợ ông Chấn - bà Chiến - PV) thành ra đau ốm liên miên, giờ không làm được công việc nặng. Giờ sức khỏe vợ chồng nó còn yếu hơn tôi. Tất cả mấy miệng ăn trong nhà lại chỉ trông chờ vào vài đồng lãi từ mấy thứ lặt vặt này. Thức ăn thức uống trong nhà tôi là người chạy lo từng bữa".

Khi chúng tôi xuống, vợ ông Chấn đang ốm. Trong căn nhà xiêu vẹo gần một năm kể từ khi chúng tôi quay trở lại vẫn vậy. Chỉ có mỗi cái tủ thờ vừa được một người làm bánh đậu xanh ở Hải Dương tặng cho là đồ có giá trị nhất. Hỏi bà Chiến gia đình đã chuẩn bị mua sắm gì Tết chưa, bà thở dài: "Tiền chạy ăn từng bữa cũng chưa đủ, lấy đâu mua sắm hả cậu".

Ông Chấn giọng buồn rầu: "Mấy hôm nay bà ấy ốm, đàn lợn mới đẻ chẳng ai chăm, kêu réo trong chuồng. Tôi từ ngày về sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Dạo trước sửa lại cái máy xay xát nhưng giờ không có sức nên đành bỏ không đấy".

Đang nói chuyện với chúng tôi thì bà Chiến lại gọi ông Chấn cho đàn lợn ăn hộ bà. Tôi theo chân ông xuống bếp xem ông cho lợn ăn cám. Ông khó nhọc khệ nệ mới bê nổi 1/3 chậu cám ra chuồng cho lũ lợn con háu đói. So với trước đây, ông gầy đi, sức khỏe yếu hơn nhiều.

Trước đây, gia đình ông Chấn thuộc loại gia đình khá giả trong làng, có xe máy, ti vi, máy xay xát... Nhưng 10 năm ông ngồi tù oan đã khiến gia đình kiệt quệ. Ba chiếc máy xay xát để đóng bụi 10 năm không ai làm. Xe máy cũng bán. Căn nhà gỗ xây bao xiêu vẹo ông mua lại từ những năm 1990, tường làm bằng gạch nung non nên giờ lở lói, mưa lại dột. Những cánh cửa sổ tự đóng bằng gỗ tạp nay mục nát đóng cũng như không.

Kinh tế gia đình trông chờ vào một con lợn nái, nhưng mái lợp đã sụt hết ngói, cửa chuồng chỉ chắn tạm bằng cái máy quay sợi thời xưa vì giờ sức khỏe ông Chấn không còn làm nổi những việc nặng ấy nữa. Một người con gái, con rể và hai đứa cháu nội của ông Chấn cũng chỉ chờ vào quán tạp hóa của bà Vỵ. Tính ra, sáu miệng ăn trong nhà trông cả vào đôi tay bà Vỵ.

Nghèo, khổ, túng quẫn nhưng bà Vỵ vẫn vui vì dù sao ông Chấn cũng đã được minh oan. Bà bảo: "Tôi chỉ mong ông trời còn cho tôi được khỏe mạnh để chăm lo cho các con các cháu". Bà khoe: "Chưa có tiền sắm Tết trong nhà, nhưng sáng nay thấy có xe về bán quần áo, tôi cũng ra ngắm xem có cái áo nào đẹp để mua cho đứa cháu nội, không nó lại khóc như Tết năm ngoái thì tội nghiệp lắm".

Vẫn ngóng bạc tỷ bồi thường

saigon, ông Chấn, Nguyễn Thanh Chấn, oan sai, án oan, bồi thường
Ông Chấn trò chuyện với người viết.

Tiếp chúng tôi bên ấm trà pha vội, ông Chấn cho biết tháng 8 vừa qua, ông cùng vợ đã lên Hà Nội làm việc với Tòa án nhân dân Tối cao để được hướng dẫn làm thủ tục bồi thường thiệt hại trong 10 năm ông ngồi tù do chịu oan sai.

Số tiền chính thức mà ông yêu cầu tòa án bồi thường số tiền là 9.375.187.600 đồng. Nói về khoản tiền bồi thường này, ông Chấn cho biết, nhiều người hàng xóm láng giềng hỏi: "Sao anh yêu cầu người ta bồi thường nhiều thế?" Lại cũng không ít người thì bảo: "Như thế thì quá ít so với 10 năm ngồi tù oan".

Khi chúng tôi hỏi: "Vậy số tiền bồi thường ấy, ông dựa vào đâu để kê khai?", ông Chấn cho biết: "Giữa tháng 8/2014, Tòa án có mời tôi lên để hướng dẫn làm thủ tục bồi thường. Họ có đưa cho tôi một phiếu mẫu nhưng những khoản và nội dung có sẵn trong đó không đủ nên tôi phải tự bổ sung thêm một số những khoản bồi thường khác. Còn chuyện kê khai, tôi được Luật sư Vũ Thị Nga - Đoàn Luật sư thành phố hướng dẫn".

Nói về những khoản chi phí bồi thường cụ thể đã kê khai vào đơn, ông Chấn tỏ vẻ buồn rầu. Theo ông, "có những thứ mất mát không thể lấy tiền bạc ra mà đong đếm được".

Ông lục tìm cho chúng tôi tờ đơn photo đã gửi đi, trong đó có kê khai đầy đủ, chi tiết những khoản bồi thường với nội dung chi tiết. Cụ thể trong tờ đơn có ghi:

"...

Chính vì thế tôi đề nghị số tiền bồi thường về tinh thần, ngoài khoản tiền theo Luật định cho tôi theo Luật, tôi yêu cầu bồi thường những tổn thương về mặt tinh thần cho những người trực tiếp bị thiệt hại, như sau: Mẹ tôi, bà Phạm Thị Vỵ, vợ liệt sĩ có con trai duy nhất là tôi. Trong suốt 10 năm không nơi nương tựa, chăm sóc là một tỷ đồng.

Vợ tôi - Nguyễn Thị Chiến đã 10 năm mặc dù bị suy sụp nhưng vẫn mất công đi điều tra, tìm tung tích hung thủ, tìm chứng cứ xác đáng để cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền, minh oan cho tôi vạch mặt kẻ phạm tội đưa ra ánh sáng, đem lại trật tự công bằng cho xã hội, bất chấp nguy hiểm.

Vợ tôi đã bỏ qua tuổi thanh xuân, hy sinh nhẫn nhục trước bàn dân thiên hạ về việc chống chịu tiếng oan cướp của giết người. Không những thế, vợ tôi còn bị ảnh hưởng tới sức khỏe, đến nay chữa trị chưa khỏi. Vì thế, tôi yêu cầu bồi thường cho vợ tôi là một tỷ đồng...".

Ông Chấn còn yêu cầu tòa án bồi thường thiệt hại cho bốn người con của ông không được học hành, bị bạn bè khinh bỉ, mẹ đi kêu oan, không ai chăm lo, vì vậy ông đề nghị tòa bồi thường cho 4 người con của ông số tiền 1,6 tỷ đồng.

Thiệt hại về sức khỏe, ông Chấn yêu cầu Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội bồi thường hơn 83 triệu đồng, về thu nhập thực tế bị mất, ông Chấn yêu cầu được bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Chấn còn yêu cầu tòa bồi thường cho ông tiền thuê luật sư bảo vệ, chi phí trước đây những người trong gia đình ông đi dự tòa, tiền để vợ chồng ông mua thuốc bổ, chi phí vợ ông đi kêu oan, chi phí gia đình thăm nuôi ông tại trại giam, chi phí đón ông về...

Ngoài những khoản tiền bồi thường, gia đình ông Chấn còn yêu cầu cơ quan chức năng trả lại tài sản đã tịch thu của gia đình mình trước đó bao gồm một chiếc xe đạp cũ, hiệu Thống nhất, một đôi thùng nhựa đựng nước, một bộ quần áo cũ.

Khi chúng tôi thắc mắc tại sao gia đình ông không kê khai quy ra tiền mà lại yêu cầu cơ quan chức năng trả lại thì bà Vỵ - mẹ ông Chấn cho biết: "Mấy vật dụng ấy không đáng bao nhiêu tiền nhưng với gia đình tôi nó là kỷ niệm".

Ông Chấn còn cho biết thêm, chiếc xe đạp gia đình ông đã mua từ mấy chục năm trước, từ thời xe đạp phải làm giấy đăng ký. Hiện nay, ông Hoạt - người được ông Chấn ủy quyền vẫn đang giữ giấy đăng ký chiếc xe đạp đã bị tịch thu trước đó.

Theo luật sư Hà Hải - thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: "TAND Tối cao sẽ có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Còn việc lấy tiền từ đâu thì quy định của pháp luật hiện nay cũng đã có. Cụ thể nguồn tiền bồi thường là từ ngân sách Nhà nước được ứng ra để bồi thường khắc phục sai lầm trước. Sau đó, sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân (thẩm phán) đã tham gia xét xử vụ án ở cấp phúc thẩm để quy trách nhiệm và buộc cá nhân bồi thường lại.

Theo Hôn nhân và gia đình

Các tin cũ hơn