Ngày xét xử thứ 2 vụ công an dùng nhục hình: Không thể đếm hết vết thương

Thứ năm, 09/04/2015, 09:27
Giám định viên của Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên cho biết trên thi thể nạn nhân Ngô Thanh Kiều có rất nhiều vết thương, không thể đếm hết

Ngày 8-4, phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ án công an dùng nhục hình dẫn đến chết người ở Phú Yên bước sang ngày xét xử thứ 2 với phần xét hỏi. Trong đó, tập trung chủ yếu vào đại diện Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh này để làm rõ các vết thương trên thi thể nạn nhân Ngô Thanh Kiều.

Nghi đánh bằng roi điện

Trả lời HĐXX về tình trạng thương tích trên thi thể Ngô Thanh Kiều, giám định viên Hoàng Việt, đại diện Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên, nói: “Qua khám nghiệm, trên thi thể nạn nhân có rất nhiều vết thương, không thể đếm hết. Khi các cán bộ điều tra cùng chúng tôi chia nhau đếm thì xác định sơ bộ có khoảng 63 vết thương”.

Lần đầu tiên trong vụ án này, luật sư Võ An Đôn (bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho vợ và con của Ngô Thanh Kiều) đưa ra các bức ảnh do gia đình nạn nhân chụp lại trong quá trình khám nghiệm tử thi, thể hiện nhiều vết thương trên cánh tay, bàn tay nghi bị cháy do dùng roi điện đánh nhưng trong biên bản giám định pháp y không đề cập. Tuy nhiên, giám định viên Hoàng Việt chỉ trả lời: “Trên thi thể nạn nhân Kiều không có vết thương nào do dùng roi điện gây ra”. Không đồng ý với câu trả lời này, luật sư Đôn yêu cầu HĐXX làm rõ những vết thương trên.

Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày xét xử thứ 2

Trong buổi chiều, thượng tá Lương Tấn Nhật, Phó Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Yên, trả lời thêm về những vết thương nghi dùng roi điện đánh. Thượng tá Nhật cho rằng ông là người trực tiếp tham gia thực nghiệm điều tra và giám định pháp y. “Đây không phải vết cháy vì nếu là vết cháy sẽ có bỏng và lan tỏa. Đây chỉ là những vết xây xát cũ” - ông Nhật nhận định.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Đôn cho biết ông đã tham khảo ý kiến nhiều người, trong đó có các điều tra viên và họ đều khẳng định đây là những vết thương bị cháy do roi điện gây ra.

Tranh luận căng thẳng

Giám định viên Hoàng Việt khẳng định nạn nhân Kiều chết do chấn thương sọ não với 3 vết thương trên đầu bị tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành - bị truy tố vì đã dùng dùi cui đánh 2-3 cái vào đầu anh Kiều gây chấn thương sọ não) lại cho rằng theo các chứng cứ trên hình ảnh có tại hồ sơ vụ án thì trên đầu nạn nhân có đến 11 vết thương chứ không phải 3. Trả lời vấn đề này, giám định viên Hoàng Việt lặp lại: “Có 3 vết thương trên đầu nạn nhân gây chấn thương sọ não là nguyên nhân chính gây tử vong”.

Về cơ chế hình thành các vết thương trên đầu được cho là đã đoạt mạng Ngô Thanh Kiều, thượng tá Nhật giải thích là do vật tày không cạnh gây nên. Luật sư Thắng liền đặt vấn đề: “Ba vết thương có kích thước khác nhau thì liệu có phải là một vật, cụ thể ở đây là dùi cui cao su gây nên không?”.

Thượng tá Nhật cho rằng các vết thương có kích thước khác nhau nhưng không hẳn do các vật khác nhau gây nên. “Vết thương phụ thuộc vào vật tác động, chiều hướng và lực gây ra. Vì thế, có dấu vết thương lớn nhưng vật tác động nhỏ và ngược lại. Tôi không nói vết thương trên đầu nạn nhân Kiều là do dùi cui mà là do vật tày không cạnh gây ra” - thượng tá Nhật phân trần.

Nghe đề cập những vết thương trên đầu em mình, bà Ngô Thị Tuyết, chị Ngô Thanh Kiều, lảo đảo bước ra khỏi phòng xử án với khuôn mặt tái nhợt rồi đổ gục dưới chân cầu thang. Bên trong, luật sư Thắng tiếp tục yêu cầu làm rõ về những vết tụ máu đứt rời. Cụ thể, có 3 tổ hợp tụ máu trên đầu nạn nhân Kiều, mỗi tổ hợp có những điểm tụ máu khác nhau. Theo thượng tá Nhật, chúng tương ứng với 3 vết thương bên ngoài, còn cơ chế hình thành vết thương bên trong thì cơ quan pháp y mới trả lời rõ. Tuy nhiên, lúc này ông Hoàng Việt lại vắng mặt.

Đi thay nên không biết gì!

Luật sư Nguyễn Văn Thắng nêu ra hàng loạt bất thường trong quy trình, kết quả giám định pháp y đối với nạn nhân Kiều, như: Vì sao không có biên bản mở niêm phong mẫu? Vì sao không có biên bản khám nghiệm tử thi? Vì sao có đến 2 biên bản thu mẫu giám định với nội dung khác nhau? Vì sao kết luận giám định giữa đại thể và vi thể trái ngược nhau? Vì sao một số mẫu đã bị hoại tử nhưng vẫn có kết quả giám định pháp y?...

Tuy nhiên, giám định viên Hoàng Việt từ chối giải thích phần lớn các câu hỏi này. “Tôi chỉ đi thay nên có gì thì HĐXX hỏi Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên” - ông Việt nói.

Riêng về yêu cầu làm rõ tình trạng xung huyết trong các bộ phận như gan, tinh hoàn, hậu môn nạn nhân Kiều, giám định viên Hoàng Việt cũng chỉ giải thích kiểu nước đôi: “Chấn thương sọ não có thể dẫn đến xung huyết các bộ phận khác”.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn