Tại tòa, người tham gia tố tụng được quyền trình bày bằng tiếng nói, chữ viết của mình. Trong trường hợp người tham gia tố tụng không biết tiếng Việt phải có người phiên dịch do tòa án trưng cầu.
Hôm đó, chúng tôi tuyên bố khai mạc phiên tòa để xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà. Nguyên đơn là cặp vợ chồng già, bị đơn là một trung niên người dân tộc thiểu số. Do bị đơn cho rằng ông ta không biết tiếng Việt nên tòa án đã phải ra quyết định trưng cầu phiên dịch từ tiếng nói dân tộc của ông ta sang tiếng Việt.
Ảnh minh họa |
Ngay tại phần thẩm tra căn cước tại tòa, tôi đã hỏi phía bị đơn và bị đơn trả lời thông qua người phiên dịch:
- Ông có sử dụng tiếng Việt được không?
- Tôi không biết tiếng Việt.
- Ông không biết nói tiếng Việt hay không biết đọc, biết nói tiếng Việt?
- Tôi không biết nói, không biết đọc, cũng không biết viết, tôi chỉ biết tiếng dân tộc của tôi mà thôi.
Tôi đưa ra một học bạ mang tên của ông ta có dán ảnh ông ấy tại một trường học phổ thông trong địa bàn nơi ông ta cư trú, hỏi:
- Đây có phải là bản sao học bạ của cá nhân ông không?
Thật lạ! Sau khi lật tới, lật lui xem xong quyển học bạ lớp 9 của mình cách đây gần 20 năm mà Hội đồng xét xử chúng tôi đã thu thập được để đưa vào hồ sơ vụ án, lúc này không cần đợi người phiên dịch để thông dịch lại câu hỏi của tôi, ông ta gật đầu xác nhận ngay, đó là học bạ của ông ta.
Như vậy, quyển học bạ ấy đã tố cáo ông ta rằng ông ấy biết tiếng Việt, không chỉ nói được mà còn có trình độ học vấn tới lớp 9 phổ thông.
Tôi nói luôn với ông ấy:
- Vậy thì bây giờ không cần phải thông qua phiên dịch nữa, ông cứ trả lời phần thẩm vấn của tòa nhé?
Ông ta lí nhí: Ờ… Dạ… ông tòa hỏi đi!
- Ông có ký tên vào bản hợp đồng đặt cọc để bán nhà của mình cho phía nguyên đơn không?
- Không, tui chỉ lăn tay chứ không ký tên vào đó.
- Đúng rồi, vậy ông có ký biên nhận nhận tiền cọc của nguyên đơn giao cho ông là 10 lượng vàng không?
- Tui chỉ có lăn tay chứ không có ký tên.
- Đúng vậy! Vậy ông có nhận 10 lượng vàng tiền cọc bán nhà không?
Có lẽ một kịch bản giả câm đã bị tòa phát hiện ngay từ đầu nên ông ta không ngờ rằng, mọi thủ đoạn dự mưu nhằm khiến tòa cho rằng mình chỉ biết lăn tay chứ không hề biết tiếng Việt để xác nhận vào các văn tự nhận cọc, nhận vàng, từ đó hòng chối bỏ việc đã nhận tiền cọc bán nhà. Sau một lúc định thần, bị đơn đành phải xác nhận:
- Dạ thưa tòa tôi có nhận 10 lượng vàng của nguyên đơn.
- Tại sao ông không tiếp tục thực hiện việc bán nhà cho nguyên đơn nữa?
- Dạ thưa, do nhà này tôi đã nhận bán cho người khác giá cao hơn nguyên đơn một chút để kiếm thêm ít tiền ạ!
- Theo hợp đồng đặt cọc, nếu ông không muốn tiếp tục bán nhà thì phải bồi thường gấp đôi, là 20 lượng vàng, ý kiến của ông thế nào?
Ông ta la lên thất thanh giữa phòng xử thênh thang mà ai cũng nghe rõ mồn một: “Không! Tôi không biết tiếng Việt!”
Hôm đó, chúng tôi tuyên buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 10 lượng vàng nhận cọc và bồi thường thêm 10 lượng vàng. Dứt phiên xử, ông ta xổ một tràng tiếng dân tộc, vì tò mò nên tôi hỏi người phiên dịch xem ông ta nói gì. Người phiên dịch cho biết, ông ta nói: “Mấy ông nghĩ ra cái trò tìm học bạ cũ của tôi làm gì để tôi phải tốn 20 lượng vàng vậy trời!”
Theo Infonet