Chiều tối 10/8, Đại tá Trần Thắng Phúc – Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho VOV.VN biết, nghi can thứ 3 trong vụ thảm sát ở Bình Phước – Trần Văn Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Giết người, Cướp tài sản.
Theo thông tin, Thoại đã đồng ý với lời rủ của Nguyễn Hải Dương cùng tới nhà nạn nhân Lê Văn Mỹ (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước) để gây án.
Bên ngoài hiện trường vụ thảm sát ở Bình Phước. |
Báo chí thông tin, tối 5/7, Dương và Thoại đến nhà ông Lê Văn Mỹ để thực hiện mưu đồ của Dương.
Tuy nhiên, khi Dương gọi cho Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cháu trai ông Mỹ) thì Vỹ không chịu xuống mở cửa. Vì vậy, Dương và Thoại không thể thực hiện kế hoạch.
Sau đó, Thoại thay đổi ý định, từ chối tham gia, nên Dương chuyển sang rủ Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) để thực hiện kế hoạch cùng mình.
Theo Đại tá Phúc, nghi can Thoại đã có hành vi bàn bạc kế hoạch, đồng thời đã chuẩn bị công cụ gây án nhưng hành vi không thành, do điều kiện nào đó nên chưa thể tham gia được.
Việc nghi can Thoại bị khởi tố 2 tội danh Giết người, Cướp tài sản tạo ra dòng dư luận cho rằng, hành vi của Thoại mới dừng ở mức độ chuẩn bị phạm tội. Mặc dù anh ta đã có sự bàn bạc, tham gia kế hoạch, có chuẩn bị công cụ gây án nhưng đã chấm dứt hành vi phạm tội. Tức là hành vi Giết người, Cướp tài sản chưa thực hiện được.
Dòng quan điểm này cho rằng, việc khởi tố Trần Văn Thoại tội danh Không tố giác tội phạm có lẽ sẽ phù hợp hơn vì rằng, anh ta biết sự việc xảy nhưng không có hành vi tố giác.
Các luật sư Vũ Ngọc Chi và Nguyễn Anh Thơm. |
Ở quan điểm khác, luật sư Vũ Ngọc Chi – Đoàn luật sư Hà Nội, việc truy tố Thoại tội danh Giết người, Cướp tài sản là có cơ sở.
Theo Khoản 1, điều 8, Bộ luật hình sự cũng quy định, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến an ninh trật tự xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, lợi ích hợp pháp của công dân.
Việc Thoại đã đồng ý tham gia và lên kế hoạch thể hiện hành vi cố ý phạm tội.
Căn cứ theo khoản 1, điều 20, Bộ luật hình sự, Thoại thỏa mãn điều kiện đồng phạm đó là: Trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Luật sư Chi cũng cho biết, điều 17, Bộ luật hình sự cũng quy định, chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm.
Người chuẩn bị phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện. Đối với hành vi lên kế hoạch, chuẩn bị công cụ gây án của Thoại, cơ quan điều tra khởi tố tội danh Giết người, Cướp tài sản đối với Thoại là hoàn toàn có căn cứ.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, Thoại đã được Nguyễn Hải Dương rủ tham gia và lên kế hoạch đi cướp tài sản của gia đình nhà ông Mỹ.
Thoại biết Dương mang theo hung khí khi thực hiện hành vi phạm tội. Vai trò của Nguyễn Văn Thoại được xác định là đồng phạm giúp sức trong giai đoạn này.
Đối tượng Thoại buộc phải nhận thức việc Nguyễn Hải Dương sử dụng hung khí mang theo khi đi cướp sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác. Thực tế trong vụ án này đã có 6 người bị giết chết.
Sau đó, Thoại đã không tiếp tục tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội cùng Nguyễn Hải Dương. Do đó, Nguyễn Hải Dương đã rủ Vũ Văn Tiến tiếp tục tham gia và đã gây ra thảm án.
Việc Thoại tự ý chấm dứt việc phạm tội được quy định tại điều 19, Bộ luật hình sự. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm.
Nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Căn cứ Nghị quyết số 1-89/HĐTP ngày 19/4/1989 hướng dẫn việc áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự phải thỏa mãn các dấu hiệu như sau:
Để được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 19 BLHS, người đồng phạm giúp sức phải thuyết phục, khuyên bảo, đe dọa để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết về tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan Nhà nước hoặc người sẽ là nạn nhân có biện pháp ngăn chặn tội phạm.
Nhưng nếu những việc họ đã làm không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra, thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Họ chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự về hành vi đó, nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác mà họ đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.
Hậu quả của vụ án đã xảy ra, do đó Trần Văn Thoại vẫn phải chịu trách nhiệm chung về Tội giết người và Cướp tài sản với vai trò đồng phạm.
Luật sư Vũ Ngọc Chi:Khoản 2, điều 52, Bộ luật hình sự “Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt”: Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá 20 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai (1/2) mức phạt tù mà điều luật quy định. |
Theo VOV