Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án này, Chủ toạ phiên toà Nguyễn Văn Sơn đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty PVC, Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên Tổng GĐ Công ty PVP Land và một số đối tượng khác về tội “Tham ô tài sản”.
Trước đó trên Dân trí, hai bài “Ông Trịnh Xuân Thanh và vụ “ăn chia” tại dự án Khu đô thị Thanh Hà”, “Ăn chia "tàn bạo" ở dự án KĐT Thanh Hà, ông Trịnh Xuân Thanh có liên quan?” (ra cùng ngày 9/9/2016) đã viết rõ những dấu hiệu tham ô của đối tượng Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Ngọc Sinh, cấp dưới trực tiếp của Trịnh Xuân Thanh.
Đây là 2 đối tượng có nhiều tình tiết, chứng cứ, lời khai rõ ràng về sự dính líu trực tiếp đến vụ án, nhưng trước đó đã không bị truy tố, để lại “khoảng tối” trong vụ án này, trong đó có rất nhiều tình tiết đáng chú ý.
Điều đáng lưu ý đầu tiên, đây là một vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến trật tự an ninh. Cụ thể, đây là dự án ở ngay Hà Nội mà có tới 429 người bị lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt trên 800 tỉ đồng.
Trong vụ án này, các đối tượng đã “ăn chia” tàn bạo, chiếm tới 1/3 trị giá hợp đồng. Cụ thể, giá đặt cọc giữa bên bán và bên mua là 52 triệu đồng/m2, nhưng đến khi ký hợp đồng mua bán, giá chỉ còn 34 triệu. Phần “chênh” đó được “ăn chia” theo phẩm hàm, trong đó, nếu như theo lời khai của các bị can thì Trịnh Xuân Thanh là người được hưởng cao nhất.
Dự án Khu đô thị thị Thanh Hà – Cienco5 vẫn còn dang dở |
Vậy, vì sao Trịnh Xuân Thanh lúc đó vẫn chưa bị khởi tố và đến nay Hội đồng xét xử phúc thẩm lần 2 phải khởi tố vụ án tham ô với Thanh, chứ không phải cơ quan điều tra?
Diễn biến vụ án cho thấy, Nguyễn Ngọc Sinh, đệ tử ruột của Thanh, bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, tuy nhiên, cho rằng chưa đủ chứng cứ để truy tố nên “VKSNDTC đã ra quyết định đình chỉ vụ án số 05/VKSNDTC –V1 ngày 6/6/2012 đối với bị can Nguyễn Ngọc Sinh.”
Về việc này, tại phiên tòa phúc thẩm TAND Tối cao lần thứ nhất (ngày 15, 16 tháng 9/2014), sau khi dẫn lại các lời khai của một số đối tượng, trong phần nhận xét, HĐXX nêu rõ: “Đây là lời khai của các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và nhân chứng trong vụ án là chứng cứ đáng tin. Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố ông Nguyễn Văn Sinh là có căn cứ. VKSND Tối cao không truy tố ông Nguyễn Ngọc Sinh là bỏ lọt người phạm tội.”
Đáng chú ý, trong phiên tòa phúc thẩm này, cả ông Trịnh Xuân Thanh và ông Nguyễn Ngọc Sinh đều được tòa triệu tập với tư cách làm chứng nhưng đều có đơn xin xét xử vắng mặt.
Điều lạ hơn là, tuy tòa phúc thẩm đã nhận định như vậy, nhưng trong cáo trạng lần 2, Nguyễn Ngọc Sinh một lần nữa vẫn không bị truy tố. Vậy liệu có ẩn khuất gì trong tình tiết quan trọng này không?
Những lời khai trùng khớp việc Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo “ăn chia”
Đúng như lời nhận định của phiên tòa phúc thẩm lần đầu, “VKSND Tối cao không truy tố ông Nguyễn Ngọc Sinh là bỏ lọt người phạm tội” bởi có quá nhiều lời khai, chứng cứ chứng minh, chính Nguyễn Ngọc Sinh là người thực hiện chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh về việc “ăn chia”, người trực tiếp ký hợp đồng bán giá 34 triệu đồng/m2 dù trước đó bên bán, bên mua đã thống nhất với nhau giá 52 triệu đồng/m2.
Những chỉ đạo “ăn chia” của Trịnh Xuân Thanh rất rõ qua các lời khai của các đối tượng trong vụ án này.
Các lời khai về sự chỉ đạo “ăn chia” của Trịnh Xuân Thanh (ảnh chụp từ tư liệu vụ án) |
Khai tại cơ quan điều tra, bị can Đào Duy Phong – Chủ tịch HĐQT PVP Land, khai: Trước khi có ý kiến phê duyệt việc bán cổ phần, Phong được Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới) và Thái Kiều Hương (Phó Tổng Giám đốc Vietsan), thông báo ý kiến của ông Trịnh Xuân Thanh chỉ ký hợp đồng với giá 35 triệu đồng/m2. Số chênh lệch (tạm tính 25 tỉ đồng) thì Phong được hưởng 10 tỉ đồng, còn 15 tỉ đồng thì ông Trịnh Xuân Thanh được hưởng.
Mặt khác, lời khai này rất phù hợp với lời khai của Lê Hòa Bình về việc ông Trịnh Xuân Thanh được khoản 14 tỉ đồng: Việc chia tiền được Huỳnh Nguyễn Quốc Duy cho biết, phần chênh từ 34 triệu đến 40 triệu đồng/m2 (6 triệu đồng/m2) đưa cho ông Đào Duy Phong; phần chênh từ 40 triệu đến 52 triệu đồng/m2 (12 triệu đồng/m2) để đưa cho ông Trịnh Xuân Thanh và ông T.
Còn với đệ tử của Thanh, có nhiều lời khai chứng minh Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh rất biết việc Cty của mình đã ký hợp đồng đặt cọc 52 triệu đồng/m2 nhưng vẫn ký hợp đồng bán giá 34 triệu!?
Lời khai thứ nhất, tại cơ quan điều tra, Bị can Thái Kiều Hương và ông Han Gi Cheol (Tổng giám đốc Cty Vietsan – một trong 5 đối tác cùng bán cổ phần cho Cty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1.5) khai: trước khi ký hợp đồng đặt cọc bán với giá 52 triệu đồng /m2, cả ông Han và Kiều Hương đã đến Cty PVP Land gặp Nguyễn Ngọc Sinh tại phòng làm việc của Sinh thắc mắc việc bán với giá như vậy đã hợp lý chưa, vì với Vietsan, giá 52 triệu đồng vẫn còn lỗ. Như vậy, ông Sinh không thể chối là không biết có hợp đồng đặt cọc với giá 52 triệu đồng.
Lời khai về việc chia “lộc” cho Trịnh Xuân Thanh (ảnh chụp từ tư liệu vụ án) |
Thứ hai, 4/5 cổ đông đều biết hợp đồng đặt cọc và đều bán đúng với giá 52 triệu đồng, thì chỉ riêng ông Nguyễn Ngọc Sinh – đại diện cho cổ đông lớn nhất (chiếm 50,5%) của Cty Xuyên Thái Bình Dương - lại không biết nên chỉ bán giá 34 triệu đồng/m2! Liệu cơ quan điều tra có thể tin được lời khai của ông Sinh?
Thứ ba, ông Đặng Sĩ Hùng – trưởng phòng của Cty PVP Land – khai: được ủy quyền của ông Sinh nên đã cùng các cổ đông khác ngồi vào bàn đàm phán bán cổ phần. Vậy mà, ông Sinh vẫn chối phắt việc ủy quyền!
Thậm chí, Nguyễn Ngọc Sinh còn cho rằng khi ký hợp đồng bán cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấy chữ ký nháy của Đặng Sĩ Hùng nên chỉ đọc phần nội dung mà không đọc các căn cứ (phần này có nêu giá của hợp đồng đặt cọc - pv) nên không biết ?!
Vụ án tham ô này chỉ mới bắt đầu, nhưng việc khởi tố 2 đối tượng “lọt lưới” trong vụ án trước đã khiến dư luận tin hơn vào “lưới trời”. Và những gì thể hiện qua các lời khai, dư luận tin rằng, những khoảng tối chưa được làm rõ sẽ tiếp tục bị “đèn trời” chiếu đến.
Theo Dân Trí