Vì sao chậm thi hành án vụ Phạm Công Danh?

Thứ ba, 11/04/2017, 09:24
Do bản án tuyên không rõ ràng dẫn đến Cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP.HCM gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành án vụ án Phạm Công Danh.

Đó là lời phát biểu của ông Vũ Quốc Doanh, quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM, tại buổi họp báo vào chiều 10/4.

“Theo quy định, đối với các khoản thu hồi cho ngân sách nhà nước thì thuộc diện cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bản án của toà án lại tuyên thi hành án theo đơn yêu cầu của ngân hàng. Do vậy, hiện nay chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo đối với vụ việc này”, ông Doanh nói.

Cũng theo ông Doanh, tài sản xử lý ước tính không đủ thi hành cho bản án có giá trị khoảng 13.000 tỷ đồng, mà tài sản thì lại đang nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau như Vũng Tàu, Quảng Ngãi… Hiện Cục đã có quyết định thành lập một tổ chấp hành viên gồm bảy người do trưởng phòng nghiệp vụ 2 là ông Vũ Văn Đài làm tổ trưởng.

Ông Vũ Quốc Doanh (quyền Cục trưởng Cục THADS TP.HCM) cho biết nhiều bản án của toà tuyên không rõ ràng dẫn đến gây khó khăn cho thi hành án.

Trong 6 tháng đầu năm VKSND các cấp có ban hành bảy kháng nghị (Cục 6, các chi cục là 1). Đa số kháng nghị rơi vào việc chấp hành viên chậm tổ chức thi hành án, chậm xác minh, không ban hành quyết định trả tài sản, uỷ thác chưa xác minh đầy đủ các điều kiện.

Bên cạnh đó Cục cũng đã kiến nghị giám đốc thẩm bản án gồm 3 trường hợp, các chi cục là 6. Đơn cử, vụ tranh chấp thừa kế, trong đó phần nhận định toà cho rằng đồng thừa kế được quyền ưu tiên mua lại tài sản. Tuy nhiên, trong phần quyết định toà án lại “tuyên mãi”, do đó cơ quan thi hành án không biết tuyên mãi là gì. Dù cơ quan này đã đề nghị toà giải thích nhưng vẫn không rõ ràng.

Vừa qua, Cục đã đã tiến hành kiểm tra hai Chi cục THADS quận Tân Phú và Chi cục THADS quận Gò Vấp và đã yêu cầu hai chi cục họp kiểm điểm các cá nhân liên quan. Trong đó, sai phạm thường rơi vào trường hợp chậm xác minh và thông báo cho các đối tượng, tác nghiệp xác minh chưa đầy đủ... Cục nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm, phòng tổ chức cán bộ có xử lý hay không sẽ do hội đồng.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Cục thi hành án cũng có báo cáo về thi hành án dân sự trong 6 tháng đầu năm với tổng số thụ lý là hơn 66.000 việc. Trong đó đã thi hành xong hơn 22.750 việc; về tiền, tổng số thụ lý trên 57.000 tỷ đồng (trong đó đã xong gần 9.000 tỷ đồng).

Theo Pháp Luật TP.HCM

Các tin cũ hơn