|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 18-4 - Ảnh chụp qua màn hình |
Tại phiên họp thứ 9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 18-4, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc; thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước; việc giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về việc thời gian vừa qua xảy ra một số vụ học viên cai nghiện trốn trại, vậy nguyên nhân và giải pháp là gì? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết hiện cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10.617 người so với cùng kỳ năm 2015 (200.134 người). Ngoài nghiện heroin, số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS), cỏ Mỹ “XLR-11” tăng nhanh, đặt biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.... Người sử dụng ma túy tổng hợp có rối loạn tâm thần và một số có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết hiện cả nước có 60.000 người nghiện đang được cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó trên 17.000 người là cai nghiện bắt buộc. Vừa qua, xảy ra một số cơ sở trốn trại, thậm chí đập phá trại để trốn ra ngoài ở Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh, Hải Phòng… theo ông Dung lý do vì việc chúng ta đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung là điều không mong muốn nhưng bắt buộc phải làm, hầu hết số này bản thân họ không tự nguyện đi cai mà chủ yếu chỉ gia đình họ mong muốn. Một số nơi thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
"Trong đó có việc một số địa phương vì mục tiêu làm trong sạch địa bàn nên cứ thấy có người nghiện là đưa vào cơ sở cai nghiện, trong khi theo đúng quy định phải phân loại. Cũng từ việc này dẫn đến quá tải tại các trung tâm cai nghiện"- ông Dung bày tỏ.
Dẫn ví dụ từ tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cơ sở chỉ giáo dục cai nghiện được khoảng 500 người nhưng lại nhận đến 1.400 người, dẫn đến bức bối, bức xúc cho những người cai nghiện.
Ngoài ra, trong quá trình cai nghiện giáo dục này phải phân loại người giai đoạn cai nghiện ban đầu với giai đoạn sau. Thế nhưng, nhiều nơi lại để người giai đoạn đầu ở chung với người giai đoạn sau, dẫn đến bức xúc hoặc lôi kéo nhau.
"Hầu như ở các cơ sở cai nghiện này, ít nhất 35-40% là những người từng có tiền án tiền sự, số này tâm lý thường hay quá khích, lôi kéo, thậm chí xúi giục để trốn trại"- ông Dung cho hay.
"Rồi khi các em trốn trại ra ngoài, chế tài xử lý chưa có. Chẳng hạn vụ ở Vũng Tàu, hỏi các học viên trốn trại họ nói thẳng nếu bị bắt thì cũng chỉ phải quay trở lại trại thôi nên không có gì phải ngại"- ông Dung nói.
Ngoài những khó khăn nêu trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cơ sở pháp lý trong lĩnh vực quản lý cai nghiện hiện vẫn còn có nhiều điều đang vướng mắc, dù đã có 2 luật là Luật phòng chống ma tuý và Luật xử lý vi phạm hành chính.Thứ nhất, đối với độ tuổi từ 12-18, luật quy định không đưa các đối tượng này vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng số này trong thực tiễn ở ngoài xã hội số lượng rất lớn, tính chất phức tạp. Thứ hai, hiện đang áp dụng cai nghiện ma tuý theo quy định, những người có nơi cư trú ổn định thì không phải cai nghiện bắt buộc. Thứ ba, thời gian cai nghiện ma tuý theo quy định là 24 tháng, tuy nhiên tổng kết cho thấy thời gian này quá dài, hầu như tỉ lệ cai được là rất nhỏ. "Mà thời gian kéo dài thế, chúng tôi thấy điều này không khả thi"- Bộ trưởng Dung nói.
Cuối cùng, một nguyên nhân quan trọng về pháp lý là sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, ở nước ta giao cho Bộ LĐ-TB-XH có sự phối hợp với các cơ quan khác, nhưng chỉ phối hợp bên ngoài. "Còn từ cổng vào đến trung tâm cai nghiện hoàn toàn giao cho Bộ LĐ-TB-XH. Một bộ dân sự mà giao quản lý đối tượng phức tạp thế này, còn Bộ Công an lại chỉ quản lý phía ngoài, khi có sự việc gì thì mới vào, điều này là không khả thi"- ông Dung nêu.
Về giải pháp, ông Dung cho biết cần phải tuyên truyền để có nhận thức sâu sắc về tội phạm ma tuý, toàn dân phải chung tay đấu tranh phòng chống ma tuý. Thực hiện 3 giảm: cung, cầu, tác hại. Tiếp đó là tập trung sửa đổi chính sách để giải quyết các vướng mắc nêu trên.
Theo NLĐ