7 vấn đề "nóng" dự kiến tranh luận ở đại án Oceanbank

Thứ tư, 13/09/2017, 16:29
Oceanbank thiệt hại hơn 1.500 tỷ và ai phải bồi thường? Vì sao nhiều bị cáo nói "tai nạn" nghề nghiệp?... là những vấn đề "nóng" dự kiến được tranh luận trong phiên xử ngày mai (14.9).

Sáng mai, phiên xử Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm tiếp tục diễn ra sau 2 ngày tòa nghỉ. Dự kiến trước khi vào phần tranh luận giữa các bên, cơ quan giữ quyền công tố tại tòa sẽ luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo liên quan đến đại án Oceanbank.

Phiên tòa dự kiến cũng sẽ "nóng" ở phần tranh luận về những vấn đề chưa được làm rõ trong phần xét hỏi.

1. Vì sao nhiều bị cáo nói "không phạm tội"

Cáo trạng nêu, Oceanbank đã chi hơn 1.576 tỷ đồng để chăm sóc khách hàng trái quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Với cáo buộc này, 45/51 bị cáo là chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc khối, kế toán, giám đốc chi nhánh… của Oceanbank cùng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hà Văn Thắm nhiều lần khẳng định cáo trạng quy kết khoản tiền thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng là không chính xác.

Bị tòa thẩm vấn, Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Oceanbank, cho rằng hơn 1.576 tỷ đồng không phải là vốn điều lệ (4.000 tỷ đồng) của ngân hàng, mà là tiền thu của khách hàng vay tiền, sau đó trả cho người gửi tiền. Theo bị cáo Thắm, phần chăm sóc khách hàng chỉ là 1.088 tỷ đồng.

Hầu hết cấp dưới của Thắm nằm trong nhóm tội cố ý làm trái đều cho rằng họ không phạm tội như cáo trạng truy tố vì hành vi của họ là “tai nạn” nghề nghiệp, đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo giao phó. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận việc chi lãi ngoài, chi lãi vượt trần, trái với quy định của NHNN, đồng thời cũng trái với các quy định về sổ sách tài chính, kế toán.

2. Đoàn giám định NHNN không xác định Oceanbank thiệt hại hơn 1.500 tỷ

Trải qua 11 ngày xét xử đại án Oceanbank, phòng xử án nhiều lần “nóng” lên khi các luật thay nhau đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với ông Đỗ Anh Quân - đại diện Đoàn giám định của NHNN tham gia phiên tòa. Đây là đoàn giám định được NHNN phân công giám định, xác định thiệt hại của Oceanbank do chủ trương chi lãi ngoài trái quy định.

Trả lời tòa, ông Quân nhiều lần khẳng định toàn bộ kết luận định giá thiệt hại hơn 1.500 tỷ của Oceanbank là khách quan, trung thực. Đáng chú ý, trong ngày xét xử thứ 10 (ngày 9.9), sau hàng loạt câu hỏi dồn dập của nhiều vị luật sư, ông Quân đã trả lời rằng toàn bộ số thiệt hại hơn 1.500 tỷ của Oceanbank đã được cơ quan điều tra xác định từ trước, đoàn giám định chỉ xác định những vi phạm, sai phạm của Oceanbank theo quy định của NHNN.

Nghe vị đại diện cơ quan giám định trả lời, những người dự tòa, trong đó có nhiều cựu nhân viên của Oceanbank đang bị truy tố tội cố ý làm trái đã đồng loạt vỗ tay.

3. Trách nhiệm của NHNN trong giám sát, cảnh báo Oceanbank chi lãi ngoài

Trả lời câu hỏi của luật sư ngày 8.9, Hà Văn Thắm khai Oceanbank đều đặn báo cáo kinh doanh định kỳ với NHNN theo quy định. Ngoài ra, NHNN còn 2 lần thanh tra toàn diện Oceabank. Tuy nhiên, trong suốt thời gian Thắm làm “thuyền trưởng” Oceanbank, ông khai không được lãnh đạo NHNN hoặc Thanh tra, Ban pháp chế đơn vị này nhắc nhở, ngăn cấm, cảnh báo về thực hiện, thi hành chủ trương chi lãi ngoài.

Cho rằng NHNN có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm tại Oceanbank, những người tham gia tố tụng nhiều lần đặt câu hỏi: Ai được giao giám sát ngân hàng Đại Dương? Tuy nhiên trong phần thẩm vấn, đại diện NHNN từ chối trả lời.

Vị chủ tọa đã đặt câu hỏi: "Oceanbank có hàng loạt sai phạm, sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước, sao thanh tra NHNN không phát hiện ra, do năng lực yếu hay bỏ qua sai phạm?".

4. Nguyễn Xuân Sơn đưa tiền cho ai?

Ngày 30.8, Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) bất ngờ khai đã nhận hơn 200 tỷ đồng từ Oceanbank để chi đối ngoại cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) - cổ đông nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank.

Sơn khai từng chi cho chuyên viên các bộ, ngành có quan hệ, làm việc với dầu khí mỗi người 50 triệu đồng dịp tết, các vị trí cao hơn nhận 50-200 triệu đồng, tuy nhiên bị cáo này xin HĐXX được giữ kín tên người nhận tiền.

Trong phiên tòa, Sơn bất ngờ khai đã đưa hơn 200 tỷ cho Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc PVN để đối ngoại.

Ông Ninh Văn Quỳnh nói đã nhận 20 tỷ từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Khi được gọi lên đối chất, ông Quỳnh khai chỉ nhận từ Sơn 20 tỷ đồng mà không nói lý do biếu tặng. Con số hơn 200 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn khai đã nhận để chi đối ngoại cho PVN chưa có “đầu ra”. Dự kiến trong phần tranh luận, những người tham gia tố tụng cũng sẽ đề cập đến việc này.

5. Công ty con thuộc PVN có nhận lãi ngoài của Oceanbank?

Nguyễn Minh Thu khai nhiều tiền chi tiền "chăm sóc khách hàng" cho Vietsovpetro, tuy nhiên lãnh đạo đơn vị này đã phủ nhận.

Theo điều tra, Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc) và Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) là hai người đã nhiều lần cầm tiền chi cho các đơn vị thành viên của PVN gửi tiền tại Oceanbank, trong đó có Vietsovpetro và Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn.

Được triệu tập tới tòa, những cán bộ bị tố nhận tiền “chăm sóc” của Oceanbank đã bác bỏ lời khai của Sơn và Thu. Họ nói đây là những lời khai một chiều, có dấu hiệu phạm vào tội Vu khống. Vấn đề này nhiều khả năng được luật sư và cơ quan công tố tranh luận những ngày tới.

6. Ai bồi thường 1.576 tỷ thiệt hại cho Oceanbank mới

Ngày xử thứ 11 (11.9), luật sư bào chữa cho Hà Văn Thắm có nhiều câu hỏi cho người đại diện Ngân hàng Đại Dương mới (sau khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng) về yêu cầu bồi thường số tiền hơn 1.500 tỷ được xác định thất thoát. Không chỉ định cụ thể cá nhân phải bồi thường, Oceanbank mới đề nghị HĐXX xác định người có trách nhiệm phải khắc phục hậu quả.

Theo luật sư, hơn 40 bị cáo bị truy tố tội cố ý làm trái, 277 người được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan việc chi lãi ngoài. Cơ quan chức năng chứng minh 51.000 cá nhân và 400 tổ chức nhận lãi ngoài. “Vậy bây giờ là đòi các bị cáo được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, những người được chứng minh chi lãi ngoài hay đòi người đã nhận lãi ngoài?", luật sư đặt câu hỏi với Oceanbank mới.

7. Tranh luận về cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm tham ô 49 tỷ

Theo cáo trạng, trong số 246 tỷ đồng nhận từ Hà Văn Thắm để chi đối ngoại cho PVN, Sơn đã chiếm đoạt 49 tỷ đồng (tương đương 20% vốn điều lệ của PVN góp vốn). Hành vi trên của Sơn đã cấu thành tội Tham ô, Hà Văn Thắm được xác định là đồng phạm giúp sức.

Nêu ý kiến về cáo buộc của VKS, Sơn nói: "Chưa bao giờ bị cáo có ý tưởng làm tổn hại đến lợi ích hay tham ô tài sản của PVN”. Hà Văn Thắm tìm cách gỡ tội cho Sơn và cho chính mình bằng cách khẳng định: 49 tỷ Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển cho đại diện tập đoàn PVN chứ không tham ô.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói chưa bao giờ có ý định tham ô tài sản của Tập đoàn Dầu khí.

Hà Văn Thắm nói bản thân có các biện pháp bí mật giám sát tài khoản của Nguyễn Xuân Sơn. “Tôi tin anh Sơn chi phí 49 tỷ theo đúng yêu cầu. Anh Sơn không thể nào chiếm đoạt, chỉ có điều anh ấy có khai không thôi. Anh Sơn không khai nên bị quy kết chiếm đoạt", Thắm nói tại tòa.

Theo Zing

Các tin cũ hơn