Trong ngày đầu phiên phúc thẩm vụ VN Pharma, đại diện Bộ Y tế và Bộ Công Thương dù đến tòa nhưng không trả lời bất kỳ câu hỏi nào, mà chỉ xin ghi nhận, báo cáo với lãnh đạo và sẽ trả lời sau bằng văn bản. Đặc biệt hơn, ở ngày thứ hai phiên xử vụ án này đại diện Bộ Y tế hoàn toàn vắng bóng.
Về vấn đề trên, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét: “Với tư cách là đại diện cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến quá trình cấp giấy phép nhập khẩu nhưng khi đến tòa, đại diện Bộ Y tế lại không đưa ra bất kỳ câu trả lời nào từ phía tòa án, thì có thể thấy đây là một hành động hết sức khó hiểu”.
Luật sư Học cho rằng việc này có thể cản trở việc chứng minh sự thật khách quan của vụ án. Xét dưới góc độ Tố tụng hình sự thì đương sự có thể không trả lời những câu hỏi của HĐXX.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ một cơ quan chủ quản trong việc quản lý Nhà nước cao nhất về y tế, nhưng khi đến toà không cung cấp bất cứ một thông tin gì thì có thể nói là không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao.
"Nếu cho rằng sẽ trả lời bằng văn bản sau cũng không hợp lý. Vì việc xét xử là trực tiếp, liên tục, công khai tại phiên toà thì việc trả lời sau đó không còn ý nghĩa gì", luật sư Học nói thêm.
“Tôi không rõ Tòa triệu tập Bộ Y tế và Bộ Công Thương đến tòa để tham gia tố tụng với tư cách là gì. Tùy theo tư cách tham gia tố tụng thì mới xác định được chính xác nghĩa vụ của người đại diện các Bộ này tại phiên tòa cũng như chế tài tương ứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, dù những Bộ này có được Tòa mời với tư cách là những người tham gia tố tụng hay không thì theo Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự, về sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng, thì Bộ Y tế và Bộ Công Thương trong phạm vi trách nhiệm của mình phải phối hợp với cơ quan điều tra, VKS, tòa án, trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”, luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn luật sư TP.HCM) đưa ra quan điểm.
Các luật sư cho rằng đại diện Bộ Y tế không đưa trả lời bất kỳ câu hỏi nào tại tòa là một hành động hết sức khó hiểu. Ảnh: Tùng Tin. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Bộ Y tế có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ. Điều 26 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan điều tra, VKS, tòa án trong việc phát hiện và xử lý tội phạm”.
Luật sư Sơn cho rằng những câu hỏi mà HĐXX, vị đại diện VKSND đưa ra đối với đại diện của Bộ Y tế đều thuộc về nghiệp vụ chuyên môn. Mà đã thuộc nghiệp vụ chuyên môn thì hơn ai hết Thanh tra Bộ Y tế phải nắm.
“Anh phải nắm để còn đi thanh tra tra các đơn vị khác chứ. Do đó, việc ông Giang Hán Minh, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, được cử đến tham dự phiên tòa từ chối trả lời tất cả những câu hỏi của HĐXX, cũng như của đại diện VKSND đưa ra, là thiếu tôn trọng những người tiến hành tố tụng và gây cản trở những người tiến hành tiếp cận sự thật vụ án”, vị luật sư nhấn mạnh.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao cùng các luật sư bào chữa cho các bị cáo cùng đề nghị HĐXX tuyên hủy án sơ thẩm vụ VN Pharma. Căn cứ theo quy định tại Điều 250 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành (BLTTHS): “Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”.
Theo đó, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét việc tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án này là có khả năng. Bởi ngay từ sau khi tòa sơ thẩm tuyên án đối với các bị cáo, không chỉ những chuyên gia trong ngành có nhận định về những vấn đề còn khuất tất, chưa được làm rõ về hành vi và tội danh mà ngay cả người dân đặc biệt là bệnh nhân ung thư và người thân của họ phản ánh hình phạt đã tuyên xử các bị cáo là chưa đủ sức trừng phạt và răn đe.
Còn quá nhiều điều khuất tất trong vụ án VN Pharma nên khả năng tòa hủy án sơ thẩm để điều tra lại rất cao. Ảnh: Tùng Tin. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Đồng thời, luật sư Hải đưa ra ý kiến rằng vụ án này cần làm rõ hai vấn đề nổi bật. “Thứ nhất, liệu ngoài lô thuốc H-Capita 500 mg, VN Pharma còn phải chi “hoa hồng” cho việc bán bất kỳ lô thuốc nào nữa không? Vì theo ý kiến của Viện kiểm sát, số tiền chi “hoa hồng” là 7,5 tỷ đồng trong khi giá trị của lô thuốc H-Capita 500mg chỉ có 5,3 tỷ là không phù hợp với thực tế. Vấn đề này, HĐXX phúc thẩm cũng khó mà thu thập, bổ sung được”, luật sư Hải nhận định.
Xoay quanh lô thuốc H-Capita 500mg, vị luật sư còn đặt ra câu hỏi đây là thuốc không có dược chất hay có dược chất không đúng với hàm lượng đã đăng ký hay chỉ là thuốc kém chất lượng? “Và nếu H-Capita 500mg được HĐXX phúc thẩm kết luận là hàng giả thì có cơ sở để khởi tố thêm tội danh Sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 157 BLTTHS. Để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 20 BLTTHS và Điều 196 BLTTHS về chế độ hai cấp xét xử và giới hạn của việc xét xử, HĐXX phúc thẩm có cơ sở hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại”, luật sư Hải phân tích thêm.
Về phía luật sư Nông Minh Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), dựa theo diễn biến phiên tòa cũng như kinh nghiệm nhiều năm trong ngành Luật, luật sư Đức cũng nhận định khả năng HĐXX sẽ tuyên hủy án là rất cao. Tuy nhiên, theo ông, việc cần điều tra làm rõ hành vi vận chuyển tiền qua biên giới của VN Pharma mới là quan trọng nhất.
“Nếu trong trường hợp nhận thấy việc điều tra cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được thì HĐXX cấp phúc thẩm sẽ hủy án để điều tra lại theo quy định tại khoản 1 Điều 250 của BLTTHS. Nghĩa là vụ án quay lại từ đầu. Cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra lại, Viện Kiểm sát truy tố lại và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án theo thủ tục chung (Điều 252 BLTTHS)”, luật sư Phùng Thanh Sơn cho biết.
Theo Zing