|
Bị cáo Trầm Bê (trái) và Phạm Công Danh tại phiên tòa |
Theo đại diện Viện Kiểm sát, thời gian qua tại TP.HCM có nhiều vụ án về ngân hàng xảy ra, các đối tượng thường dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, gây ảnh hưởng đến chính sách an ninh tiền tệ của Nhà nước, gây mất lòng tin của nhân dân.
Vụ án Phạm Công Danh và các đồng phạm là một ví dụ điển hình, vì vậy đại diện Viện Kiểm sát cho rằng cần xử lý nghiêm minh.
Kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa những ngày qua đã làm rõ từ khi Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín của bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này ngày càng làm ăn thua lỗ, sau đó, Ngân hàng Nhà Nước đã phải đặt ngân hàng Đại Tín (sau này đổi tên thành VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Đại diện Viện Kiểm sát nhận định với nhiều thủ đoạn tinh vi, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đã giúp Phạm Công Danh rút hơn 6.000 tỉ đồng của VNCB gửi vào 3 ngân hàng TPBank, BIDV và Sacombank để đảm bảo cho 29 lượt công ty của Danh vay số tiển trên.
Số tiền vay được được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản, sau đó được chuyển cho Phạm Công Danh sử dụng, gây thất thoát cho VNCB hơn 6.000 tỉ đồng
Trong những ngày xét xử vừa qua, hội đồng xét xử (HĐXX) và các luật sư đã xét hỏi nhiều vấn đề nhằm làm rõ các hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và 45 bị cáo cùng vụ án.
Tòa đã xét hỏi các bị cáo về việc vay hơn 6.000 tỉ đồng tại 3 ngân hàng BIDV, Sacombank và Tiên Phong (TPBank).
Các bị cáo nguyên là lãnh đạo VNCB lý giải sở dĩ Phạm Công Danh vay nhiều tiền từ các ngân hàng khác như vậy là vì áp lực từ Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu và trả lãi chi chăm sóc khách hàng.
Riêng bị cáo Phạm Công Danh cho rằng số tiền vay được đã dùng để tăng vốn điều lệ cho VNCB, trả lãi và trả nợ cho ông Trần Quý Thanh (tập đoàn Tân Hiệp Phát)…
Tuy nhiên, tòa cho rằng việc trả lãi suất vượt trần đã được làm rõ ở giai đoạn 1. Riêng việc vay tiền để góp vào vốn điều lệ, các bên liên quan cho biết hiện số tiền vốn đó không còn nằm ở VNCB mà đã được Phạm Công Danh chi tiêu, sử dụng hết.
Cáo trạng thể hiện năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần tiền nhưng không thể vay trực tiếp tại ngân hàng VNCB nên đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và tập đoàn Thiên Thanh (do Danh sáng lập), sử dụng 29 lượt pháp nhân công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân để lập hồ sơ khống vay tiền tại các ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV.
Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau khi cho các công ty vay tiền, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.000 tỉ đồng.
Toàn bộ số tiền vay được từ 3 ngân hàng, Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng vào các mục đích của Danh.
Do các công ty lập hợp đồng vay khống, không thực hiện phương án kinh doanh như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có khả năng trả nợ.
Ngân hàng VNCB bảo lãnh cho các công ty nhưng không yêu cầu các công ty cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bão lãnh. Từ đó VNCB bị thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng.
Theo TTO