Đề nghị phạt Phạm Công Danh 20 năm tù, Trầm Bê 5-6 năm tù

Thứ hai, 22/01/2018, 10:57
Sáng nay, sau 3 ngày nghỉ, đại diện cơ quan công tố đã đề nghị mức án 20 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh, 5-6 năm tù với bị cáo Trầm Bê.

Sáng 22/1, sau 2 tuần xét hỏi, phiên tòa xét xử Trầm Bê - Phạm Công Danh và 44 đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội các bị cáo. Các bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà được ngồi vì lý do sức khỏe, các bị cáo khác đứng nghe.

Sau khi đưa ra quan điểm luận tội, VKS đề nghị lần lượt các mức án với các bị cáo:

Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án cũ là 30 năm tù.

Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) bị đề nghị 5-6 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng) bị đề nghị 13-15 năm tù cùng về tội danh trên. Tổng hợp bản án phúc thẩm là 30 năm tù. Mai Hữu Khương (nguyên Thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị đề nghị 11-13 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 30 năm tù.

Hoàng Đình Quyết(nguyên Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị 4-5 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 23-24 năm.

Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB) bị đề nghị 6-7 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 16-17 năm. Phan Minh Tùng (Kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) bị đề nghị 5-6 năm tù, tổng hợp bản án cũ là 12-13 năm.

Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị đề nghị 4-5 năm tù. Nguyễn Việt Hà ((Tổng giám đốc Công ty quản lý Quỹ Lộc Việt) bị đề nghị 6-7 năm tù.

36 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng bị đề nghị từ 2-5 năm tù và cho hưởng án treo.

Bị cáo Trầm Bê.

Đại diện VKS cho rằng thời gian qua nhiều vụ án về ngân hàng gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ trong nước. Nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm, cần phải xử lý nghiêm tội phạm này để củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp với hoạt động của ngân hàng.

Qua thẩm vấn công khai tại tòa đã làm rõ Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã đặt Đại Tín (sau này là VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thống nhất chủ trương dùng 6.630 tỷ của Ngân hàng Xây dựng gửi vào các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh khoản vay thông qua 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân rồi chuyển tiền về cho Phạm Công Danh sử dụng.

Sau đó bị 3 công ty thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, tổng số tiền là 6.127 tỷ đồng. Do các công ty làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu lại được tiền bảo lãnh dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Riêng bị cáo Trầm Bê đã giới thiệu Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống, gây thiệt hại cho VNCB 1.840 tỷ đồng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn