|
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh |
Tại phiên toà xét xử vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) sáng nay, 22.1, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, 14 năm tù tội Cố ý làm trái và chung thân tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo này bị tuyên mức án chung thân.
Trước khi tuyên án, Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Trịnh Xuân Thanh dù biết PVC chưa đủ điều kiện, không đủ năng lực để làm tổng thầu; hồ sơ chưa đầy đủ, nhưng vẫn chỉ đạo ký hợp đồng EPC số 33.
Dẫn giải Trịnh Xuân Thanh về trại tạm giam sau khi kết thúc phiên tòa sáng nay |
Về việc cấp dưới của PVC đã báo cáo thiếu sót của hợp đồng 33, tại các cuộc Ban Tổng giám đốc PVC có tờ trình 755 về việc đề nghị Hội đồng quản trị phê duyệt nội dung ký nội dung xây dựng nhà máy chính thuộc dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Trịnh Xuân Thanh cũng đã ký lấy phiếu ý kiến các thành viên Hội đồng quản trị, phê duyệt nội dung thực hiện gói đồng EPC 33.
“Với căn cứ trên, cho thấy vai trò của Thanh là quyết định trong chỉ đạo điều hành ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định của pháp luật”, Hội đồng xét xử khẳng định.
Đối với việc xin cấp tiền tạm ứng, theo Hội đồng xét xử, Trịnh Xuân Thanh đã thừa nhận đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ để tạm ứng tiền, vì khi đó tình hình tài chính của PVC khó khăn, chỉ trông chờ tiền của dự án. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời khai của Phó tổng giám đốc PVC Nguyễn Mạnh Tiến.
Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trịnh Xuân Thanh là lãnh đạo, người quản lý luôn tham gia giao ban hàng tuần hàng tháng. Theo lời khai của kế toán trưởng của PVC, tình hình tài chính của PVC rất khó khăn, Trịnh Xuân Thanh biết được nhưng vẫn phớt lờ.
"Tất cả các nội dung về góp vốn cho công ty con, tạm ứng tiền… được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng quản trị. Phó tổng giám đốc PVC Nguyễn Mạnh Tiến khai, nếu không có chỉ đạo của Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc PVC thì không có việc sử dụng tiền sai mục đích.
Theo phân tích ở trên, Hội đồng xét xử nhấn mạnh có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Trịnh Xuân Thanh biết PVC không đủ năng lực tài chính, điều kiện kinh nghiệm để triển khai nhà máy, chưa đủ hồ sơ, nhưng vẫn chỉ đạo ký hợp đồng và tạm ứng tiền, dùng tiền tạm ứng sai mục đích.