Bà Hứa Thị Phấn thi hành án hình phạt 17 năm tù ra sao?

Thứ ba, 08/05/2018, 12:39
Bản án 17 năm tù của bà Phấn có hiệu lực ngay sau khi TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án.    

Phiên tòa sáng nay vắng mặt bà Phấn

Ngày 4.5 vừa qua, TAND cấp cao tại Hà Nội y án 17 năm tù đối với bị cáo Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bản án này có hiệu lực ngay khi HĐXX tuyên án.

Tại các phiên xử ở Hà Nội, bà Phấn vắng mặt do tình trạng sức khỏe. Song tòa án vẫn xét xử vắng mặt và tuyên mức án trên đối với bà Phấn.

Liên quan đến bà Phấn, hôm nay (8.5), TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Phấn cùng 27 đồng phạm, vì có các hành vi phạm tội nghiêm trọng, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 6.362 tỉ đồng.

Theo kết luận giám định tại giai đoạn điều tra, bà Phấn mất sức khỏe 93%, do các bệnh cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối... và không có khả năng đi lại. Trong phiên tòa sáng nay cũng không có mặt bà Phấn.

Với trường hợp của bà Phấn, đang bị mất sức khỏe 93%, nếu vắng mặt tại tòa, việc thi hành án phạt tù đối với bà Phấn như thế nào đang được nhiều bạn đọc quan tâm.

Buộc bà Phấn thi hành án ngay khi án có hiệu lực thi hành

Đối với bản án 17 năm tù của bà Phấn, bản án có hiệu lực ngay khi HĐXX cấp phúc thẩm tuyên án.

Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), luật Thi hành án hình sự 2010 quy định, khi nhận được bản án phúc thẩm, Chánh án TAND cấp sơ thẩm xét xử vụ án sẽ ban hành quyết định thi hành án hình phạt tù đối với bà Phấn. “Vì bà Phấn đang tại ngoại, nên trong quyết định thi hành án, tòa án phải ghi rõ trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, người bị kết án phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện, nơi người đó cư trú. Quá thời hạn trên mà người đó không có mặt, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án”, LS Chánh nêu.

Vì bà Phấn đang chuẩn bị tiếp tục bị đưa ra xét xử sơ thẩm ở một vụ án khác tại TP.HCM vào ngày (8.5), liệu bà Phấn có được hoãn thi hành bản án 17 năm hay không, LS Chánh khẳng định: “Hai vụ án hoàn toàn độc lập nhau. Bản án 17 năm tù của bà Phấn buộc phải thi hành án ngay sau khi bản án phúc thẩm được tuyên. Khi bà Phấn đang chấp hành hình phạt tù thì vẫn bị dẫn giải ra phiên tòa khác bình thường, không ảnh hưởng đến việc thi hành án hình phạt 17 năm tù của TAND cấp cao Hà Nội”.

“Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành án hình phạt tù 17 năm, bà Phấn buộc phải chấp hành. Nếu cho rằng vì tình hình sức khỏe, không thể thi hành thì bà Phấn phải có đơn xin hoãn hoặc tạm đình chỉ việc thi hành án hình phạt tù. Lúc này, Chánh án tòa án ra quyết định thi hành án đối với bà Phấn sẽ xem xét và ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án hay không”, LS Chánh cho biết thêm.

Ngoài ra, theo LS Chánh, luật Thi hành án hình sự 2010 cũng quy định, đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người phải chấp hành án cư trú, để ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan.

Được hoãn thi hành án nếu bị bệnh nặng

LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết theo khoản 1 Điều 67 và 68 về hoãn chấp hành hình phạt tù, thì “người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp bị bệnh nặng cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

Về việc xác định người như thế nào gọi là bị bệnh nặng, LS Tuấn cho hay điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn, “người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu…

“Khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, Chánh án TAND ra quyết định hoãn thi hành án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe”, LS Tuấn nhấn mạnh và cho rằng, trường hợp bà Phấn muốn hoãn thi hành án hình phạt tù thì phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa khẳng định bà Phấn bị bệnh nặng.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn