Ngày 17/3, hàng chục người dân xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM tập trung tại một ngôi nhà ở ấp 3 phản ánh với chúng tôi về việc hơn nửa tháng qua không liên hệ được với chủ hụi là bà L.T.T. (61 tuổi, ngụ cùng xã).
Chị Huỳnh Thị Sen (ngụ tỉnh Phú Yên) cho biết vào TP.HCM bán vé số để nuôi con ăn học. Bà dành dụm được đồng nào thì mang đi đóng hụi để mua xe máy cho con.
“Tôi nói với cô Hai (bà L.T.T. - PV) rằng tôi đi bán vé số. Bà nói tôi cứ yên tâm, giờ không tài nào liên hệ được với cô Hai nữa” - chị Sen nghẹn ngào. Người phụ nữ này kể đã mượn thêm tiền của bạn để đóng hụi nhưng từ đầu tháng 3 đến nay không thể liên lạc được với bà L.T.T.
Theo chị Sen, người bạn đòi tiền nên chị phải bán mảnh ruộng ở quê để trang trải nợ nần. “Giờ tôi không còn biết phải làm sao nữa, chỉ mong sao cơ quan chính quyền vào cuộc lấy lại quyền lợi cho người dân” - chị Sen nói.
Người dân cho biết bà L.T.T. ngụ địa phương, chồng là cựu công an xã, đang là bí thư ấp, gia đình thuộc diện có của ăn của để, làm chủ hụi đã từ lâu và uy tín.
Nhiều người dân trình bày vụ việc vỡ hụi. |
Theo người dân, do không liên hệ được với bà L.T.T., người dân đã tìm đến tận nhà để hỏi chuyện. Chồng của người phụ nữ này nói bà T. không có nhà và từ từ sẽ tìm cách giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì. Chị Sen cho biết mình đã đóng tổng số tiền gần 30 triệu đồng trong khoảng năm tháng nhưng chưa lấy lại được đồng nào.
Một số người dân đã viết đơn tố cáo bà L.T.T. chiếm đoạt tài sản gửi lên UBND xã Tân Thạnh Tây nhưng chưa có thông tin phản hồi.
Theo danh sách mà đại diện các hộ dân ghi lại, có khoảng 60 người có đóng góp tiền vào dây hụi do bà L.T.T. làm chủ với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số này nhiều người do tin tưởng, đưa tiền mà không làm giấy tờ vay mượn.
Những người đóng hụi đều là người hàng xóm, quen biết nhau, họ là người bán vé số, giáo viên về hưu… và đều biết chủ hụi là bà L.T.T..
“Phần lớn người chơi hụi là người già, người có thu nhập thấp. Lần đầu tiên thống kê là gần 9 tỷ đồngtính cả lãi, tính không lãi thì gần 7 tỷ đồng. Thực tế số tiền thiệt hại có thể lớn hơn vì nhiều người chưa được thống kê”, bà Nguyễn Thị Do, ngụ xã Tân Thạnh Tây, cho biết.
Theo bà Do, bà đã góp hụi toàn bộ số tiền bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian dài. “Bà L.T.T. nói gì thì chúng tôi tin vậy. Bà ở đây đã 20 năm nay, chưa hề có điều tiếng. Tôi mới chơi cách đây chừng ba năm. Toàn bộ số 290 triệu đồng tiền bảo hiểm trong thời gian đi làm tôi rút ra đóng hụi dần dần, giờ chẳng biết làm sao”, bà Do ứa nước mắt nói.
Theo bà Do, lần đầu tới thì chồng bà L.T.T. cho biết là không giật của ai cả mà sẽ trả đủ. Lần sau tới thì người này nói sẽ bán ngôi nhà hai mặt tiền và chia đều bốn phần trong gia đình rồi lấy phần của ông để trả lại số tiền nợ. Nhưng giờ chưa có động thái gì...
Bà Phan Thị Đị (xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết mình cũng góp hụi một số tiền lớn. “Số tiền lớn của nhiều bà con, có người lên đến gần cả tỷ đồng tiền góp hụi. Nhưng giờ không biết bà L.T.T. đã đi đâu cùng số tiền đó. Tôi là giáo viên về hưu, cũng vì tin tưởng làng xóm nên góp…”
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND xã Tân Thạnh Tây cho biết đã nắm bắt được sự việc. “Hiện ban đầu đã có một số người dân lên UBND xã gửi đơn tường trình vụ việc. Chúng tôi đang phối hợp với công an xã tiếp nhận tố cáo của bà con. Sau khi xác minh, làm rõ vụ việc sẽ chuyển tiếp cho Công an huyện Củ Chi giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi cho người dân nơi đây”, người này nói.
Theo Zing