|
(1) Chủ sà lan kẹp “tờ nhỏ” vào trong sổ (2) Ông Hùng nhận sổ từ chủ sà lan… (3) “gom hụi” (4) đếm (5) và đút tất cả vào túi quần |
Từ phản ánh của người dân, PV đã vào cuộc điều tra, nhận thấy những phản ánh này là có cơ sở.
Quy trình “nhận tờ nhỏ” !
Mỗi ngày, từ 6 - 8 giờ và 15 - 17 giờ là nước bắt đầu lên ở khu vực rạch Bà Lào (đoạn giáp ranh giữa H.Bình Chánh và H.Nhà Bè, TP.HCM). Đây cũng là lúc tàu, ghe chở hàng, sà lan chở cát, đá ngược xuôi đến cập cảng, bến thủy khu vực ngã ba Rạch Chiếu (H.Bình Chánh) để giao nhận hàng. Khi các phương tiện neo đậu đều có cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM tới kiểm tra, nhưng cách kiểm tra rất lạ.
Theo tìm hiểu của PV, quy trình kiểm tra phương tiện của lực lượng cảng vụ cũng giống như CSGT. Cụ thể, cán bộ cảng vụ mặc đồng phục và đi theo tổ 2 - 3 người bằng ca nô chuyên dụng. Khi cập phương tiện, cán bộ phải neo cố định ca nô và bước lên phương tiện kiểm tra các loại giấy tờ liên quan. Thế nhưng, nhiều ngày có mặt ở ngã ba Rạch Chiếu, PV ghi nhận thường chỉ có một người đàn ông không mặc đồng phục đi xuồng máy ra cập mạn phương tiện rồi gọi chủ phương tiện đến... “kiểm tra”.
Khoảng 10 giờ 30 ngày 25.5, cách ngã ba Rạch Chiếu (thuộc rạch Bà Lào, H.Bình Chánh) khoảng 500m có 3 sà lan mang biển kiểm soát của Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp chở cát neo đậu chờ bơm lên bờ thì một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi đi xuồng tới kiểm tra. Người này mặc áo khoác, đầu đội mũ bảo hiểm, xách theo cặp táp, kêu xuồng cập mạn trái sà lan số hiệu LA-074… Chủ sà lan ở trần, trên người còn quấn khăn tắm vội mở cuốn sổ màu đen trên tay, kẹp các “tờ nhỏ” vào rồi chạy tới đưa sổ cho “cán bộ”. Vị này vừa cầm sổ vừa chỉ trỏ nói điều gì đó với chủ sà lan rồi hé sổ lấy những “tờ nhỏ” nhét vào túi quần trước khi trả sổ cho chủ sà lan. Ống kính PV ghi lại toàn bộ quy trình kiểm tra, tính từ lúc vị “cán bộ” này hé sổ lấy những “tờ nhỏ” rồi gấp sổ lại chỉ khoảng… 3 giây.
Tiếp đó, xuồng đưa “cán bộ” bám đuôi sà lan số hiệu ĐT-141... Lần này chủ sà lan không cầm theo sổ mà chỉ mở cửa ra bắt tay “cán bộ”. Vừa chạm vào tay chủ sà lan, “cán bộ” liền đút tay mình vào túi quần. Thao tác này diễn ra chỉ đúng... 1 giây và “cán bộ” tiếp tục kêu xuồng tới sà lan số hiệu TG-147... đang đậu gần đó. Đến 11 giờ 30, vị “cán bộ” quay trở lại bờ, lấy xe máy để ở quán nước rồi chạy về một căn nhà ở đường Nguyễn Cửu Phú (xã Tân Kiên, H.Bình Chánh).
Trước đó, sáng 23.5, cũng tại khu vực trên, ống kính PV thu lại cảnh vị “cán bộ” này đi xuồng ra “kiểm tra” các sà lan chở cát mang biển kiểm soát của Long An, Tiền Giang và An Giang. Khoảng 9 giờ 10 ngày 23.5, xuồng chở “cán bộ” tiếp cận mạn trái sà lan TG-138... Đứng chờ mãi không thấy chủ sà lan, “cán bộ” kêu chủ xuồng lướt về phía đầu cabin. Lập tức, chủ sà lan từ cabin cầm theo một “vật nhỏ” trên tay chạy tới đưa và “cán bộ” nhận xong bỏ ngay vào túi quần. Thao tác này diễn ra chừng... 3 giây.
Tương tự, sau khi xuồng cập sà lan LA-050..., “cán bộ” nhận từ chủ sà lan một “vật nhỏ” cuộn trọn như điếu thuốc rồi bỏ vào túi quần; rồi tới sà lan AG-195... cũng vậy. Thao tác “nhận tờ nhỏ” diễn ra chưa đến... 3 giây.
Có tàu đậu là “vệ tinh” báo ngay
Trong các ngày 21, 22, 23, 25.6, tại ngã ba Rạch Chiếu, ống kính của PV nhiều lần ghi lại cảnh “cán bộ” trên đi xuồng máy tới “kiểm tra” các sà lan chở cát đang neo đậu. Riêng ngày 24.5, “cán bộ” đi kiểm tra là một người trẻ hơn. Khi vị “cán bộ” này kiểm tra liền 3 sà lan chở cát, vừa rời đi thì chúng tôi tiếp cận chủ một sà lan vừa bị “kiểm tra”. Ông N., chủ sà lan, cho biết sà lan của ông đậu đúng chỗ, không vi phạm gì nhưng cũng phải đóng “hụi chết”. “Giấy phép bến cảng này nọ thì đâu liên quan gì tới anh. Cái đó là phía đơn vị mua cát, san lấp mặt bằng họ lo. Còn bằng lái, đăng kiểm, giấy tờ, trang thiết bị trên sà lan anh đều có đủ nhưng khi cập bến cũng phải chung để mấy ổng khỏi làm khó làm dễ”, ông N. nói.
Để kiểm chứng thêm việc thu “hụi chết”, từ chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm gặp anh T. (33 tuổi), chủ xuồng từng nhiều lần chở các “cán bộ” đi kiểm tra ở ngã ba Rạch Chiếu (thuộc rạch Bà Lào). Anh này cho biết, chỉ cần có sà lan chở cát cập vào bờ thì các “vệ tinh” là chủ ghe đánh cá hoặc chủ các trạm bơm cát sẽ gọi báo cho cán bộ cảng vụ phụ trách địa bàn biết để ra “kiểm tra”. “Hồi trước cứ một lần chở cảng vụ ra lụm mấy sà lan chở cát thì cả đi cả về mấy ổng cho tui 200.000 đồng. Bữa nào có nhiều sà lan đậu, mấy ổng thu nhiều thì cho mình nhiều”, anh này nói.
Chủ sà lan chẳng thèm đưa sổ mà đưa luôn “tờ nhỏ” |
Ngày 28.5, chúng tôi tiếp tục tìm gặp ông Nh. (khoảng 50 tuổi), chủ xuồng chở vị “cán bộ” lớn tuổi đi thu “hụi” ở khu vực ngã ba Rạch Chiếu. Ông Nh. cho biết chỉ mới chở các cán bộ cảng vụ đi “thu hụi” hơn 1 năm nay. “Thì ai kêu gì mình chở nấy. Mình chở cảng vụ ra thấy chủ sà lan đưa cuốn sổ vậy rồi đi. Cứ 1 chiếc thì thu 1 lần. Đi vô chừng lắm. Chừng nào cảng vụ xuống gọi thì mình đến chở đi. Có khi đi buổi sáng khi buổi chiều, tùm lum hết”, ông Nh. nói và cho biết thêm: “Mỗi lần đi như vậy thì cảng vụ cho mình 100.000 - 200.000 đồng/chuyến. Nếu đi xa thì họ cho khá hơn. Xa nữa thì cho khá hơn nữa”.
Tạm đình chỉ 3 viên chức cảng vụ
Chiều 30.5, sau khi xem hình ảnh, clip của PV cung cấp, ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM, xác nhận “cán bộ” trong đoạn clip là người của cơ quan này. Cụ thể, vị “cán bộ” lớn tuổi là Đoàn Phi Hùng, còn “cán bộ” nhỏ tuổi hơn là Vũ Việt Hùng, cùng là chuyên viên cảng vụ thuộc đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa số 1.
“Rõ ràng kiểm tra như vậy là sai quy định của nhà nước. Kiểm tra mà đưa qua đưa lại như vậy là sai rồi. Với lại, bắt buộc là cảng vụ viên phải lên sà lan mới kiểm tra được”, ông Quang khẳng định.
Từ thông tin PV cung cấp, ngày 31.5, Ban Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM đã nhanh chóng thành lập Tổ công tác kiểm tra đột xuất đối với các cảng vụ viên đang thực hiện nhiệm vụ tại bến thủy nội địa Minh Hòa (nơi PV ghi hình). Tại đây, Tổ công tác phát hiện các cảng vụ viên chưa thực hiện đúng quy trình cấp phép cho phương tiện vào bến.
Ngay trong ngày 31.5, ông Ngô Đình Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với 3 viên chức, gồm ông Trần Văn Tân, tổ trưởng tổ cảng vụ và ông Đoàn Phi Hùng, Vũ Việt Hùng, chờ kiểm ra làm rõ và xử lý sai phạm nếu có.
“Chủ trương của đơn vị là không dung túng bất cứ một trường hợp nào làm tổn hại đến thanh danh, danh dự, uy tín của đơn vị. Cán bộ nào sai phạm thì xử lý nghiêm, sai tới đâu thì xử tới đó”, ông Quang nói.
PV ghi nhận sự cầu thị và xử lý quyết liệt của lãnh đạo Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM; đồng thời sẽ thông tin tiếp vụ việc khi có kết quả xử lý của cảng vụ.
|
Theo Thanh Niên