|
Sông Cần Giuộc (giáp ranh TP.HCM và Long An) mỗi ngày có hàng trăm lượt ghe chở hàng, sà lan chở cát, đá ngược xuôi.
Thời điểm nước dâng cao, các phương tiện bắt đầu di chuyển tấp nập trên sông cũng là lúc các tổ tuần tra thuộc Trạm 4, Phòng CSGT đường thủy (PC68) Công an TP.HCM lái ca nô quần thảo trên sông để kiểm tra phương tiện. Điều lạ là quy trình kiểm tra chóng vánh tới mức chỉ có thể tính bằng... giây.
Chủ sà lan thấy ca nô CSGT tuần tra đến liền từ trên buồng lái xuống đưa sổ |
Vừa chạy ca nô vừa “kiểm tra”
Khoảng 6 giờ sáng 24.5, khi mặt sông Cần Giuộc còn mờ hơi sương thì các CSGT Trạm 4 (hay còn gọi là Trạm Cây Khô) đã bắt đầu lái ca nô tuần tra. Lọt vào ống kính của PV là ca nô tuần tra có số hiệu CA50-0135, trên có 3 CSGT. 6 giờ 30, ca nô áp sát một sà lan chở cát cỡ nhỏ. Chủ sà lan đang nằm vắt vẻo trên võng vội nhảy xuống “tiếp chuyện”. Một CSGT thò tay về phía chủ sà lan như lấy “một vật gì đó”, rồi khi người này vừa rút tay là ca nô “buông” chiếc sà lan, quay đầu chạy ngược về phía cảng đá. Chạy chừng vài chục mét, ca nô tiếp tục cập mạn chiếc xuồng chở lá dừa cao ngất ngưởng. Vẫn ngồi trên ca nô, các CSGT “kiểm tra” chiếc xuồng chỉ vài giây rồi cho ca nô quay đầu rời đi trong làn sương mịt mờ.
Khoảng 7 giờ, chiếc sà lan số hiệu SG-605... chở đầy cát đang ì ạch trên sông thì ca nô CSGT tiếp cận mạn phải, chạy song song với sà lan. Cả 3 CSGT vẫn ngồi trên ca nô, trong khi chủ sà lan lật đật cầm cuốn sổ tới đưa. Một CSGT lúi húi mở sổ “kiểm tra”, rồi trả sổ cho chủ sà lan. Tính từ lúc nhận sổ đến khi trả lại cho chủ sà lan, CSGT làm việc chưa đến 10 giây. Nhận sổ xong, chủ sà lan nói gì đó với các CSGT rồi quăng luôn cuốn sổ vào cabin.
“Kiểm tra” chưa đến 1 phút, CSGT trả lại sổ và quay đầu trước “núi” cát lù lù trên sông |
Khoảng 8 giờ 30 ngày 26.5, trên sông Cần Giuộc đoạn qua cầu vượt Bến Lức - Long Thành (giáp ranh Long An - TP.HCM), một chiếc sà lan đang lặc lè trên sông thì ca nô của Trạm 4 chở theo 3 CSGT cập vào mạn phải, chạy song song. Không nói nhiều, người phụ nữ đội nón lá, trùm kín mặt mũi men theo mạn sà lan hối hả đi đến đưa CSGT một cuốn sổ màu đen. Cán bộ này hạ sổ xuống dưới lòng ca nô rồi lúi húi “kiểm tra” chừng 10 giây thì trả sổ lại cho người phụ nữ.
Chưa đến 1 phút sau, ca nô CSGT tiếp tục cập vào mạn trái sà lan SG-752… chở cả “núi” đá. Chủ sà lan thấy ca nô của CSGT liền từ buồng lái phóng xuống dưới, không quên mang sổ đến trình. Chưa đến 1 phút, viên CSGT trả lại sổ cho chủ sà lan rồi rời đi, bỏ lại sau lưng những chiếc sà lan chở đá, cát lết trên dòng sông đục ngầu.
CSGT nhận sổ của người phụ nữ trên sà lan “kiểm tra” và trả lại sau khoảng... 10 giây |
Nhức nhối “tiền trạm”
Liên tiếp trong ngày 27 - 28.5, có mặt trên sông Cần Giuộc, chúng tôi đều ghi hình được nhiều lần CSGT đường thủy “kiểm tra” các phương tiện một cách “chớp nhoáng”. Khoảng 11 giờ 30 ngày 28.5, vẫn là ca nô CA50-0135 chở theo 3 CSGT cập mạn trái sà lan số hiệu ĐT-229... Chủ sà lan cầm trên tay cuốn sổ đưa cho lực lượng CSGT và thời gian “kiểm tra” được CSGT thực hiện chỉ 15 giây. Ít phút sau, ca nô CSGT tiếp tục “kiểm tra” 2 sà lan khác cũng với thao tác đưa - nhận sổ trong thời gian tính bằng… giây.
Và những cái “bắt tay” chóng vánh trên sông |
Trước đó, khoảng 10 giờ cùng ngày (28.5), ca nô CSGT áp sát một sà lan chở cát loại nhỏ và rời đi sau cái “bắt tay” chóng vánh giữa một CSGT với chủ sà lan. PV liền tiếp cận hỏi chuyện chủ sà lan là một người đàn ông chừng 50 tuổi. Ông cho biết mỗi chuyến chở khoảng 30 tấn cát, khi qua sông Cần Giuộc thì đóng “hụi” cho CSGT 50.000 đồng, đưa trực tiếp bằng cách “bắt tay”.
Tiếp cận một sà lan khác vừa bị CSGT “kiểm tra”, thuyền trưởng tên P. (45 tuổi) cho biết sà lan của ông chở gần 400 tấn cát và vừa đóng “hụi” 300.000 đồng. “Cứ 2 - 3 ngày là tôi đi chở cát 1 lần. Mỗi lần như vậy thì phải qua 6 - 8 trạm; tùy theo trạm mà đóng 200.000 - 300.000 đồng. Tổng cộng 1 chuyến đi từ Đồng Nai về Long An mất gần 2 triệu “tiền trạm”. Mình đi sông nước mà chi phí nhiều quá thì không có lời. Nếu không có trạm vậy thì đỡ lắm, cuộc sống mình sẽ đỡ hơn”, anh P. nói.
Tương tự, ông T. (40 tuổi, quê Long An), chủ sà lan chở gần 1.000 tấn đá đậu trên sông Cần Giuộc, cho biết cũng phải đóng “hụi” 200.000 đồng cho lực lượng kiểm tra. “Tiền trạm giống các chi phí bắt buộc trong chuyến đi như xăng dầu, ăn uống, tiền công cho người phụ sà lan… Mình đưa sổ rồi kẹp vô trong đó để mấy ổng du di cho mình chút đỉnh chứ mỗi chuyến mỗi phạt thì làm sao mình sống.
Một chuyến đi lời có 2 - 3 triệu mà phạt nữa thì không sống nổi”, ông T. nói và thẳng thắn: “Ở đây sà lan nào cũng quá tải. Phải chở quá tải để bù lại các chi phí chứ chạy đúng tải như giấy tờ thì lời lớm gì mà chạy. Từ Long An lên Bình Dương thì phải qua hơn 10 trạm, riêng TP.HCM đã 6 trạm rồi…”.
Theo Thanh Niên