Ô tô do một đại gia mê cá độ bóng đá thuê đem cầm cố được công an thu hồi - Ảnh: Nguyên Bảo |
Như con thiêu thân
Trong khi đang thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã tiếp nhận phản ánh của một người dân ngụ Q.Tân Bình (TP.HCM) bức xúc về cá cược bóng đá. Trong gia đình người này, ai cũng có học thức, công việc ổn định nhưng chỉ riêng ông Th. (hơn 40 tuổi) đã lâm vào banh bóng, phải tan nát cửa nhà. Ông đang là tài xế, vợ bán tạp hóa và có 2 hai con.
Trong 10 năm dính đến cờ bạc, ông Th. đã phải bán 2 căn nhà khoảng 14 tỉ đồng. Dù gia đình can ngăn và nhiều lần trả nợ thay, nhưng ông Th. vẫn như con thiêu thân. Mới đây, ông Th. đến nhà mẹ ruột nài nỉ xin cứu lần cuối cùng, trả món nợ 200 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ một tuần sau, chủ nợ kéo đến đòi nợ hơn 1 tỉ đồng! Đến đường cùng, hai vợ chồng ông Th. bỏ trốn, buộc người mẹ già yếu phải chăm sóc 2 đứa con đang tuổi đi học.
Mỗi mùa giải đều có án hình sự Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Công an TP.HCM cho rằng cờ bạc chính là nguyên nhân phát sinh tệ nạn như: trộm cắp, cướp tài sản, lừa đảo và cũng có trường hợp tự kết liễu đời mình. “Mỗi mùa giải bóng đá quốc tế, tại TP.HCM đều xảy ra nhiều vụ án liên quan đến cá độ bóng đá. Vì thế trước khi giải bóng đá khai mạc, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP đều có công văn gửi công an các quận, huyện tăng cường phòng chống tệ nạn cờ bạc và tăng cường tuần tra kiểm soát”, vị này cho biết. |
Trong giới cờ bạc, chuyên nghiệp và dữ dằn nhất phải kể đến Dũng “thẹo” (chủ salon ô tô Hùng Dũng trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM), kẻ từng gây xôn xao dư luận khi bỏ trốn qua Mỹ, để lại món nợ hơn 500 tỉ đồng.
Theo một nguồn tin, tháng 10/2013, một số chủ nợ đã qua tận Mỹ tìm Dũng “thẹo” đòi nợ, nhưng chỉ thu được ít tiền. Trước khi bỏ trốn, Dũng đã lừa hàng trăm người, chiếm đoạt hơn 20 triệu USD.
Tất cả mọi nguồn cơn cũng bắt đầu từ năm 2009, khi Dũng sa lầy vào cờ bạc. Làm được bao nhiêu tiền, Dũng đem nướng vào cá độ bóng đá qua mạng và sòng bài ở nước ngoài. Túng thiếu, Dũng làm liều mua thiếu nhiều lô xe đem bán sạch, xe khách hàng gửi cũng bán luôn và vay mượn hàng trăm tỉ đồng đổ vào “lò nướng” cá độ... dẫn đến vỡ nợ.
Một con bạc cháy túi nổi danh khác phải kể đến là đại gia địa ốc T.Q.Dân (ngụ Q.Tân Phú, chủ tịch HĐQT của một công ty địa ốc có tiếng). Trong giới cờ bạc, nhiều người quen gọi Dân là Gia “lùn”. Vì thua bạc, Dân đã bán đi nhiều nhà cửa trị giá cả trăm tỉ đồng. Đến đường cùng, Dân liều mình làm hồ sơ giấy tờ nhà giả mang đi thế chấp ngân hàng; chiếm đoạt hơn 100 tỉ đồng, rồi bỏ trốn...
Khi thua bạc nợ nần, con bạc không chỉ đi lừa đảo, cướp tài sản mà còn tìm đến cái chết để trốn nợ. Thời gian gần đây, giới cờ bạc rộ lên tin bà P.L (một “đại gia” ở Q.1) đã nhảy lầu tự tử vì nợ nần. Mặc dù bà P.L đã bán nhiều căn nhà mặt tiền ở Q.1 và sang cả thương hiệu kinh doanh thực phẩm khá nổi tiếng nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần.
Sau khi kiểm chứng từ một nguồn tin đáng tin cậy, kết cục của nữ “đại gia” này đúng như tin đồn, nhưng vụ việc đã xảy ra khá lâu và thông tin này ít ai biết vì bà tìm đến cái chết ở nước ngoài.
Giám đốc cũng thành kẻ lừa lọc
Xuất thân từ một gia đình giàu có và học thức ở Lâm Đồng, sau khi tốt nghiệp trung học, không sống dựa vào gia đình mà muốn tự lập, P.T.U khăn gói xuống TP.HCM lập nghiệp rồi thành công trong lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng, từ khi bước vào vũng lầy banh bóng vào năm 2009, thay vì ngồi trước máy vi tính để tính toán đầu tư xây dựng, U. chủ yếu dán mặt vào màn hình để cá cược.
Đến đầu năm 2010, U. nợ tiền cá độ bóng đá tổng cộng khoảng 6,6 tỉ đồng. Do nợ nần, U. cùng với con bạc khác đã lừa bán xi măng cho một công ty xây dựng ở Q.1, chiếm đoạt hơn 33,5 tỉ đồng. Sau khi bị bắt, U. khai nhận: thường hay truy cập vào trang mạng sbobet để cá cược bóng đá. Sau khi lừa được số tiền nói trên, U. đã sử dụng gần 10 tỉ đồng trả nợ cá độ…
Tương tự là trường hợp của T.T.T (ngụ Q.11, phó giám đốc một công ty TNHH). Từng là thiếu gia của một gia đình giàu có chuyên mua bán ô tô, nhưng do mê cá độ đá banh, T. đã phá sản. Thua độ liên tục khiến T. dựa vào uy tín gia đình để lừa nhiều khách hàng. Không ít lần chủ nợ kéo đến nhà T. đòi tiền. Gia đình T. nhiều lần phải chạy khắp nơi gom tiền để trả nợ thay. Đến đường cùng, T. làm liều thuê 13 ô tô xịn, rồi số thì mang đi cầm cố, số thì làm giả giấy tờ bán sạch. Khi không còn đường xoay xở, T. bỏ trốn.
Giữa tháng 11/2013, chúng tôi đã tiếp xúc với ông M., là chủ nợ của T. và được ông cho hay: “Nó đã mượn của tôi 100.000 USD nhưng không chịu trả. Lúc mượn tiền nó nói mượn đỡ một tháng để nhập ô tô nhưng rồi tắt máy luôn. Vừa rồi, người nhà của tôi đã phát hiện nó đang lẩn trốn ở Thái Lan”.
Theo Thanhnien