Những ông lớn bất động sản khai sinh năm Ngọ

Thứ sáu, 07/02/2014, 07:30
Gắn với hình ảnh "Mã đáo thành công", nhiều ông lớn trên sàn chứng khoán, nhất là trong lĩnh vực địa ốc đã chọn năm Ngọ để khởi nghiệp.

Tập đoàn Vingroup, tiền thân là Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Việt Nam bắt đầu hoạt động từ năm 2002 (Nhâm Ngọ). Với số vốn ban đầu 196 tỷ đồng, hiện Vingroup đã trở thành một trong những tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn nhất tại Việt Nam, tổng vốn điều lệ lên tới gần 9.300 tỷ đồng tính đến 30/9/2013, tổng tài sản cũng vượt 61.500 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm năm 2013, ông lớn này lãi hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng của Vingroup cũng góp phần khiến ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT công ty bốn năm liên tiếp giữ ngôi quán quân trong Top người giàu trên thị trường chứng khoán và được coi là tỷ phú đôla Mỹ đầu tiên.

nam-ngo-1295-1391586385.jpg

Chuyên gia phong thủy cho rằng năm Ngọ, bất động sản sẽ khởi sắc.

Hoàng Anh Gia Lai - một đại gia bất động sản phía Nam cũng bắt đầu khởi nghiệp từ năm 1990 (Canh Ngọ) với tiền thân là một xưởng đóng bàn ghế cho học sinh. Sau hơn hai chục năm phát triển, công ty của bầu Đức đã trở thành tập đoàn đa ngành lấy bất động sản làm cốt lõi, bên cạnh các lĩnh vực cao su, mía đường, bóng đá...

Gần đây, khi tình hình kinh tế khó khăn, một mặt phải chấp nhận bán dự án thủy điện, tạm dừng khai thác quặng sắt, Hoàng Anh Gia Lai vẫn coi bất động sản là lĩnh vực chiến lược. Với việc thành lập công ty An Phú để đại phẫu mảng kinh doanh truyền thống và đổ thêm 140 triệu USD cho khu phức hợp tại Myanmar, bầu Đức thể hiện quyết tâm cải thiện tình hình hoạt động của tập đoàn. 9 tháng đầu năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai lãi hơn 690 tỷ đồng, thấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc cũng thành lập năm Ngọ (Nhâm Ngọ 2002), nhưng đang khá chật vật với kết quả kinh doanh thua lỗ và khoản nợ khổng lồ. Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng và khu đô thị, năm 2012 Kinh Bắc lỗ tới 490 tỷ đồng, khiến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Năm 2013, tình hình kinh tế cải thiện hơn song đại gia bất động sản này vẫn chìm trong cảnh bết bát khi lợi nhuận sau thuế tiếp tục âm gần 130 tỷ đồng.

Nhằm cải thiện tình hình, mới đây công ty đã thông qua phát hành 100 triệu cổ phiếu để giảm dần số nợ 7.000 tỷ đồng và bổ sung vốn lưu động. Động thái này phần nào giúp ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch công ty bớt đi mối lo về gánh nặng nợ nần và lành mạnh hóa tình hình tài chính.

Ngoài các ông lớn kể trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng được thành lập năm Ngọ như Hà Đô (1990), Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (1990), Nhà Việt Nam (2002)...

Sang năm 2014, với việc tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, các chuyên gia cho rằng đây là thời cơ cho các tay chơi mới muốn gia nhập thị trường. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng đầu năm cả nước đã có 6.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn trên 43.700 tỷ đồng, tăng 28% về lượng và 80% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, cũng có tới 2.400 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng này.

Riêng lĩnh vực bất động sản, theo ông Trần Như Trung - Phó Giám đốc Savills Hà Nội, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực trong năm 2013 và đang có xu hướng dịch chuyển lên dần. "Giả sử sức thanh khoản của thị trường bất động sản mỗi quý có thể tăng khoảng 5% thì tiếp đà quý 4/2013, cuối năm nay sức thanh khoản toàn thị trường có thể lên tới 30%", ông nhận định.

Dựa trên những nghiên cứu về phong thủy, một chuyên gia tại Hà Nội cũng cho rằng năm 2014 lĩnh vực bất động sản sẽ có nhiều khởi sắc. "Giáp Ngọ (2014) và Ất Mùi (2015) đều thuộc Sa Trung Kim. Một năm là dương kim, năm còn lại là âm kim. Tiếp theo năm Kim sẽ là năm của hai hành Hỏa. Hỏa này được hun đúc từ bên trong nên sinh Thổ. Do vậy các hoạt động về bất động sản có thể nhúc nhắc dần từ cuối 2014, đầu 2015", ông phân tích.

Song, vị này khuyến nghị chuyện thành lập doanh nghiệp có những nguyên tắc, quy luật tất yếu, chẳng hạn những trở ngại có thể bị triệt tiêu nhưng cũng có thể nhiều rủi ro phát sinh. Hai vấn đề này lại luôn song hành cùng nhau, do vậy nếu cứ tránh để chọn năm đẹp thì sẽ để mất nhiều cơ hội.

Ngoài ra, từ góc độ kinh tế, cũng phải nghiên cứu xem toàn cảnh đất nước ra sao để xác định ngành nghề có giá trị cho cộng đồng. "Khi lựa chọn lĩnh vực và thành lập công ty, chủ doanh nghiệp cần chú trọng việc mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Còn nếu chỉ kinh doanh nhỏ lẻ thì vẫn có lợi nhuận, nhưng mức độ nộp thuế không cao và cũng khó lan tỏa ra toàn xã hội", ông chia sẻ.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích