Quy hoạch vùng TP.HCM: Thiếu cơ chế vận hành

Thứ tư, 24/01/2018, 09:40
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, quy hoạch vùng TP.HCM không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố với vai trò là đầu tàu kinh tế mà còn kết nối chặt chẽ, cùng chia sẻ, khai thác hiệu quả hạ tầng kỹ thuật, phát huy thế mạnh của từng địa phương, thúc đẩy cả 8 tỉnh, thành trong vùng phát triển nhanh, bền vững…

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ứng phó biến đổi khí hậu, phù hợp quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM vừa được chính phủ ban hành.

Hướng đến phát triển bền vững

Ngày 23/1, tại TP.HCM, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch (điều chỉnh) xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg với mục tiêu phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn, phát triển năng động và bền vững; có vai trò vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết đồ án quy hoạch là kết quả nghiên cứu từ năm 2014 đến nay do Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam phối hợp với nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước xây dựng với phương pháp tiếp cận đa ngành.

Đồ án quy hoạch trên cơ sở phát triển kinh tế cả nước, của vùng TP.HCM và những thuận lợi, những thách thức về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); xu hướng phát triển quốc gia và toàn cầu hoá. Những định hướng phát triển của quy hoạch là cơ sở để các địa phương, các Bộ ngành triển khai những nhiệm vụ tiếp theo. “Với vai trò, vị thế của vùng TP.HCM, đồ án sẽ là cơ sở và là nhiệm vụ rất lớn đối với các địa phương trong vùng trong thời gian tới”, bà Linh cho biết.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị lãnh đạo các địa phương thuộc vùng TP.HCM công khai quy hoạch đã được phê duyệt. Từng địa phương rà soát quy hoạch xây dựng của mình, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, các quy hoạch chuyên ngành có liên quan kịp thời điều chỉnh nhằm đảm bảo đồng bộ, phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng TP.HCM.

Các quy hoạch hạ tầng về giao thông, đường bộ, đường sắt, hàng không, công trình cấp nước, môi trường,… cần ưu tiên rà soát, cập nhật. Các vùng cần ưu tiên như phát triển công nghiệp tập trung tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang theo hướng công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao. Các chương trình nhà ở cần kiểm soát quy mô dân số nhằm đảm bảo định hướng phát triển của quy hoạch vùng và phát triển bền vững.

“Phát triển TP.HCM có vai trò quan trọng không chỉ đối với vùng mà liên vùng và cả nước. Sắp tới tôi đề nghị TP.HCM quan tâm, không chỉ rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mà các quy hoạch cấp thoát nước, xử lý rác thải, giao thông… đã tập trung làm nhưng chưa được phê duyệt”, bà Linh lưu ý.

Kết nối chặt chẽ

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị các địa phương lập ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng TP.HCM theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Xây dựng đề nghị bên cạnh hoạt động của ban chỉ đạo, các địa phương tiếp tục thực hiện cơ chế hội đồng vùng đã duy trì gần 10 năm qua, đồng thời kiến nghị Trung ương các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển từng giai đoạn nhằm đáp ứng mục tiêu đề án đề ra.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính lưu ý vấn đề quản lý vùng còn nhiều bất cập. Vùng TP.HCM đã có nhưng cơ chế quản lý chưa rõ. Cụ thể, quản lý hành chính quốc gia hiện nay chưa có cấp vùng như nhiều nước phát triển (Pháp, Đức, Hà Lan…) có cấp liên bang, vùng, tỉnh…

“Theo đồ án quy hoạch thì vẫn áp dụng mô hình Ban quản lý quy hoạch đầu tư và xây dựng như vùng Thủ đô Hà Nội, sẽ có nhiều khó khăn. Tôi đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ cần xây dựng cơ chế quản lý cấp vùng để điều tiết mối liên hệ vùng như thế nào cho thuận tiện. Nếu không, quy hoạch có nhưng mỗi tỉnh cứ làm theo ý mình. Không có người chủ trì việc kết nối giữa doanh nghiệp với người dân, giữa địa phương và Chính phủ thì sẽ rất khó”, ông Chính lưu ý.

Ông Trần Ngọc Chính đánh giá vùng kinh tế TP.HCM là vùng đặc biệt với ba “cửa sổ” là cửa khẩu Mộc Bài đi ra quốc tế; sân bay Long Thành trong tương lai ngang tầm các sân bay quốc tế hiện đại nhất và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tụ hội đầy đủ yêu cầu phát triển đối với việc hội nhập và phát triển với thế giới.

Chuyên gia này lưu ý trục kinh tế QL 51 Biên Hòa - Vũng Tàu hết sức đa dạng với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải song hiện nay chưa phát huy được giá trị vì chưa có đường sắt, cao tốc, chỉ có QL 51 đi lại rất khó khăn. “Từ quy hoạch này, đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng nhanh chóng có dự án đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu và tuyến đường sắt vận tải hàng hóa vì ở các nước, công suất cảng 20 - 25 triệu tấn/năm là phải có đường sắt”, ông Chính lưu ý.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay TP.HCM gặp nhiều khó khăn về hạ tầng kỹ thuật và kết nối với các địa phương trong vùng. Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng lần này không chỉ đáp ứng mong muốn của TP.HCM là một vùng kinh tế trọng điểm mà giúp TP.HCM kết nối chặt chẽ, không tạo nên sự cạnh tranh quay lưng lại và chưa đồng sinh, đồng lòng với nhau.

“Lần này, với sự phân công hợp lý thông qua một kế hoạch chung sẽ xác định được thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực, đặc biệt là vai trò trung tâm của TP.HCM để cả 8 tỉnh, thành trong vùng phát triển nhanh, bền vững, chia sẻ được những khó khăn thách thức và gắn kết trong việc phân bố các vùng chức năng, các vùng phát triển kinh tế đô thị nhằm đáp ứng các yêu cầu liên kết vùng, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh thành mà trong thời gian qua đã làm được nhưng chưa chặt chẽ”, ông Tuyến nói.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết thêm, đã giao Sở Quy hoạch tổ chức hội nghị quán triệt quyết định phê duyệt quy hoạch vùng TP.HCM để các sở ngành sau Tết triển khai ngay việc điều chỉnh quy hoạch. Ngoài việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch trung tâm TP.HCM, thành phố sẽ thuê tư vấn để quy hoạch không gian ngầm.

Vùng TP.HCM được quy hoạch trở thành vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực. Vùng TP.HCM trong tương lai sẽ trở thành trung tâm thương mại – tài chính; nghiên cứu khoa học - dịch vụ; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao.

Theo quy hoạch được duyệt, phạm vi vùng TPHCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận: Bà Rịa –Vũng Tàu; Bình Dương; Bình Phước; Tây Ninh; Long An; Đồng Nai; Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng là khoảng 30.404 km2.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn