Tranh chấp tại các chung cư giữa cư dân và chủ đầu tư xảy ra khá phổ biến do còn nhiều kẽ hở pháp lý |
Tranh chấp không lối thoát vì lỗ hổng luật
Giữa năm 2018, cả trăm chủ sở hữu căn hộ tại dự án nhà chung cư Mon City ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đồng loạt căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư đo lại diện tích căn hộ, vì cho rằng thiếu hụt so với hợp đồng. Quá trình giải quyết tranh chấp này, cả chủ đầu tư và cư dân đều gặp khó khăn, do luật hiện hành không quy định rõ ràng về cách đo diện tích lô gia, hộp kỹ thuật nhà chung cư.
Tuy đã có phương án xử lý hài hoà cho cả hai bên, nhưng việc tranh chấp này vẫn kéo theo những hệ luỵ cho chủ đầu tư, và cư dân cũng không ổn định đời sống. Trong đó có việc một số hộ dân không nộp phí dịch vụ suốt gần 1 năm qua. Đầu tháng 7 vừa qua, Ban quản lý buộc phải thực hiện theo hợp đồng là cắt nước. Ngay lập tức, cư dân chung cư này treo băng rôn phản đối.
Được tham vấn về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đã cho biết luật Nhà ở 2014 chưa có quy định cụ thể về cách tính diện tích lô gia. Do vậy, khách hàng và chủ đầu tư tự thỏa thuận, thống nhất. Nếu có khiếu nại, tranh chấp về hợp đồng mua bán đã ký trước đây, kể cả phần diện tích lô gia và hộp kỹ thuật, thì giải quyết theo pháp luật về dân sự.
Trước đó, có không ít những vụ tranh chấp liên quan đến cách đo diện tích căn hộ nhà chung cư, manh nha từ năm 2016, xuất hiện nhiều trong năm 2017 - 2018, như: chung cư Park view Residence ở Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế kỷ (Cen Invest); hay dự án Imperia Garden ở quận Thanh Xuân, Hà Nội do M.I.K Group phát triển; dự án Eco Green ở đường Nguyễn Xiển, huyện Thanh Trì, Hà Nội của Công ty TNHH Bất động sản và Xây dựng Việt Hưng;..
Căng băng rôn là phản ứng dễ thấy của đa số cư dân nhà chung cư khi có tranh chấp |
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết bên cạnh tranh chấp về diện tích, rất phố biến các vụ tranh chấp liên quan đến thành lập Ban quản trị, phí dịch vụ nhà chung cư, quản lý kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư.
Theo ông Nam, thực tế không nhiều tòa nhà tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng thờ ơ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình trong quản lý nhà chung cư, dù luật có quy định. Tình trạng chủ đầu tư chây ỳ trả phí bảo trì 2% rất phổ biến; hay việc ban quản trị nhiều nhà chung cư quản lý, sử dụng không đúng quỹ bảo trì 2%, khiến cư dân bức xúc.
Bộ Xây dựng thừa nhận nhiều quy định pháp luật về nhà chung cư đã bất cập cần sửa đổi, bổ sung |