|
Nhiều chung cư vẫn tồn tại bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư |
Cư dân “đối đầu” Ban quản trị
Cuối năm 2016, Hội nghị nhà chung cư tại chung cư Văn Phú Victoria, phường Phú La, quận Hà Đông, lần đầu được tổ chức để bầu ra Ban quản trị với 5 thành viên. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau khi hoạt động, nhiều cư dân bức xúc cùng ký đơn “tố” chính Ban quản trị mình bầu ra, vì đã đi ngược với quyền lợi của cư dân tòa nhà.
Cư dân chung cư Văn Phú Victoria ở quận Hà Đông phải căng băng rôn phản đối Ban quản trị trước đó do chính mình bầu ra |
Anh Tạ Hồng Phong, cư dân chung cư Văn Phú Victoria, cho biết sau khi có Ban quản trị, chủ đầu tư đã bàn giao hơn 41 tỉ đồng phí bảo trì. Nhưng, Ban quản trị không công khai việc quản lý, sử dụng số tiền này khiến nhiều cư dân bức xúc.
Bên cạnh đó, Ban quản trị còn không minh bạch số tiền nguồn thu từ khai thác quảng cáo, dịch vụ xung quanh tòa nhà. Đồng thời, tự quyết lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mà không lấy ý kiến cư dân; không tổ chức Hội nghị nhà chung cư thường niên theo quy định, không họp cư dân, nước sinh hoạt bẩn… Thậm chí, khi cư dân cử ra Ban giám sát để giám sát hoạt động của Ban quản trị cũng bị vô hiệu, do không được tiếp cận chứng từ thu chi…
Quá bức xúc, hơn 700 chủ sở hữu phải ký đơn đề nghị tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại Ban quản trị. Tuy nhiên, Trưởng Ban quản trị chung cư này không đồng ý, cho rằng nhiều chữ ký của cư dân giả mạo. Cuối tháng 3.2018, hàng trăm cư dân đã tập trung căng băng rôn yêu cầu công khai minh bạch công tác quản lý vận hành chung cư Văn Phú Victoria, cầu cứu cơ quan chức năng, bầu lại Ban quản trị do chính mình bỏ phiếu bầu ra trước đó.
Cư dân chung cư Star City tại Hà Nội căng băng rôn đòi phí bảo trì bị chủ đầu tư chiếm giữ |
Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, Hà Nội có khoảng 745 chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng. Còn ở TP.HCM là hơn 1.350 chung cư đã bàn giao cho người dân vào ở.
Tình trạng tranh chấp nhà chung cư giữa cư dân với chủ đầu tư, cư dân với Ban quản trị… xảy ra khá phổ biến ở cả trăm tòa nhà, nhiều nhất ở Hà Nội và TP.HCM.
Tranh chấp phổ biến ở các nội dung liên quan đến sở hữu chung riêng, phí bảo trì, phí quản lý vận hành, chất lượng công trình… Thời điểm nổ ra tranh chấp thường vào giai đoạn chuẩn bị bàn giao nhà, hoặc mới đi vào vận hành một thời gian, hay thậm chí, đã sử dụng được vài năm. Không nhiều những tòa nhà đã đi vào hoạt động trên 5 năm nổ ra tranh chấp.
|
Theo Thanh Niên