Anh Trúc, 47 tuổi ở quận Bình Thạnh nói từ khi thị trường nhà ở đóng băng cách đây 5 năm thì nghề cò đất của anh theo đó cũng hết thời. Anh cố đeo bám thêm hai năm nhưng nhận thấy tiền chi nhiều hơn thu vào. Gần cuối năm 2010, anh cùng ba người bạn quyết định hùn vốn mở quán cà phê máy lạnh, riêng anh bỏ vào mối làm ăn này khoảng 1 tỷ đồng.
Anh Trúc cho biết chỉ tính tiền mặt bằng mỗi tháng phải trả 2.500 USD (53 triệu đồng), lương cho 10 nhân viên khoảng 50 triệu đồng, chưa kể tiền điện và nước. “Mỗi ngày mở mắt ra, thấy tiền bỏ ra nhiều mà thu vào chẳng bao nhiêu, gắng gượng hơn một năm tôi đành rút vốn”. Anh ngậm ngùi cho hay vì trình độ học vấn chỉ tốt nghiệp hết cấp 3, không có chuyên môn nên rất khó tìm được một công việc nào ổn định, giờ chỉ biết mở quán kinh doanh gì đó để buôn bán tiếp tục.
“Nhờ vợ có tiệm tạp hóa nhỏ ở nhà nên tôi phụ cô ấy đi giao hàng. Thật sự, tôi cảm thấy hụt hẫng khi bây giờ phải để vợ nuôi thế này. Tôi dự định mấy tháng sắp tới chắc mở một quán ốc để kiếm lai rai chứ không dám hùn mở cà phê nữa”.
Năm 2007, bất động sản ở thời hoàng kim, bình quân một tháng anh Trúc kiếm 70-80 triệu đồng. Anh từng đi lùng sục những căn nhà nhỏ giá dưới 1 tỷ đồng, sau đó nhận được hoa hồng 3% cho mỗi căn. “Hồi đó, thu nhập nhờ làm trung gian cho người mua lẫn người bán đất rất khấm khá, nên tôi tranh thủ mua nhà nhỏ và bán lại có khi lời 100 triệu đồng một căn”, anh Trúc nói.
Từ khi bất động sản "ế" vào năm 2008 và kéo dài đến nay, những người làm công việc cò đất cũng lần lượt tìm công việc khác để mưu sinh. |
Từng một thời làm nghề môi giới bất động sản thu nhập trung bình 20 triệu mỗi tháng, nhưng hiện nay anh Tài, 42 tuổi ở quận Gò Vấp, chạy xe ôm với số tiền có được một tháng chỉ tầm 4 triệu đồng.
“Tôi chỉ biết mỗi ngày đủ tiền cơm ba bữa là ổn rồi, dù đôi lúc cảm thấy chạnh lòng lắm khi nhớ lại lúc trước cuối tuần nào cũng chở vợ con ăn uống nơi này nơi kia”. Anh cho hay thỉnh thoảng nhờ mấy mối quen trước đó giới thiệu làm dịch vụ nhà đất mà có thể kiếm lai rai vài triệu đồng.
Anh Tài chia sẻ dù sao vẫn còn may mắn hơn một số bạn bè và những chủ đất từng quen trước đây. “Bây giờ có người nợ ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con, không có khả năng chi trả, có nhà mà bán chẳng ai mua. Còn những người khác làm ăn đến đâu thất bại đến đó”, anh nói. Hoặc có trường hợp bạn của anh làm cò đất ở khu Nhơn Trạch, Đồng Nai hiện trở về với công việc ban đầu là làm ruộng, trồng trái cây ăn quả để đắp đổi qua ngày khi cơn sốt đất nơi đây đã qua.
Còn anh Văn, 40 tuổi ở quận 3, hiện mở tiệm Internet tại nhà gồm 10 máy, mỗi ngày thu nhập khoảng 150.000 nghìn đồng, tức mỗi tháng kiếm được khoảng 4,5 triệu đồng, chỉ bằng 1/10 số tiền kiếm được so với những năm 2006 và 2007.
Thu nhập thấp như hiện giờ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống vì anh là trụ cột chính trong gia đình. Anh đang phụ bên gia đình vợ bán gạo để tăng thêm thu nhập trong thời buổi này. “Tôi còn một mảnh đất ở Long Thành chưa bán được và một số người nợ tiền chưa trả, tổng cộng gần 500 triệu đồng. Tôi chẳng biết khi nào mới lấy lại được tiền”, anh rầu rĩ nói.
Đến với nghề cò đất là do tự phát, anh Văn cho hay trong giai đoạn 2005-2007 là thời điểm dễ kiếm tiền nhất, có tháng “trúng mánh” kiếm khoảng 150 triệu đồng với hoa hồng cho từng căn khoảng 2% tổng trị giá của ngôi nhà. Tuy nhiên, khi thị trường tụt dốc thảm hại từ năm 2008 đến nay, anh cho biết có lúc bị mất phương hướng, không muốn làm gì nữa. “Có lẽ vận may của tôi trôi qua rồi nên phải tự mưu sinh bằng công việc khác. Thực tình, tôi không nghĩ cuộc sống của mình có lúc trở nên bấp bênh như thế này”, anh nói.
Theo VnExpress