Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vừa ký văn bản gửi Thủ tướng báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội về thí điểm cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này.
Tính đến hết quý II/2013, cả nước chỉ có 126 trường hợp mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Nam như TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa... Trong đó, khoảng 80% là các cá nhân nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm khoảng 20%.
Bộ Xây dựng đề xuất cho người nước ngoài mua không hạn chế nhà Việt Nam. |
Đối với cá nhân nước ngoài, chủ yếu tập trung vào cá nhân kết hôn với công dân Việt Nam. Cá nhân nước ngoài trực tiếp đầu tư vào Việt Nam hoặc được doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước) thuê giữ chức danh quản lý trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế - xã hội có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 5%.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng ngoài 5 đối tượng được quy định tại Nghị quyết số 19 trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, người nước ngoài làm việc dưới 1 năm, người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp nhưng không giữ chức danh quản lý hoặc người nước ngoài vào Việt Nam học tập, nghiên cứu hoặc giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...
Bên cạnh đó, Bộ đánh giá do giá nhà ở tại Việt Nam tương đối cao, nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã chọn phương án thuê nhà ở thay vì mua nhà ở tại Việt Nam nhằm giảm chi phí.
Hơn nữa, quy định hiện hành yêu cầu chủ sở hữu nhà ở là các tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Trong khi đó, đối với những trường hợp cá nhân nước ngoài phải di chuyển do làm việc tại nhiều nơi khác nhau thì lại không được cho thuê hoặc kinh doanh nhà ở đã mua khi họ tạm thời không có nhu cầu sử dụng.
Do vậy, Bộ Xây dựng cho rằng để khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở, cần thiết phải sớm sửa đổi, trong đó đề nghị bổ sung nhiều đối tượng khác.
Cụ thể, với tổ chức, cho phép các quỹ đầu tư nước ngoài; các ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ).
Đối với cá nhân, quan điểm của Bộ là cho phép tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, chỉ trừ những người đang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị sửa đổi theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ (bao gồm cả nhà biệt thự và nhà liền kề). Trường hợp mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ thì chỉ cho phép mua nhà ở với diện tích khuôn viên đất mỗi một nhà ở không quá 500 m2 gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới hoặc tại các dự án bất động sản du lịch tại Việt Nam.
Về số lượng nhà ở, Bộ đề xuất hai phương án. Phương án một, cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở không hạn chế về số lượng tại Việt Nam. Đối với tổ chức thì căn cứ vào số lượng người nước ngoài đang làm việc cho tổ chức đó mà cho phép sở hữu nhiều căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ theo nhu cầu.
Phương án hai, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu không quá hai căn hộ, nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề).
Cũng vẫn là hai phương án với thời hạn sở hữu, bên cạnh phương án cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời hạn 50 năm và được gia hạn tiếp thêm một lần 50 năm, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu trong thời gian không quá 70 năm và không được gia hạn thêm.
Lần sửa đổi này, Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung thêm một số quyền của chủ sở hữu. Chẳng hạn, cho phép cá nhân nước ngoài được tự mình hoặc hợp tác với chủ đầu tư (bên bán nhà ở) cho thuê, khai thác, sử dụng nhà ở đã mua (cho thuê để ở hoặc sử dụng vào mục đích khác mà pháp luật không cấm). Việc cho thuê hoặc hợp tác để khai thác, sử dụng nhà ở phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà ở địa phương, phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật.
Cho phép người nước ngoài được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng thì phải nộp thuế thu nhập gấp hai lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vay tiền của các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở tại Việt Nam.
Lường trước khó khăn trong quản lý, Bộ Xây dựng đề xuất chỉ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại của dự án để hạn chế trường hợp hình thành các khu phố ngoại kiều.
Nếu là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu quá 250 căn nhà, vì theo quy định hiện hành thì một phường trung bình có 2,5 vạn dân cư trú, sinh sống và việc cho phép mua không quá 250 căn nhà (tương đương không quá 10% số lượng dân của một phường).
Việc mở rộng quyền được mua nhiều nhà ở, được cho thuê nhà ở, bán nhà ở… như trên được kỳ vọng không chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản mà còn thu được tiền thuế trong hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê nhà ở hoặc kinh doanh dịch vụ khác mà có sử dụng nhà ở của đối tượng này.
Dự kiến, Bộ Xây dựng trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2008/QH12 trong một kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2013 và sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2014 cho đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực thi hành vào giữa năm 2015.
Theo VnEconomy