Tồn tại được trong bối cảnh thị trường gần như “đóng băng” không phải là điều dễ dàng, và kiên định với con đường riêng mình lựa chọn cũng lắm chông gai. Đó là những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp về thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay.
Thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, Hưng Thịnh hẳn cũng gặp phải những bất lợi, thưa ông?
- Hưng Thịnh cũng chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh chung của nền kinh tế. Ngay từ đầu, chúng tôi cũng không có ảo vọng trông đợi bất động sản bán đắt như tôm tươi giống giai đoạn năm 2007. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn đánh giá rằng, thị trường khó khăn không đồng nghĩa với việc không có cơ hội, quan trọng là nắm bắt cơ hội đó như thế nào.
Với Hưng Thịnh, chiến lược của chúng tôi là phải phân tích kỹ nhiều yếu tố như cung –cầu, sự dịch chuyển của dòng tiền, từ đó dự báo “điểm rơi” của thị trường, đặc biệt là yếu tố nội tại của công ty như tài chính, con người, công nghệ, kinh nghiệm thị trường.
Thời gian qua chúng tôi vẫn âm thầm tuyển thêm nhân sự, hiện con số đã lên 400 nhân viên. Hiện nay, Hưng Thịnh vẫn trụ lại được thị trường, bước đầu thực hiện tốt những định hướng của mình. Tất cả là nhờ xác định rõ chiến lược, mục tiêu.
Ông có thể chia sẻ thêm về những chiến lược của mình?
- Để “vượt bão” được cần có giải pháp toàn diện. Tư duy của chúng tôi là lấy ngắn nuôi dài, phân phối là mũi nhọn, đầu tư là nền tảng. Công ty thành viên hoạt động theo mô hình khép kín trong chuỗi cung ứng bất động sản. Cung cấp cho đối tác giải pháp toàn diện từ đầu tư, thiết kế, xây dựng, sản xuất thiết bị nội thất…đến tiếp thị, phân phối. Giải pháp này đã tiết giảm chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động từ 10-20%.
Phân phối có phải là “khó nhằn” nhất trong bối cảnh hiện tại?
- Trong lúc khó khăn nhất thì chủ đầu tư lại cần đến môi giới nhất, bởi họ cần người tiếp cận khách hàng để bán được sản phẩm. Nếu không có đơn vị môi giới đồng nghĩa với việc chủ đầu tư sẽ rơi vào tình trạng bán đổ, bán tháo sản phẩm.
Ông Nguyễn Đình Trung. |
Vậy tình trạng đó có diễn ra với dự án của Hưng Thịnh không, thưa ông?
- Chúng tôi ý thức rất rõ về nhu cầu thị trường, nên ngay từ đầu các sản phẩm ra thị trường của Hưng Thịnh đều ở phân khúc trên dưới 1 tỷ đồng/sản phẩm. Hãy bán những gì khách hàng cần, chứ đừng bán những gì mình có, nên chấp nhận điều chỉnh sản phẩm thích hợp với thị trường để chiếm lĩnh thị phần.
Thực tế đã chứng minh, những dự án căn hộ mà chúng tôi phân phối gần đây ở TP.HCM như The Harmona (quận Tân Bình), 155 Nguyễn Chí Thanh (quận 5), 26 Nguyễn Thượng Hiền (Gò Vấp), Screc II Metro Apartment (quận 2), Phúc Yên 2 (quận Tân Bình)… đều có báo cáo khả quan.
Hiện nay có nhiều dự án coi như nằm chờ chết, ông có bí quyết nào để “cải tử hoàn sinh”?
- Với các dự án đang “trùm mền”, tùy vào đặc tính của mỗi dự án, mỗi chủ đầu tư để có giải pháp khác nhau. Có thể hợp tác cùng đầu tư, đưa ra giải pháp khép kín,..Một số dự án đã đem lại thành công như 91 Phạm Văn Hai hợp tác đầu tư cùng Tamexim, Metro Apartment (phường An Phú, quận 2, TP. HCM), căn hộ 27 – Trường Chinh (quận 12, TP.HCM), dự án 26 – Nguyễn Thượng Hiền...
Nói chung, khi anh bắt đúng mạch thị trường, cung cấp những sản phẩm hợp lý cả về dịch vụ bất động sản lẫn dự án, đáp ứng nhu cầu thực thì không có lý do gì không nhận được sự ủng hộ từ khách hàng và đối tác.
Vậy với tư cách người trong cuộc, ông có cho rằng cơ hội vẫn dành cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường bất động sản?
- Với kinh nghiệm làm bất động sản từ những năm 2000, tôi thấy các nhà đầu tư Việt Nam đã trải qua các đợt sóng năm 2003, 2007 nên đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Họ cũng như con chim sợ cành cây cong nên đang rất e dè, cẩn trọng. Điều đó là đúng, bởi trước nay họ đã đầu tư với một số sai lầm như tham gia đầu tư theo số đông, tập trung đầu tư vào phân khúc cao cấp không phù hợp tình hình kinh tế và nhu cầu chung của thị trường.
Quan điểm của tôi là các nhà đầu tư nên xác định sản phẩm xem có phù hợp với nhu cầu không? Với các nhà đầu tư, theo tôi đã đầu tư là xác định cùng tham gia sản xuất, mà số tiền đầu tư vào bất động sản là rất lớn. Thực tế những năm 2007, có lúc trong một tuần lễ mà một sản phẩm địa ốc tăng giá tới 10-15%. Mong muốn mức tăng trưởng như vậy là một sai lầm.
Tôi cho rằng lúc nào cũng có cơ hội cho các nhà đầu tư địa ốc nhưng phải xác định khu vực, vị trí địa lý, nhu cầu của thị trường và đừng đòi hỏi một độ tăng trưởng mạnh ngay trong ngắn hạn. Nhiều khi chúng ta phải xác định: đầu tư là tích lũy để đón đầu cơ hội.
Theo TTVN