Đạp xe 1.800 km đi học khởi nghiệp

Thứ ba, 15/05/2012, 17:27
Ví 1.800 km từ Hà Nội vào TP.HCM như quá trình lập nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Hưng chọn chiếc xe đạp làm phương tiện, vừa để thử thách bản thân, vừa mong học được những kỹ năng cần thiết qua việc trải nghiệm.

>>Đà Lạt: Cổng Dinh Bảo Đại bị đập bỏ
>>Dùng thuốc trị mụn khi mang thai, con dễ bị rối loạn tâm thần
>>Gờ giảm tốc độ tự phát chực chờ gây tai nạn
>>Nhọc nhằn mưu sinh trên xa lộ Thủ Đức


Anh Nguyễn Ngọc Hưng trên chặng đường Thanh Hóa - Nghệ An
 

Anh Hưng (ở Hà Nội) vừa trúng tuyển tham gia một khóa huấn luyện về khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet, di động sắp diễn ra tại TP HCM. Nhiều lần bay ra bay vào TP HCM, nhưng lần này anh thử sức chọn xe đạp làm phương tiện băng qua quãng đường 1.800 km, với mục đích tự trải nghiệm bản thân và học tất cả những gì diễn ra trong và sau cuộc hành trình.

"Mình muốn làm để thử thách bản thân, trải nghiệm và học những kỹ năng khởi nghiệp cần thiết từ chính chuyến đi", anh Hưng nói.

Theo đó, 4h30 sáng ngày 9/5, anh Nguyễn Ngọc Hưng, sống ở Hà Nội bắt đầu chặng đường 1.800 cây số vào TP HCM bằng xe đạp. Những vật dụng cần thiết, nhỏ gọn nhất được mang theo như bông băng y tế, dầu gió, thuốc dự phòng, lương khô, chai sạch đựng nước, túi nilon, đồ dùng cá nhân và laptop để làm việc...

Tổng thời gian anh Hưng đạp xe trên đường 3 ngày đầu tiên là hơn 25 tiếng (tính theo đồng hồ điện tử được anh mang theo). Đến cuối ngày 11/5, anh đã vượt qua hơn 400 cây số, đang trong cuộc hành trình chinh phục Đèo Ngang. Tốc độ trung bình 16-20 km mỗi giờ, còn những đoạn leo đèo ngược gió, vận tốc là 8 km.

"Đã leo dốc mà lại còn thêm gió ngược chiều, những lúc thế này chắc đi bộ còn nhanh hơn. Gió khiến việc lao xuống dốc không còn nghĩa lý gì, vì bạn thả phanh cũng chẳng chạy được bao nhiêu. Đến con dốc sau, không hiểu sao nó dài thế, lên đến nửa chừng, tất cả cơ chân cơ tay gần như bó cứng lại. Nhưng ý chính thắng sức ỳ của cơ thể, tôi đã vượt qua", anh Hưng chia sẻ trên blog cá nhân về chặng đường ngày 11/5.
 

Trên dọc hành trình, để tránh các bác tài ngược chiều lấn làn đường, anh Hưng
thiết kế chiếc bảng một mặt đề "Đừng vượt", một mặt ghi chữ "Đi chậm"..

 

Suốt quãng đường đi, không may hỏng xe, anh phải tự mày mò sửa chữa. Đêm đến cần thuyết phục người dân địa phương đồng ý cho vào ngủ nhờ. Ngoài ra, do đi một mình nên nếu kết thúc chặng đường bất hợp lý nơi đèo vắng, rừng heo hút, anh cũng có thể gặp nhiều nguy hiểm.

Từ những tình huống trên đường, anh Nguyễn Ngọc Hưng tin có thể rèn luyện được những kỹ năng cần thiết cho công việc như khả năng thuyết phục, xử lý sự cố, làm chủ thời gian, kế hoạch... Bởi vậy, anh gọi 1.800 cây số lần này của mình là hành trình lập nghiệp mini.

Thông thường, với một cuộc chuyến xuyên Việt bằng xe đạp, một người sẽ mất 15 ngày trở lên. Nhưng anh Hưng buộc phải hoàn thành kế hoạch này trong 12 ngày để kịp tham gia khóa học vào ngày 22/5 tới.

Đang triển khai dự án thiết kế phần mềm dành cho smartphone với số vốn ban đầu hơn 2 tỷ đồng, anh Hưng cho biết khóa học tại TP HCM khá quan trọng. Đó là cơ hội để anh tạo mối quan hệ, học kinh nghiệm khởi nghiệp và kêu gọi đầu tư từ những doanh nhân thành đạt trên thế giới.

Ý tưởng đạp xe xuyên Việt tình cờ đến với anh hồi cuối tháng 4, khi gặp một bạn người Italy đi vòng quanh Đông Nam Á bằng xe đạp. "Mượn xe của bạn nước ngoài một tối, tôi đạp suốt 3 tiếng qua Hồ Gươm, Hồ Tây, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cảm giác thật thú vị nên quyết thử thách bản thân cho chuyến đi dài", anh Hưng tâm sự.

Sau 2 tuần tập luyện, tham gia vào các diễn đàn để học hỏi kinh nghiệm, anh Nguyễn Ngọc Hưng chuẩn bị đồ đạc lên đường. Đến phút chót thì người bạn đồng hành "bỏ cuộc". Thừa nhận, khi đó có đôi chút dao động song anh Hưng vẫn quyết thực hiện, dù vấp phải không ít phản đối, nghi ngại và lo lắng của gia đình. Thậm chí, trước đó, anh từng nghe tin một anh bạn đuối sức, phải truyền nước giữa đường... lấy sức quay về cũng trong cuộc hành trình xuyên Việt tương tự.

Chị Đặng Thị Thuy Thùy, phó giám đốc chi nhánh TP HCM của đơn vị tổ chức khóa học mà anh Hưng chuẩn bị tham gia chia sẻ, không loại trừ khả năng anh Hưng sẽ không thể hoàn thành được chặng đường dài gần 2.000 km. Tuy nhiên, theo chị, khởi nghiệp là như vậy, dám nghĩ, dám làm, dám thử thách bản thân, không sợ thất bại và sẵn sàng làm lại. "Chúng tôi đã lên kế hoạch động viên và hỗ trợ Hưng trên suốt dọc đường đi từ Bắc vào Nam", chị Thùy nói.
 

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích