Hoàng Anh Tùng sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ làm nghề sửa chữa điện tử. Trong những lần phụ giúp bố, không ít lần em chết hụt vì bị điện giật. Chính điều đó đã thúc đẩy cậu học trò nghèo chế tạo thành công máy cảm ứng chống điện giật.
Sinh năm 1992, ở thôn 7 (xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), cậu học trò Hoàng Anh Tùng rất đam mê sáng chế. Chiếc máy cảm ứng chống điện giật là sản phẩm sáng tạo đầu tay của em.
Hoàng Anh Tùng và máy cảm ứng chống điện giật do em chế tạo.
Không được như bạn bè cùng trang lứa, Tùng rất yếu, quanh năm ốm đau, chính vì vậy mà 2 năm sau khi các bạn cùng tuổi cắp sách đến trường, em mới đủ sức khỏe để đi học.
Bố Tùng là thương binh nặng 61%, mẹ em là cựu thanh niên xung phong. Không làm được những việc nặng trong việc đồng áng, bố Tùng mở một quán sửa chữa điện tử, điện máy, đồ gia dụng… kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Những lúc rảnh rỗi ngoài giờ học, Tùng lại ngồi xem bố sửa chữa đồ điện. Bản tính tò mò, ham học hỏi đã khiến cậu học trò để ý những thao tác của bố rồi học làm theo, chẳng mấy chốc mà cậu trở nên thành thạo.
Thấy Tùng sửa được một số đồ, từ đó bố em đã để em phụ giúp một tay mỗi khi có nhiều đồ do khách mang đến. Trong những lần sửa những vật dụng bị hư hỏng như thế, Tùng cũng như bố không ít lần bị điện giật “thừa sống thiếu chết”.
Đầu năm 2009, khi đó Tùng đang học lớp 10, vào một buổi sáng giúp bố sửa điện, đang loay hoay làm, bất thình lình sợi dây điện đứt, rơi xuống bàn khiến em bị giật. Ngay sau đó Tùng được chuyển tới bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát nạn.
Vài tháng sau đó khi trở về nhà tiếp tục làm giúp bố, Tùng lại bị điện giật khiến một lần nữa phải đưa lên bệnh viện cấp cứu, lần này may mắn em cũng tai qua nạn khỏi. Ngoài ra không ít lần đang nằm trên gác, Tùng bất ngờ thấy bố ngã vật ở dưới nhà vì điện giật.
Những lần cả Tùng và bố bị điện giật, trong đầu cậu học trò này bắt đầu nhen nhóm ý định sẽ sáng tạo ra cách nào đó để khắc chế được lưới điện không bị điện giật. Nghĩ là làm, cậu bắt đầu ngày đêm nghiên cứu, mày mò, thi thoảng Tùng lại hỏi bố những câu hỏi mà Tùng chưa tìm ra được lời đáp.
Anh Hoàng Liên Thanh - bố của Tùng cho biết: “Nhiều khi những câu hỏi của cháu khiến tôi hết sức băn khoăn, rồi nhiều hôm cháu thức cả đêm không ngủ, cứ thấy đấu nối hết cái nọ đến cái kia. Sợ con xao nhãng học hành, nhiều hôm tôi phải nhắc cháu học rồi đi ngủ sớm. Tôi cũng không ngờ được rằng đó là những ngày cháu đang tìm cách chế tạo mô hình máy cảm ứng chống điện giật”.
Những ngày mày mò, sáng chế ra tác phẩm, Tùng quên cả ăn, cả ngủ, cứ ngoài thời gian lên lớp, về đến nhà là em lao vào đống đồ của mình với cơ man là máy móc, linh kiện, rồi đấu nối. Càng làm Tùng càng phát hiện ra nhiều thứ nên càng khiến cho em hứng thú trong ý tưởng của mình.
Nhiều lúc thiếu những linh kiện, Tùng lại tìm kiếm vật liệu từ những phế liệu linh kiện ti vi, rađio, đầu đĩa… bỏ đi và lắp ráp. Không những thế, Tùng từ bỏ thói quen ăn sáng chỉ để tiết kiệm 5 nghìn đồng dành cho việc “đầu tư” vào mục tiêu của mình.
Thế rồi chỉ sau 4 tháng với sự nỗ lực hết mình cho tác phẩm tâm huyết, Tùng cũng cho ra đời được chiếc máy có chức năng chống bị điện giật. Tùng đặt tên là “máy cảm ứng chống bị điện giật”. Máy được đặt trước cầu dao, nếu sự cố xảy ra, chiếc máy cảm ứng chống điện giật sẽ lấy dòng điện cảm ứng đó để cắt mạch điện. Trên mạng điện sẽ bị mất điện hoàn toàn, đồng thời còi báo động cũng kêu lên báo cho mọi người biết là đã xảy ra sự cố điện.
Sau khi hoàn thành tác phẩm này, Tùng đã gửi tham dự cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” cấp tỉnh. Sau khi lên tỉnh đoàn, chiếc máy của Tùng được hội đồng kiểm định chứng nhận phát huy hiệu quả. Sau đó, sản phẩm của em tiếp tục được chuyển ra Trung ương Đoàn tham gia cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 7” năm 2011.
Sản phẩm của Tùng tham gia cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu
niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 7.
Chị Vũ Thị Hà - thành viên ban tổ chức cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” cấp tỉnh, người trực tiếp nhận mô hình máy chống điện giật của Tùng cho biết: “Để hưởng ứng cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 7”, tỉnh đoàn Thanh Hóa đã phát động cuộc thi sáng tạo của các thanh thiếu niên trong tỉnh và lựa chọn được 9 mô hình.
Sản phẩm trong đó có sáng tạo của em Tùng là máy chống điện giật được đánh giá là có tính sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao. Mặc dù khi đưa ra Hà Nội thì chiếc máy này vẫn chưa được giải nhưng ban tổ chức rất khâm phục ý tưởng độc đáo của em”.
Kỳ thi tuyển sinh năm nay, sức khỏe yếu do di chứng của những lần bị điện giật suýt chết, căn bệnh dạ dày nhiều năm, không ăn uống được cùng với bệnh cảm hàn biến chứng khiến cho Tùng tưởng như phải bỏ thi. Nhưng với ước mơ được học để trở thành một kỹ sư Công nghệ thông tin, Tùng đã gắng hết sức để đến trường thi.
Tuy nhiên, ước mơ đậu vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội của em đã không thành, em chỉ đủ điểm đậu hệ Cao đẳng. Với niềm đam mê học hỏi sáng tạo máy móc, điện tử, Tùng đã chuyển nguyện vọng 2 vào hệ Cao đẳng của Trường ĐH Công nghiệp TPHCM khoa CNTT.
Tùng tâm sự: “Không thể đi con đường thẳng, nhưng phải đi con đường vòng, em vẫn sẽ cố gắng và sẽ không từ bỏ thực hiện ước mơ và cũng là tâm huyết của em đó là sẽ trở thành một kỹ sư CNTT, chế tạo ra những chiếc máy có ích phục vụ cho cuộc sống.
Vẫn biết rằng gia đình mình thu nhập không đủ chi tiêu, việc nuôi em đi học sẽ rất khó khăn cho bố mẹ. Không những thế với niềm đam mê chế tạo máy móc của em, kinh phí cho việc thực hiện sẽ rất tốn kém. Nhưng khi đi học em sẽ cố gắng kiếm một công việc gì đó làm thêm để thực hiện bằng được niềm đam mê của mình”.
“Sự sáng tạo ở chiếc máy đầu tay của em mới chỉ là những sáng tạo ban đầu nên còn rất nhiều những thiếu sót. Sắp tới em dự định sẽ bổ sung, cải tiến thêm để hoàn chỉnh hơn nữa để có thể đưa vào sử dụng trong thực tế” - Tùng quả quyết.