Xẩm Hà Thành "sống lại" tại chợ Đồng Xuân

Thứ bảy, 08/09/2012, 11:37
Các bạn trong lớp đều hết sức ngạc nhiên bởi khả năng phổ thơ thành các làn điệu dân ca của Kiên. “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm được Kiên phổ thành điệu hát ru, “Tống biệt hành” thành điệu hát xẩm…
 
Có những bạn trẻ say sưa với nhạc trẻ, nhạc thị trường nhưng cũng có những bạn trẻ đam mê với âm nhạc dân tộc, yêu điệu hát xẩm, làn quan họ, câu ca trù...
 
Tiếng đàn, tiếng hát của dân tộc cứ thế nhuần nhị thấm sâu và lan tỏa vào tâm hồn của những người trẻ "đặc biệt" này. Họ là những người trẻ của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.
 
“Yêu hát xẩm từ trong máu!”
 
Đó là lời tâm sự của Nguyễn Đình Kiên, sinh năm 1989, sinh viên khoa dân tộc thiểu số - ĐH văn hóa Hà Nội. Từ bé, Kiên đã ở cùng với ông bà  rồi đâm ra thích nghe chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền”. Nghe nhiều thành "nghiện", ngày nào không được nghe dân ca là Kiên cảm thấy khó chịu. Nhà Kiên lại ở gần nhà văn hóa của thôn nên ngày nào Kiên cũng ra đó nghe các cô các chú tập đàn hát. Sau đó, Kiên học lỏm theo và về nhà diễn lại.
 
Các nghệ sĩ trẻ của trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam

Đối với Kiên, âm nhạc dân tộc là những gì mà cuộc sống hằng ngày diễn ra trước mắt: âm nhạc giống như tình yêu thuần hậu của ông bà dành cho Kiên, giống như đời sống thôn làng vẫn giản dị êm đềm bao bọc Kiên lớn… Kiên hiểu thế nào thì yêu nhạc dân tộc như thế ấy!
 

Các bạn trong lớp ngày đó đều hết sức ngạc nhiên bởi khả năng phổ thơ thành các làn điệu dân ca của Kiên. Ví như bài thơ: “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm được Kiên phổ thành điệu hát ru, “Tống biệt hành” của Tản Đà được Kiên phổ thành điệu hát xẩm…

Kiên tự tin trình diễn trước lớp và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của thầy cô giáo, của bạn bè. Rồi ước mơ được học nhạc dân tộc, được cháy với ước mơ đem các làn điệu dân ca đến với đông đảo quần chúng của Kiên bắt đầu từ những ngày tháng như thế.

 
Dân chúng đón đợi xem biểu diễn rất đông

Cũng yêu nhạc dân tộc không kém gì Kiên, cậu bạn Vũ Hữu Hiếu, sinh năm 1990, đến từ Hải Phòng đã lân la khắp chốn để tìm hiểu về các làn điệu dân tộc.

Hiếu lên mạng Youtube, gõ từ khóa "xẩm Hà thành". Sau đó Hiếu xem đi xem lại các bài hát trên đó, nghe và tỉ mẩn chép lại từng bài hát rất dài rồi ngâm ngợi theo. Tổng cộng, Hiếu thuộc lời của hơn 100 làn điệu bao gồm xẩm và ca trù. Hiếu chăm chỉ luyện tập các làn điệu theo cách bắt chước trên video và thế là xóm trọ nhỏ trên đường Nguyễn Lương Bằng của Hiếu sáng nào cũng “bị” nghe hát xẩm.

 
Hiếu nói: “Thật ra ban đầu mọi người ai cũng cảm thấy rất khó nghe và bảo em thôi không hát nữa! Em cũng hiểu là đặc trưng của thể loại hát xẩm khá buồn nên nhiều bạn không thích nghe. Nhưng em thì vẫn thích lắm nên em đóng chặt tất cả các cửa lại để hát. Dần dần thì các bạn nghe nhiều, cũng thấm ca từ và ý nghĩa lời bài hát, yêu cả cái buồn rất trong trẻo trong xẩm nữa. Không có tiếng hát xẩm của em thành ra các bạn lại nhớ ấy chứ!”.
 
Hiếu và Kiên trong tiết mục biểu diễn ở chợ Đồng Xuân

Từ hạt giống yêu âm nhạc dân tộc có sẵn trong mình, Hiếu và Kiên đã tìm được mảnh đất để cho tình yêu ấy nảy lộc. Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật dân tộc Việt Nam đã nhận cả Kiên và Hiếu vào đào tạo miễn phí, cốt yếu để làm cho các bạn hiểu và yêu âm nhạc của đất nước mình hơn.

Nhạc sĩ Thao Giang – Phó giám đốc trung tâm cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ khi thấy Hiếu cầm đến cuốn sổ chép tay rất nắn nót hàng trăm bài hát xẩm, hát ca trù mà trung tâm từng biểu diễn. Tôi nhận thấy tình yêu âm nhạc dân tộc mãnh liệt trong em và tôi đã nhận em vào”. Hàng ngày Hiếu chăm chỉ luyện tập ở nhà, luyện tập ở trung tâm. “Càng học âm nhạc dân tộc, nhất là hát xẩm, tôi càng cảm thấy yêu hơn! Đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.

 
Vốn có năng khiếu sẵn, dưới sự chỉ bảo tận tình của những nghệ sĩ còn rất trẻ trong Trung tâm như: Thu Phương (sinh năm 1985), Văn Huy (sinh năm 1988), Văn Tuấn (sinh năm 1989) Kiên đã có những bước tiến đáng ngạc nhiên.
 
Không chỉ dừng lại ở lớp học quần chúng miễn phí trong trung tâm, Kiên đã được đi biểu diễn cùng đoàn và nhận được sự ái mộ của đông đảo quần chúng. Ở chợ Đồng Xuân, ở khu vực trên phố cổ, không ai là không biết “cô Kiên” xinh đẹp trong phần hát văn: Cô Đôi cam đường.
 
Kiên và bạn diễn trang điểm trước khi vào giờ diễn ở chợ Đồng Xuân

Giữ gìn và lan tỏa giá trị tinh thần của riêng Việt Nam
 
Kiên và Hiếu chỉ là những bạn trẻ tiêu biểu trong rất nhiều các bạn trẻ khác đang theo học các lớp nhạc dân tộc quần chúng ở trung tâm. Trung tâm phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam đang ngày ngày góp một phần thầm lặng vào việc duy trì âm nhạc dân tộc trong lòng những người trẻ.

Thế hệ nào rồi cũng sẽ già đi và cần phải có những thế hệ sau kế thừa, phát huy. Nhưng bảo tồn sao cho nó không hề máy móc, bảo tồn không chỉ trên giấy tờ mà bảo tồn bằng những những hành động thực tế hàng ngày là cách tốt nhất để giữ gìn tinh hoa văn hóa Việt.

 
Vũ Đức Huy cùng bạn diễn luyện tại trung tâm

Đến với trung tâm, còn có cả những bạn trẻ ban đầu rất ghét âm nhạc dân tộc như bạn Lò Văn Quang, sinh năm 1992, ở Điện Biên: “Tôi cảm thấy nhạc trẻ dễ nghe hơn. Nhạc dân tộc nghe rất buồn ngủ, người nghe cũng cảm thấy nặng nề!”.
 
Nhạc sĩ Thảo Giang luôn theo sát học trò trong từng tiết mục

Thế nhưng cơ duyên đến khi Quang theo bạn bè, đến trung tâm nghe thử. Nghe rồi thấm lúc nào không biết, dần dần Quang cảm thấy yêu âm nhạc dân tộc nhiều đến nỗi cậu bạn thấy trong mỗi ca từ kia chất chứa biết bao tình cảm quê hương đằm thắm, bồi đắp nuôi dưỡng tâm hồn mình. Quang rủ thêm bạn bè của mình cùng đến nghe và thưởng thức nhạc để hiểu thêm về âm nhạc dân tộc - loại hình độc đáo của Việt Nam.
 
Quang cùng những người bạn của mình như: Phó Thanh Vân, Cao Thị Dạnh trở thành thành viên chủ chốt trong câu lạc bộ âm nhạc dân tộc ở trường văn hóa. Các bạn phụ trách việc dàn dựng, diễn xướng làn điệu, trang phục…

Hiện nay, thành viên chính thức của câu lạc bộ đã lên tới hơn 100 người. Thầy cô trong khoa cũng đánh giá rất tích cực: “Lâu lắm rồi cô mới lại được nghe hát xẩm từ các em sinh viên mà hay đến thế!”…

 
Nhạc sĩ Thao Giang: Giới trẻ chưa bao giờ quay lưng lại với âm nhạc dân tộc!
 
Âm nhạc dân tộc như một dòng chảy, đừng biến nó thành ao tù. Phải làm sao cho nhạc dân tộc vẫn giữ cái nguyên được cái cốt: hát xẩm ra hát xẩm, hát ca trù ra hát ca trù… nhưng phải làm mới cái hồn, để cho âm nhạc dân tộc dần thích ứng được với đời sống của giới trẻ.

Trung tâm chúng tôi lựa chọn những người trẻ, ươm mầm những cái cây để sau này biến từ những cái cây này biến thành rừng. Phải cho giới trẻ hiểu thật sự sâu về âm nhạc dân tộc,có hiểu mới yêu nó và có những đóng góp cho nền âm nhạc dân tôc Việt nam.

Bên cạnh những lớp học quần chúng về nhạc dân tộc thì chúng tôi đã có lớp đại học chính quy về âm nhạc di sản, liên kết với Học viện âm nhạc quốc gia Huế. Âm nhạc dân tộc là loại hình chuyên biệt, nét đặc sắc văn hóa của Việt nam.

Đừng để con cháu chúng ta thiệt thòi vì không được tiếp cận âm nhạc dân tộc, nghe nhạc nước mình mà như người Tây nghe nhạc Việt, thậm chí sau này là phải đi ra nước ngoài để học về nhạc dân tộc Việt một cách bài bản thì tôi rất đau lòng!
 
 
Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn