Nguyễn Đức Đạo, SV năm thứ hai trường ĐH công nghệ Sài Gòn, nói "không có từ ngữ nào diễn tả hết sự ngưỡng mộ và kính trọng của em" khi kể về cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm - người chuyển đổi giới tính đầu tiên được công nhận tại VN.
Nguyễn Đức Đạo, sinh viên năm thứ hai trường Đại học công nghệ Sài Gòn, nói rằng "không có từ ngữ nào diễn tả hết sự ngưỡng mộ và kính trọng của em" khi kể về cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm - người chuyển đổi giới tính đầu tiên được công nhận tại VN.
Hơn 200 học sinh ở một vùng quê nghèo tỉnh Bình Phước đã thi đậu vào những trường đại học có tiếng ở TP HCM như: Y dược, Công nghệ Sài Gòn, Kiến trúc, Công nghiệp..., có sự góp công lớn của cô giáo Quỳnh Trâm - trước đây là một chàng trai mang tên Phạm Văn Hiệp.
Kể về cô giáo cũ, Đạo bảo: "Không có từ ngữ nào diễn tả hết sự ngưỡng mộ và kính trọng của em đối với cô. Nhà chúng em đứa nào cũng nghèo, cô thì chẳng giàu nhưng thấy học trò cần gì là giúp đỡ ngay. Bạn nào không có tiền, cô sẵn sàng dạy miễn phí. Ngày học trò đi thi đại học ở TP HCM cô cũng đưa đi, rồi lo cho chỗ ăn, chỗ ở".
Đạo là một trong những học trò thế hệ đầu tiên của cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm - phẫu thuật xác định lại giới tính từ nam sang nữ vào năm 2009.
Nam sinh viên quê Bình Phước cho biết, 7 năm trước em học lớp 10, yếu một số môn khối A nên muốn tìm một giáo viên dạy kèm tại nhà. Lúc đó cô Trâm - khi đó vẫn còn là thầy Hiệp - từ TP HCM trở về Bình Phước để chăm mẹ bệnh và đăng tin nhận dạy kèm các môn khối A (toán, lý, hóa). "Em thấy cô rất thân thiện và vui vẻ nên xin theo học luôn", cậu học trò nhớ lại.
Cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm - người phẫu thuật xác
định lại giới tính đầu tiên được công nhận tại Việt Nam.
Ngày đầu tiên đến nhà học trò dạy kèm, "thầy Hiệp" luôn cố tỏ ra dáng dấp của một thầy giáo, song những cử chỉ dịu dàng, cách ăn nói nhẹ nhàng của "thầy" đã không qua được cặp mắt tinh tường của cậu học trò ở tuổi 16.
Nhớ lại thời gian ấy, Đạo kể: "Em đã nhận ra điều đó ngay từ lần gặp đầu tiên rồi, nhưng đối với em thầy cô dạy mình kiến thức là quan trọng nhất, em không quan tâm giới tính của người giáo viên phải như thế nào. Ngày cô đến nhà dạy kèm, em nói với cô rằng 'em biết cô không phải là thầy nên cô cứ sống thật với mình, không việc gì phải che giấu'".
Từ đó hai cô trò trở nên thân thiện hơn, ngoài giờ học, cô giáo còn chia sẻ với Đạo về những vui buồn trong cuộc sống và luôn dặn dò cậu học trò phải cố gắng học vì "chỉ có con đường tri thức mong đưa các em thoát cảnh nghèo khó".
Nhờ sự động viên và tận tâm chỉ dạy của cô giáo mà lực học của Đạo về sau tiến bộ hẳn, kết quả tăng rõ theo từng học kỳ.
Cậu học trò vẫn còn nhớ hồi thi tốt nghiệp lớp 12 em đạt 9,5 điểm môn hóa. "Đó là điều mà bản thân em cũng không thể tin được vì trước đó học lực của em chỉ ở mức trung bình - khá thôi". Cũng trong năm đó Đạo thi đậu vào trường Đại học Công nghệ Sài Gòn học rồi du học ở Singapore đến năm ngoái mới trở về Việt Nam học tiếp chương trình đại học.
Cũng là học trò cưng của cô giáo Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Phương Trinh (sinh viên năm hai trường Đại học Y dược TP HCM) kể, biết cô giáo này từ nhỏ học giỏi và sau này dạy giỏi có tiếng trong vùng
. Em nói rằng ban đầu nghe mọi người xì xầm bàn tán về "giáo viên pê đê", em cũng sợ không dám đến nhà cô. "Nhưng bạn bè em đi học về kháo nhau là cô dạy dễ hiểu mà tận tâm với học sinh lắm. Thế là em tìm đến nhà cô xin học. Sau này nói chuyện em mới hiểu những khổ cực mà cô phải trải qua nên quý trọng cô hơn", Trinh nhớ lại.
Nơi Trinh sinh sống là một vùng quê nghèo, đa phần người dân làm rẫy trồng cao su, khoai từ. Hàng ngày ngoài giờ đến lớp, các em phải ra rẫy phụ cha mẹ lao động. cuộc sống cơ cực thiếu ăn thiếu mặc nên nhiều trẻ em ở đây phải bỏ học sớm. Số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học chỉ đếm trên đầu ngón tay thì việc đậu đại học là ước mơ xa vời.
Vậy mà nhờ sự tận tâm hết mình của cô giáo Trâm, hơn 200 em đã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng ở TP HCM.
Trong số đó, Trinh thi đạt kết quả xuất sắc nhất, là người đầu tiên trong xã vào được trường Đại học Y dược TP HCM. "Em biết ơn cô Trâm nhiều lắm. Mặc dù cô không phải là giáo viên dạy trực tiếp ở trường nhưng chính sự tận tâm chỉ bảo và động viên của cô đã giúp chúng em có thêm nghị lực học tập để có được ngày hôm nay", nữ sinh 19 tuổi chia sẻ.
Giải thích tại sao các môn học khối A thường khô khan và khó hiểu nhưng các em luôn thích học, một trong số "đệ tử" của cô Trâm là nam sinh Chế Văn Việt (năm 3 trường Đại học Công nghệ Sài Gòn) cho rằng nhờ cách dạy vui tươi hóm hỉnh của cô giáo nên học trò rất dễ tiếp thu.
"Mỗi lần giảng giải công thức khó nhớ, cô thường pha trò vui lồng ghép vào đó là những phương pháp ghi nhớ đơn giản. Nhờ vậy mà chúng em hiểu bài nhanh và ghi nhớ lâu hơn. Còn bạn nào chưa hiểu thì cô gọi riêng lên giải thích cho đến khi nào hiểu thì thôi", chàng sinh viên tâm đắc.
Vốn học lực trung bình, Việt tâm sự, em không dám nghĩ là mình có thể đậu được đại học. Nhưng sau thời gian được cô giáo kèm, sức học của em tiến bộ hẳn. Năm đó toàn bộ gần 30 học sinh trong lớp của cô Trâm đều thi đậu vào các trường đại học và cao đẳng tại TP HCM, là niềm hãnh diện của cả làng.
Việt nhớ như in năm đó nhận được giấy báo kết quả đậu đại học đúng vào ngày sinh nhật của mình nên gia đình đã tổ chức một bữa tiệc linh đình và mời cô Trâm đến dự.
"Hôm đó tụi em đứa nào cũng xúc động khi nghe cô tâm sự về cuộc đời cô và dặn dò chúng em phải nỗ lực phấn đấu sống tốt. Cô luôn nhắc nhở rằng tương lai của mình sau này ra sao là do chính mình quyết định, đừng ngồi đó mà chờ người khác ban cho", chàng trai bồi hồi kể.