GS.Nguyễn Minh Thuyết: Đồng tiền lên ngôi, con đẩy bố ra đường
Thứ năm, 20/09/2012, 09:40
“Kỷ cương lỏng lẻo từ trong nhà đến ngoài xã hội khiến cái xấu cái ác tung hoành, người ngay lép vế trước kẻ gian. Người ta rút dần vào cái vỏ ốc của mỗi người, sống theo kiểu “đèn nhà ai người ấy rạng”. Khi ấy, cái xấu cái ác càng được buông thả, hoành hành” – GS – TS Nguyễn Minh Thuyết.
PV: - Thưa ông, càng ngày báo chí càng phanh phui ra nhiều vụ việc đau xót như một ông tiến sĩ đánh mẹ và đuổi mẹ ra khỏi nhà (Hai Bà Trưng) và gần đây nhất là cả con cái đẩy bố già ốm ra nằm vỉa hè chỉ để tranh chấp ngôi nhà ở Núi Trúc...
Điều đáng ngạc nhiên những vụ việc này đều xảy ra trước mắt thiên hạ, giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại thủ đô ngàn năm văn hiến của chúng ta. Ông có ngạc nhiên không và chúng ta phải lý giải điều này ra sao?
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết: - Chuyện con cái cư xử bất hiếu với bố mẹ thì thời nào cũng có. Nhưng giữa thủ đô văn hiến ở một thời đại văn minh mà có những vụ việc đau lòng đến như vậy thì thật sự quá hiếm. Đó là biểu hiện của sự băng hoại đạo đức trong xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà trước hết là những sai lầm từ trong quá khứ.
Bước vào thời kỳ đầu làm cách mạng, do nhận thức ấu trĩ, cực đoan, nhiều quan niệm về kỷ cương bị coi là phong kiến, lạc hậu; nhiều biểu tượng của xã hội truyền thồng bị nhạo báng, coi thường, thậm chí bị đánh đổ không thương tiếc. Trẻ con trở nên coi thường người lớn, kẻ dưới không sợ người trên, học trò thấy thầy cô cũng chỉ là những người làm công ăn lương tầm thường,…
Người ta chỉ biết đến cuộc đời nơi trần thế, chẳng mấy ai còn tin “ở hiền gặp lành”, chẳng hề lo “nghiệp báo”, chẳng sợ gì “quỷ thần hai vai”.
Những hành vi ấu trĩ, cực đoan một thời của “chúng ta” đã làm rạn nứt những mối quan hệ truyền thống bền chặt nhất, làm tiềm ẩn khả năng băng hoại kỷ cương gia đình, xã hội và sự lan tràn những hành vi xấu, hành vi ác.
GS TS Nguyễn Minh Thuyết.
Những sai lầm trong phát triển kinh tế và quản lý xã hội, sự thiếu gương mẫu của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên cộng hưởng với nhu cầu tự do cá nhân và ảnh hưởng của lối sống vật chất càng làm trầm trọng thêm những rạn nứt và mất mát đã có từ lâu, tạo điều kiện cho cái xấu cái ác bộc lộ ra.
Cơ thể yếu bắt đầu “nhiễm lạnh”. Đồng tiền lên ngôi, tất cả các mối quan hệ xã hội đều chịu thử thách.
Không ít người coi đồng tiền lớn hơn tất cả, sẵn sàng bất chấp cả dư luận, chỉ cốt sao có lợi cho mình. Kỷ cương lỏng lẻo từ trong nhà đến ngoài xã hội khiến cái xấu cái ác tung hoành, người ngay lép vế trước kẻ gian.
Người ta rút dần vào cái vỏ ốc của mỗi người, sống theo kiểu “đèn nhà ai người ấy rạng”. Khi ấy, cái xấu cái ác càng được buông thả, hoành hành.
Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến sự băng hoại đạo đức, văn hoá trong xã hội ngày nay.
PV: - Hàng ngàn độc giả cho rằng, hành vi nêu trên không phải là hành vi của con người, con cái nếu không hiếu đễ thì cũng không đến mức đuổi cha mẹ ra vỉa hè trước mắt thiên hạ giữa ban ngày, bất chấp mọi lời chê trách của xã hội.
Nghĩa là, tác động của xã hội tới đạo đức, danh dự cá nhân gần như bằng không. Ngoài chuyện đạo đức xã hội đang đi xuống, giáo dục có nhiều vấn đề, theo ông, còn nguyên nào khác nữa không?
GS – TS Nguyễn Minh Thuyết: - Như tôi đã nói, ngày xưa người ta sợ thần phật, thậm chí cả ma quỷ. Người ta tin rằng, làm điều gì dù tốt hay xấu đều bị thần phật, ma quỷ nhìn thấy và soi xét. Người ta biết sợ khi làm điều xấu vì sợ sự trừng phạt.
Về sau, “chúng ta” giáo dục cho mọi người rằng, chỉ cuộc sống hiện tại là có thực, những chuyện thần phật, ma quỷ, nghiệp chướng, nhân quả là mê tín dị đoan. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người ta không còn biết sợ gì nữa.
Đến mối quan hệ gia đình, thứ duy nhất tưởng vẫn còn được coi là thiêng liêng mà còn bị lung lay thì người ta sẽ thấy chẳng còn gì đáng trọng nữa.
“Mười con không nuôi được một mẹ”
PV: - Trong những câu chuyện kể trên, chúng ta đều thấy, các bậc cha mẹ đều đã chia hết tài sản cho con, phụ thuộc hoàn toàn vào con cái. Có lẽ, các bậc phụ huynh ngày nay càng cần nhớ câu nói của các cụ ngày xưa: “Một mẹ nuôi được mười con nhưng mười con chưa chắc nuôi nổi một mẹ”, thưa ông?
GS – TS Nguyễn Minh Thuyết: - Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ có bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục con đến tuổi trưởng thành, có khả năng tự lập. Sau đó, cha mẹ chỉ cần chăm lo, giúp đỡ cho con những việc nằm trong khả năng của mình.
Bản thân các bậc cha mẹ phải giữ cho mình những điều kiện để sống độc lập, không phụ thuộc vào con.
Nếu còn đang sống mà cho hết tài sản, không còn phương tiện mưu sinh, phải phụ thuộc vào con cái thì đó là thất sách. Nếu cuộc sống của mình còn không lo được thì làm sao giữ được sự tôn trọng của các con, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội như hiện nay?
Cha mẹ cũng cần cư xử với các con công bằng. Trọng nam khinh nữ, con ghét con yêu cũng dễ trở thành nguyên nhân mâu thuần gia đình.
PV: - Giả sử học trò của ông có những hành vi tương tự với cha mẹ hay với cộng đồng, ông sẽ suy nghĩ và hành xử thế nào?
GS – TS Nguyễn Minh Thuyết: - Nói thực là trừ giáo viên tiểu học, ở các cấp học khác, mỗi thầy giáo, cô giáo cũng chỉ dạy một môn nhất định, một số giờ nhất định, khó mà bảo ban, quản lý toàn diện học trò.
Cho nên, trong những trường hợp cụ thể, tùy mối quan hệ với người trò mà người thầy lựa chọn cách ứng xử phù hợp.
Nếu là người thân thiết, hay trao đổi thì mình phải có lời phê bình nghiêm khắc. Còn nếu một học trò cũ cả chục năm không gặp mình, chắc là rất khó bảo ban.
PV: - Câu hỏi cuối cùng, lần đầu tiên nghe những câu chuyện này, cảm xúc của ông như thế nào? Và những lần sau phải nghe những chuyện tương tự, cảm xúc của ông có khác đi không?
GS – TS Nguyễn Minh Thuyết: - Thực ra cảm xúc lần nào cũng như nhau: sửng sốt, đau lòng. Tôi không thể tin nổi người ta có thể làm những điều như thế. Kể cả với người giúp việc, khi họ bị ốm, không ai nỡ đẩy họ ra ngoài đường như vậy.
Càng nghe nhiều chỉ càng thấy buồn hơn. Nhất là khi thấy những hiện tượng đau lòng như thế ngày càng phổ biến.