Khi đời sống ngày càng phát triển không chỉ có người nước ngoài, những nhà giàu có điều kiện ở Hà Nội có nhu cầu thuê người “chăm sóc, phục vụ” thú cưng của họ ngày càng nhiều. Những người nhận chăm sóc thú cưng tại nhà chủ yếu là người lao động nhập cư, công nhân bỏ nghề, sinh viên đi làm thêm. Và đối với những bạn sinh viên đi làm thêm, công việc nghe qua “tưởng chừng không vất vả” này cũng đem lại lắm những câu chuyện “dở khóc dở cười”…
Tình cờ đọc được mẩu rao vặt trên mạng “Tìm một người chăm sóc cho 1 con chó: dắt đi dạo vào sáng sớm, cho đi vệ sinh, tắm rửa, cho ăn vào 2 ngày cuối tuần. Lương 200 nghìn/1 buổi". Thấy yêu cầu không khắt khe, công việc nghe qua cũng không vất vả lại là một người thích chó, Linh (Sinh viên năm 3 – trường Đại học kinh tế) quyết định tìm đến địa chỉ trên để thử công việc có một không hai này.
Linh đang học năm 3 trường Đại học kinh tế. Cũng như nhiều bạn trẻ sinh viên năng động, đầy nhiệt huyết khác, ngay từ khi mới đặt chân vào cổng trường Đại học Linh đã chủ động đi làm thêm để có thêm tiền trang trải cho việc học và chi tiêu cá nhân.
Linh đã trải qua nhiều nghề như dạy thêm, tiếp thị, phục vụ ở quán cà phê, quán rượu, phát tờ rơi… nhưng nghề nào cô cũng chỉ làm được 2,3 tháng.
Đến với nghề “phục vụ, chăm sóc thú cưng” này, lúc đầu Linh “nghe thấy lạ lạ, thu nhập cũng được” nên muốn thử xem sao. Nào ngờ chính lần tình cờ đó đã trở thành cái duyên để đưa Linh gắn bó với công việc làm thêm này thấm thoắt đã hơn một năm.
Đối với những gia đình có điều kiện, việc nuôi thú cưng còn thể hiện đẳng cấp của họ nên họ không ngần ngại chi trả những số tiền không nhỏ để tìm người hay thuê dịch vụ “chăm sóc kỹ lưỡng cho thú cưng”.
Linh nói: “Lần đầu tiên chăm sóc, phục vụ “thú cưng” đã diễn ra rất thuận lợi, mình còn thấy thoải mái nữa. Sáng đến từ 6h dắt chó đi dạo vòng quanh công viên, đi lòng vòng khoảng 1 tiếng coi như đi tập thể dục, rồi cho chó đi vệ sinh, cho ăn uống. 2 ngày tắm rửa một lần. Công việc không quá vất vả, diễn ra suôn sẻ. Mà tiền công cũng tốt, mình chỉ làm đến tầm trưa thôi”.
Sau lần đầu tiên làm “osin cho chó” diễn ra thuận lợi, Linh quyết định dấn thân vào công việc làm thêm này để có thêm tiền hỗ trợ cho việc học ở trường. Nhưng “Đi sâu vào mới biết chẳng có công việc nào không vất vả, không có những éo le, bi hài cả” – Linh nói thêm.
“Dở khóc, dở cười” với phục vụ thú cưng
Lần thứ hai, Linh hồ hởi tìm đến một địa chỉ với nhu cầu “Cần dắt 2 con chó đi dạo, cho ăn, uống, vệ sinh, tắm rửa”. Nhưng khi đến nơi thấy 2 con chó nhà chủ to quá. Mặc dù đã có kinh nghiệm một lần rồi nhưng Linh vẫn ngần ngại, không dám nhận lời bởi cô nghĩ:
“Hai con chó to thế này thì là nó dắt mình đi dạo chứ chẳng phải mình dắt nó nữa, không cẩn thận lúc dắt tuột tay nó chạy mất thì biết đâu mà tìm, chẳng may để nó chạy mất thì mình lấy tiền đâu mà đền”. Nghĩ vậy nên cô cẩn thận từ chối.
Rút kinh nghiệm lần thứ ba, trước khi đến cô cẩn thận hỏi chủ nhà xem chú chó có “nhỏ nhỏ, vừa vừa” không thì cô mới dám nhận.
Mấy hôm đầu công việc của cô cũng suôn sẻ, nào ngờ sang buổi thứ năm, buổi sáng hôm đó cô dắt chó đi vòng quanh khu phố quen như thường lệ, đang đi thong dong với chú chó nhỏ xinh xắn, dễ thương thì cô phát hiện con chó nhỏ của mình đã vô tình khiêu khích mấy con chó ở các nhà trong khu phố cô dắt qua làm chúng đuổi theo.
Sợ quá vội vàng bế chú chó nhỏ lên chạy, nào ngờ trong lúc chạy con chó con cũng sợ quá đã tè ị ra lung tung làm cô dở khóc dở cười. Kể lại tình huống này, Linh bảo “Đến bây giờ vẫn thấy ghê ghê nhưng cũng buồn cười”.
Sau tai nạn “hy hữu” đó, cô nhận trông một con mèo cứ nghĩ con mèo con “bé xíu” sẽ chẳng thể gây khó dễ gì cho mình được. Công việc của cô chỉ là chơi với mèo, tắm rửa, cho nó ăn. Nào ngờ con mèo “bé xíu” đó vẫn làm cho cô một phen “đứng tim”.
Lần đó cô đang tắm cho nó ngoài sân, con trai nhà chủ nghịch ngợm cầm que dài đập vào con mèo làm nó sợ lao qua tường chạy mất.
Hôm đó cô đi tìm mãi mà không thấy đâu, đến chiều chủ nhà về biết chuyện không phải do cô nhưng họ vẫn mắng cho cô một trận, lại còn định giữ cô lại để bắt đền. Lần đó cô sợ “đứng tim” may mà đến tối con mèo tự trở về. “Nếu không mình cũng không biết phải làm sao” Linh nhớ lại.
Nhưng không chỉ duy nhất lần đó làm Linh “đứng tim”. Công việc này nghe qua tưởng nhẹ nhàng mà cũng tiềm ẩn những hiểm nguy nữa. Có lần đang dắt chú chỏ nhỏ đi dạo trên đường thì có 2 thanh niên đi xe máy tới giả vờ hỏi đường.
Khi Linh đang chỉ, thì tên ngồi sau giật cái dây và kéo con chó định chạy mất. Cô bất ngờ, hốt hoảng la ầm lên “Ăn trộm chó”. Thật may là lúc đó có mấy anh dân phòng đi ngang đấy, nghe tiếng hô hoán đã kịp thời đuổi theo tóm gọn hai tên ăn trộm. Kể lại tình huống này cô nói “Đến bây giờ em vẫn còn sợ…”.
Gặp phải mấy tai nạn đó nhưng Linh vẫn không bỏ cuộc. Cô nói “Có lẽ mình yêu động vật, tình yêu đó đã giúp mình vẫn muốn tiếp tục với công việc này dù đã gặp phải những trường hợp dở khóc dở cười”.
Cô cũng thành thật tâm sự: “Thật sự lúc đầu dắt chó đi dạo ngoài phố với công viên cũng ngại gặp người quen lắm, vì vẫn có cảm giác không tự tin, rồi ngại ngùng, hơi chút mặc cảm vì sợ mọi người trêu chọc là làm “osin cho chó” nhưng đến bây giờ mình đã hiểu rằng đó là công việc chính đáng, chân chính nên chẳng có gì phải xấu hổ cả, lại vừa có thu nhập cũng tốt, vừa được chơi cùng thú cưng, vừa thỏa mãn tình yêu động vật của mình”.
Bây giờ gặp anh bạn nào tếu táo trêu khi vô tình thấy cô dắt chó đi dạo cô cũng không ngại ngần nói luôn “mình đang chăm sóc thú cưng đấy!”. Linh còn vui vẻ chia sẻ thêm “Nhờ có công việc dắt chó này mà em đã giảm được mấy kg, không mất tiền đi tập thể dục mà vẫn giảm cân lại còn kiếm thêm thu nhập nữa chứ!”.
Hiện tại Linh đang nhận “chăm sóc” cho một chú chó to gấp rưỡi cô và rất vui với công việc làm thêm này. Hỏi đùa cô “Thế không còn sợ là chó sẽ dắt em chứ không phải em dắt chó ah?” Linh cười vui vẻ:
“Thì đúng là nó dắt em mà, Lúc đầu nó lạ em còn cào em mạnh tay, rồi lôi đi em không chắc tay còn bị ngã trầy xước cơ. Nhưng bây giờ thì nó quen rồi, cũng rất nghe lời. Có lẽ nó cũng hiểu em cũng yêu thương động vật và đang làm công việc chăm sóc cho nó nên nó cũng quí mến em. Mỗi lần thấy em đến nó vẫy đuôi mừng rõ, thân thiết lắm”.
Hỏi cô “Công việc này có gì vất vả nhất”. Cô nói: “Vất vả nhất là khi dắt nó đi dạo mà để nó nhìn thấy con khác hoặc con khác nhìn thấy, khi đó chúng nó sẽ lao tới cắn nhau. Mình phải can ngăn rất vất vả. Nhưng bây giờ mình có kinh nghiệm rồi đang dắt mà nhìn thấy con chó lạ nào là mình dắt ra chỗ khác, tránh từ xa cho an toàn”.
Mơ ước mở cửa hàng “chăm sóc thú cưng”
Đúng là công việc nào cũng cần phải có tình yêu, sự kiên trì, nhẫn nại. Nhất là trong việc “phục vụ thú cưng” này, lòng yêu thương động vật sẽ giúp người chăm sóc sẽ có thể cảm hóa thú cưng, giúp họ hoàn thành tốt công việc của mình.
Khi xã hội ngày càng phát triển càng có nhiều gia đình có điều kiện thích nuôi “thú cưng” vì họ yêu động vật, coi và nâng niu chúng như thành viên trong gia đình, và việc nuôi “thú cưng” cũng là một cách để họ thể hiện đẳng cấp của mình nên họ sẵn sàng thuê riêng người để chăm sóc, phục vụ thú cưng với chi phí không nhỏ.
Linh đã gắn bó với công việc này hơn 1 năm, cô tâm sự: “Càng ngày càng có nhiều gia đình có nhu cầu thuê người để chăm sóc thú cưng cho họ.
Em cũng đang ấp ủ dự định khi ra trường có điều kiện sẽ mở một cửa hàng chuyên chăm sóc thú cưng với đầy đủ dịch vụ từ cung cấp người dắt chó đi dạo, cho ăn uống, vệ sinh, tắm rửa đến các dịch vụ chăm sóc kỹ lưỡng như” tắm, tỉa lông, cắt móng, vệ sinh răng miệng, cạo vôi răng, điều trị ve hoặc bọ chét, cung cấp cả quần áo, thức ăn cho thú cưng nữa…”.
Nhìn cô sinh viên hăm hở, mắt lấp lánh hy vọng, tin tưởng với ước mơ của mình tôi cũng tin và thầm chúc cho ước mơ của cô thành hiện thực. Bởi ước mơ đó hoàn toàn có cơ sở. Công việc đó hoàn toàn chính đáng, và nhu cầu “chăm sóc thú cưng” đang ngày càng lớn.
Thú cưng như chó, mèo,… được mọi người coi như “bạn thân”. Họ cũng muốn thú cưng được chăm sóc như một thành viên trong gia đình. Đối với những gia đình có điều kiện, việc nuôi thú cưng còn thể hiện đẳng cấp của họ nên họ không ngần ngại chi trả những số tiền không nhỏ để tìm người hay thuê dịch vụ “chăm sóc kỹ lưỡng cho thú cưng”.
Thực tế như ở Trung Quốc, “dịch vụ chăm sóc thú cưng” đã và đang trở thành một nền công nghiệp lớn, đem lại những lợi nhuận khổng lồ.