"TP.HCM chưa cần thiết thành lập lực lượng kiểm tra liên ngành 141 như TP Hà Nội, bởi lẽ ở Hà Nội có quá nhiều ‘đầu gấu’, mà ở TP.HCM không đến mức như vậy".
Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó GĐ Công an TP.HCM.
Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã khẳng định như trên khi trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP vào chiều 6/12 xung quanh ý kiến: Liệu TP.HCM có nên thành lập lực lượng kiểm tra liên ngành 141 như ở TP Hà Nội hay không?
Theo đó, Thiếu tướng Minh cho rằng, vì lí do TP Hà Nội có quá nhiều ‘đầu gấu’ xưng ‘hùng’, ‘xưng bá’ khắp nơi, khó giải quyết nên mới cần lực lượng kiểm tra liên ngành 141 hùng hậu khắp nơi, còn ở TP.HCM thì hiện chưa đến mức nghiêm trọng như Hà Nội nên chưa cần thiết phải thành lập lực lượng này.
Trước câu hỏi của đại biểu Lâm Đình Chiến (Q.10, TP.HCM): Có cần khôi phục lại sự hoạt động của lực lượng SBC (săn bắt cướp) như trước kia TP đã làm thành công hay không?
Phó GĐ Công an TP.HCM Phan Anh Minh trả lời: “Lực lượng SBC trước kia mà TP đã từng làm cũng có nhiều khiếm khuyết, cần phải thay đổi cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Hiện TP.HCM có một mạng lưới hình sự đặc nhiệm rải rộng khắp các quận huyện. Đây chính là lực lượng mà chúng tôi cho rằng đã thừa hưởng hết những ưu điểm của lực lượng SBC trước kia.
Có lẽ người dân chúng ta chưa quen với cụm từ hình sự đặc nhiệm nên mới có suy nghĩ như vậy. Ngành Công an cũng đã cân nhắc rất nhiều trong tình hình thực tế hiện nay.
Chúng tôi nghĩ rằng những đối tượng đi cướp cũng là con người, mà đã là con người chúng ta không nên dùng từ săn bắt. Hiện hình sự đặc nhiệm chúng tôi nghĩ là vừa phải. Người dân cũng đừng nên đánh giá vội vàng hiệu quả của lực lượng này, mà nên chờ thêm một thời gian nữa”.
Đại diện ngành Công an TP.HCM cũng cho rằng, lực lượng hình sự đặc nhiệm của TP và các quận huyện được trang bị đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị cần thiết cho quá trình làm nhiệm vụ trên đường.
Do đó, khi trên mặt đường có xảy ra hay nghi vấn cướp giật, chỉ cần thông báo qua hệ thống bộ đàm nội bộ là lực lượng này nhận được thông tin, triển khai ngay các phương án làm nhiệm vụ.
Trong bối cảnh lực lượng còn quá mỏng, TP.HCM chưa cần hình thức một người làm mà hai, ba người đi theo như lực lượng 141 của Hà Nội.
Về tình trạng phạm pháp hình sự trên địa bàn, khảo sát 150 đối tượng mới nhất vừa bị ngành Công an TP bắt, Thiếu tướng Minh thông tin: Có đến 50 – 60% đối tượng này là người thất nghiệp, làm nghề tự do, đã từng đi cướp giật, 49% đối tượng thất nghiệp, 24% đối tượng đã từng có tiền án, tiền sự, 41% đối tượng đã từng hay đang có lệnh truy nã của ngành Công an.
“Do vậy, chúng ta có thể đưa ra cho mình nguyên nhân tại sao họ đi phạm pháp” – ông Minh nói.
TP.HCM hiện có khoảng 10.000 người nghiện đã hồi gia, nhưng tỉ lệ tái nghiện là 3%. “Đây có thể là con số chưa chính xác, con số chính xác, đầy đủ mà ngành Công an có được có thể trên 26%, chưa kể số người hiện rời khỏi địa phương không ai biết được là đi đâu”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí giải trình xung quanh vấn đề an ninh trật tự của TP.HCM trước các đại biểu HĐND TP.
Phát biểu trước các đại biểu HĐND TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí khẳng định: Trong thời gian sắp tới, mục tiêu số 1 trong công tác phòng chống tội phạm của TP.HCM là kéo giảm tội phạm về ma túy và đối tượng nghiện ma túy, vì có đến 70% đối tượng phạm tội ở TP có liên quan đến ma túy.
Phó Chủ tịch Lê Minh Trí cũng khuyến cáo: Cần phải tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ hơn để người dân có ý thức giữ gìn tài sản cá nhân nhiều hơn nữa.
“Muốn kéo giảm tình hình tội phạm, nhất là tội phạm cướp giật thì cả hệ thống chính trị, cấp ủy, UBND các phường xã, quận huyện và cả người dân phải cùng vào cuộc, không thể phó mặc hết cho ngành Công an các cấp được".
Lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định rằng: Nếu xây dựng được hệ thống an ninh tại chỗ tốt, lực lượng phòng chống tại chỗ tốt, tạo thành chất keo kết dính người dân lại với nhau thì tội phạm chắc chắn sẽ giảm.
Hiện Công an TP.HCM đã triển khai kế hoạch phòng chống xâm hại tài sản, bảo vệ người dân TP.HCM trước mắt là từ nay tới tết Nguyên Đán, làm sao cho TP.HCM vẫn là nơi an toàn nhất cho mọi người.
Sau khi triển khai kế hoạch này xong, TP.HCM sẽ có sơ kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện những kế hoạch phòng chống tội phạm tiếp theo.