Bi hài bình xét... hộ nghèo

Thứ tư, 12/12/2012, 07:25
Trưởng thôn bị đánh vì không “bảo vệ” người nhà vào diện hộ nghèo, hàng xóm láng giềng rạn nứt tình cảm, thậm chí có cả án mạng liên quan tới bình bầu hộ nghèo... Đó là thực tế ở nhiều vùng nông thôn, sau đợt bình xét hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Khó như bình xét hộ nghèo

Xã Việt Tiến là một xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sau đợt bình bầu vừa qua, thôn 9 (xã Việt Tiến) có tới 36 hộ nghèo trên tổng 300 hộ. Ông Nguyễn Văn Vui - Trưởng thôn nói: “Tiêu chí bầu hộ nghèo căn cứ vào thu nhập, những hộ có thu nhập hàng tháng dưới 400.000 đồng thì thuộc nghèo, những hộ trên 400.000 đồng thì cận nghèo. Ngoài ra còn căn cứ vào tình trạng nhà ở. Khi bình bầu, chúng tôi xét trên những căn cứ đó nhưng nói chung nó cũng chỉ ở một mức độ vừa phải, ngoài ra còn phải xem xét về mặt tình cảm, có chút cả nể”.

ho ngheo
Bữa cơm tối của gia đình ông Hoàng Công Chung và bà Hoàng Thị Hà ở
xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An chỉ có nhút và mắm ruốc.

Chính vì cái “cả nể” mà theo tiêu chí, đáng lẽ thôn 9 chỉ có 32 hộ thuộc diện nghèo, nhưng có 4 hộ đến “xin” thêm. Như nhà ông Phạm Văn Thạnh và ông Phạm Văn Lăng đều có nhà cửa khang trang nhưng vì bệnh tật nên “xin” vào diện nghèo để được bảo hiểm y tế. “Nếu xét theo tiêu chí thì còn lâu nhà ông Thạnh và ông Lăng mới được xét diện nghèo nhưng người dân thương hại nên bầu họ vào”- ông Vui nói.

Bà Nguyễn Thị Viết, thôn 9 lý giải cho cái sự “thương hại”: “Ông Lăng, ông Thạnh có nhà cửa đàng hoàng, con cái đều có nghề nghiệp, có xe máy, nhưng người làng, người xóm với nhau chẳng nhẽ họ tha thiết xin mà mình lại không cho”. Chính vì sự cả nể của bà con nên trưởng thôn đâm khổ.

Ông Vui bày tỏ: “Là trưởng thôn, nhiều lúc tôi khó xử lắm, đứng giữa đôi đường, một bên thì họ hàng đến năn nỉ, một bên thì dân bầu do thương hại, một bên thì người làng người xóm nghèo thực sự không xét không được”. Ngoài ra, ông Vui cũng sợ… bị đánh. “Vừa rồi, ở một xã của Vĩnh Bảo có trường hợp họ hàng trưởng thôn vác cào ra đánh trưởng thôn vì không nể nang họ hàng mà đi bầu người dưng” - ông nhớ lại.

Kể cả khi đã tiến hành bình xét một cách công minh, thì dân tình vẫn tỵ nạnh, thậm chí “ném đá” các trưởng thôn, cho rằng mấy ông này không công minh. “Có nhiều trường hợp gia đình đúng là hộ nghèo, nhưng đưa ra thôn bình xét thì bị “trượt” với lý do, nhà thằng đó lười lắm. Đã lười lại còn rượu chè bê tha nên dân không bỏ phiếu. Không được bầu, họ lại phản ứng, khiếu kiện” – ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND xã Hương Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) cho biết.

Cũng ở xã này, tỷ lệ hộ nghèo lên tới hơn 50%, trong đó có nhiều hộ “nghèo kinh niên” dù có sức lao động, dẫn tới nhiều hộ khác thi nhau “xin nghèo”. Tệ hại hơn, cũng vì đấu nhau với danh hiệu hộ nghèo mà nhiều thôn, bản tình làng nghĩa xóm không còn, trở thành kình địch của nhau. Như gia đình anh Nguyễn Văn M và gia đình Lương Xuân B vốn là hàng xóm tốt của nhau. Trong lần bình xét mới đây, nhà anh M được bầu, còn nhà anh B thì bị “trượt” nên đâm ra ganh tỵ, nói xấu, trong một lần cãi lộn còn xông vào đánh nhau. Cũng may chính quyền xã nhanh tay hoà giải nên tránh được hậu quả đáng tiếc.

Nhà 2 tầng vẫn “thích” nghèo

Ông Lê Văn Bảng - Trưởng thôn Yên Bình (Hưng Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái) lại có nỗi khổ khác. Theo ông Bảng, vì tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo chỉ cách nhau có 10.000 đồng, nên đôi khi việc thống kê tài sản cũng có nhiều cái khó: “Đối với các hộ ngấp nghé giữa nghèo và cận nghèo thì thôn sẽ gom lại thành một nhóm để tiến hành họp thôn, bình xét và biểu quyết lựa chọn hộ nào nghèo hơn. Vì biểu quyết nên họ nhà ai đông thì người ấy thắng nên không ít hộ ấm ức”.

 Được đánh giá là gia đình khá giả, thậm chí còn có của ăn của để, thế nhưng gia đình anh Trung Văn Nguyên (thôn Yên Bình) vẫn rất “thiết tha” vào hộ nghèo với lý do: “Gia đình có 2 con đi học ở Hà Nội, vất vả lắm. Vợ chồng tôi phải chắt bóp lắm mới đủ sống”.

Kêu là vậy, nhưng thực tế nếu tận mắt chứng kiến gia cảnh của anh mới thấy hết sự oái oăm của lời than ấy. Ngôi nhà 2 tầng toạ lạc trên ngọn đồi rộng mênh mông, trong nhà có đầy đủ tiện nghi với xe máy, ti vi 24 inch và chiếc tủ lạnh còn mới cứng, bộ bàn ghế bằng gỗ có tính rẻ cũng vài chục triệu. Đấy là chưa kể tới 4ha đồi trồng chè và cam sành mỗi năm cũng thu dăm chục triệu.

Theo ông Bảng, nếu tính thu nhập bình quân đầu người, gia đình anh Nguyên (2 vợ chồng và 3 con ăn học) hoàn toàn không phải là hộ nghèo, nhưng với tâm lý “nếu là hộ nghèo sẽ được hỗ trợ thêm nuôi con ăn học” nên nhiều gia đình vẫn chành choẹ, ganh tỵ nhau mong được nghèo.

Trường hợp gia đình anh Vũ Ngọc Đình ở thôn Trung Yên (xã Hưng Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái) thì khiếu kiện vì… bắt anh ra khỏi hộ nghèo. Gia đình anh vốn nghèo kinh niên, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước nên sau 5 năm, năm nay gia đình anh đã vươn lên mua được chiếc xe máy 7 triệu đồng, lại có vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi.

Tính ra, thu nhập bình quân đầu người cũng được tầm 600.000 -700.000 đồng/người. Vì thế, năm nay thôn Bình Yên đưa gia đình anh vào danh sách thoát nghèo, tuy nhiên anh Đình lại không đồng ý vì cho rằng gia đình mình vẫn còn nghèo.

“Tôi thấy nhà tôi vẫn nghèo vì còn thiếu tủ, thiếu bàn, thiếu nhà kiên cố… 2 con nhỏ đang đi học, vì thế vẫn phải là hộ nghèo” – anh Đình lý giải.

Lý giải về câu chuyện “quyết nghèo” của người dân, ông Bảng cho rằng: “Không ai muốn mình không có của ăn của để, nhưng lại không muốn mất đi “danh hiệu nghèo” vì Nhà nước hỗ trợ nhiều quá”.

5 chính sách lớn hỗ trợ hộ nghèo

Theo Bộ LĐTBXH, hiện có ít nhất 5 chính sách lớn hỗ trợ hộ nghèo:

1. Chính sách hỗ trợ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo;

2. Chính sách miễn phí trong giáo dục cho con em hộ nghèo;

3. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo;

4. Hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế ;

5. Hỗ trợ phương tiện sản xuất, trâu bò. Đặc biệt, các hộ nghèo cũng được hỗ trợ đột xuất trong trường hợp thiên tai, mất mùa; hỗ trợ tiền điện (khi giá điện tăng)...

***

“Tính đến tháng 11.2012, toàn tỉnh Yên Bái có 57.719 hộ nghèo và 10.133 hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,37% so với năm 2011. Trong quá trình tiến hành rà soát, điều tra, bình bầu hộ nghèo, Sở LĐTBXH cũng đã tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra. Tuy nhiên, việc bình bầu là ở thôn, chúng tôi cũng tôn trọng quyết định của bà con”.

Bà Hoàng Thị Chanh - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Yên Bái

“Toàn xã có 111 hộ nghèo và 95 hộ cận nghèo (chiếm 9,84%). Mọi công việc điều tra, bình xét đều do trưởng thôn, xã không tham gia trừ khi họp hội đồng và có đơn thư khiếu kiện của dân thì xã mới thành lập đoàn kiểm tra, xác minh làm rõ”.

Chị Hoàng Thị Xoan - cán bộ xã Trùng Quán (Văn Lãng, Lạng Sơn)

“Cũng làm ăn như nhau mà con tôi đi học đóng đủ học phí, làm gì cũng phải đóng tiền, trong khi hộ nghèo được miễn hết. Ai chả thích nghèo”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết - chủ cửa hàng tạp hóa xã Hương Điền (Hà Tĩnh)

 

Theo Danviet

Các tin cũ hơn