Vé tàu Tết khó đặt bằng kênh chính thức đã đẩy giá vé chợ đen tăng cao. “Cò” vé nhân cơ hội hoạt động rầm rộ do chênh lệch tăng theo từng ngày, từ sau khi nhà ga mở bán.
Vé chợ đen chênh lệch từ 2 - 500 nghìn/đồng
Câu chuyện của anh Nguyễn Minh Tùng (37 tuổi, ngụ quận 12) khi đi mua vé tàu Tết có thể trở thành minh chứng “thê thảm” nhất cho hành trình đặt vé. 8h sáng, khi gặp chúng tôi, anh Tùng ngồi sụp mắt, gân cổ hét qua điện thoại với vợ: “Không về nhà nội nữa, đặt vé mệt lắm, để tôi mua vé về nhà ngoại”.
Kể với PV VietNamNet, anh Tùng cho biết đã 2 ngày bỏ việc để chăm chăm vào cái vụ đặt vé cho cả nhà về quê ăn tết với bố mẹ ở Hà Nội. Tuy nhiên, do không thạo vi tính và website lại bị nghẽn mạng nên loay hoay 2 ngày vẫn không đặt được.
Người dân khổ sở chờ mua vé. |
Sau khi quyết định không về quê nội nữa, anh Tùng mới tất tả đi đặt vé về quê vợ ở Quy Nhơn. Sau gần 6 giờ ngồi đợi chưa tới lượt, anh gần như tuyệt vọng với kế hoạch về quê của gia đình vì nhà ga thông báo “Hết vé”.
Coi chừng “ăn” vé giả
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng ga Sài Gòn trong lần tiếp phóng viên các báo cho biết, công an phường 9, quận 3 xuống “lùa” cò vé trước ga “chạy mất dép”. Câu chuyện làm ai có mặt ngồi nghe đều rất vui tai, cũng bởi ông Thành vốn là người dễ gần, thật chuyện.
Nhưng, vấn đề ở chỗ sau khi “cò” vé “chạy mất dép” rồi tình hình sẽ ra sao, có thay đổi gì không? Sự thật đáng buồn là chẳng sao. Các đàn “cò’ vẫn “quăng bom”, “chém gió” tưng bừng ở “Phòng bán vé ga Sài Gòn 2” như cách gọi của nhiều người về khu vực không chính thống này ở cổng nhà ga chính.
“Cò” vé công khai hoạt động rầm rộ trước ga Sài Gòn không khác gì một địa điểm bán vé chính thức. |
Có “cò” thấy người dân đi từ trong ga ra mặt buồn buồn, dáng thất thểu, đoán được ngay không mua được vé nên lao đến tung chiêu: “Cô mua vé về đâu, ghế loại nào báo tôi biết mai lấy vé” hay “Ở đây tụi tôi làm ăn đàng hoàng, vé Tết có khi cả 2, 3 triệu đồng tụi tôi chỉ cần đặt cọc có mấy trăm ngàn thôi”..v.v..