Sau thông tin UBND TP. Hà Nội đặt hàng huyện Yên Thế (Bắc Giang) 5 triệu con gà đồi để phục vụ người dân trong dịp Tết sắp tới, PV đã có cuộc khảo sát một số tiểu thương buôn bán gà ngoài chợ và người dân trong các quận nội thành của TP Hà Nội về suy nghĩ và nhu cầu của họ.
Gà Bắc Giang: Đắt hàng hơn một chút
“Tôi có nghe qua chỉ thị của Nhà nước là phải bán gà Bắc Giang để đảm bảo an toàn, nhưng thực tế người dân ở khu vực này họ ít ăn gà Bắc Giang lắm, chủ yếu nhập gà Bắc Giang về rồi làm thịt sẵn để bán, vì giá thành của nó rẻ hơn gà ta ở các vùng khác. Còn khi nhập gà sống về bán thì thường chỉ nhập gà ngon, có nguồn gốc chứ không phân biệt gà của tỉnh nào…” – Chị Lưu Thị Hương (tiểu thương ở chợ Quỳnh Mai – Hà Nội) cho biết.
Chị Lưu Thị Hương tiểu thương buôn bán gà ở chợ Quỳnh Mai – Hà Nội |
Chị Hương đã bán gà được hơn chục năm nay ở chợ Quỳnh Mai. Trước đây, chị cũng đã nhập gà Bắc Giang về bán, nhưng không chạy lắm. Còn thời gian gần đây, rộ lên “phong trào” ăn gà Bắc Giang nên bán được nhiều hơn trước.
“Tuy nhiên, với những người đã quen ăn gà ta và là khách quen ở chỗ tôi thì vẫn thích ăn gà ta của các vùng khác hơn là gà Bắc Giang. Chỉ những người trước đây họ hay ăn gà công nghiệp, gà mía, gà siêu trứng thì sau vụ gà Trung Quốc mới lo sợ chuyển sang tìm và ăn gà Bắc Giang.” – Chị Hương khẳng định.
Tính toán về hàng Tết, chị Hương nói: “Tôi cũng sẽ nhập gà Bắc Giang về bán, nhưng số lượng chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng hàng. Còn lại sẽ là gà ta mà tôi đã đặt từ một số mối quen. Gà đấy đảm bảo ngon hơn nhiều.”
Trong khi đó, chị Phạm Thị Liên (tiểu thương tại chợ Vĩnh Tuy) khá bất ngờ trước những gì mà PV hỏi.
“Suốt ngày ở chợ có thời gian đọc báo đâu. Chỉ nghe phong phanh là đợt này kiểm tra, kiểm dịch gà gắt gao lắm nên phải chú ý nhập gà có xuất xứ thôi. Thế từ giờ chỉ được bán gà Bắc Giang thôi hả? Mà công nhận là dạo này có nhiều người hỏi mua gà Bắc Giang thật” – Chị Liên thành thật.
Theo chị Liên, thời gian gần đây, theo yêu cầu của khách, chị có nhập gà Bắc Giang nhưng gà ta của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn rất đông khách mua.
“Để phân biệt gà Bắc Giang với gà các tỉnh khác thì tôi chịu. Chỉ có nhốt riêng ra thì còn biết đấy là gà Bắc Giang, chứ nhốt lẫn lộn thì không biết đâu mà lần…” - chị Liên nói.
Cũng giống chị Hương, chị Liên, một số tiểu thương kinh doanh gà tại các chợ khác như chợ Cầu Giấy, chợ Nghĩa Tân, chợ Thanh Xuân…đều cho biết, gà Bắc Giang có bán chạy hơn so với trước, nhưng vẫn không thể bằng các loại gà của các vùng khác.
“Nếu chỉ được bán mỗi gà Bắc Giang thôi thì rất khó, vì không phải ai cũng thích gà Bắc Giang. Người ta có xu hướng thích gà đồi, gà chăn thả ở quê hơn, vì thịt nó rất chắc và thơm. Đặc biệt là Tết năm ngoái, mọi người đặt gà ta trước cả tháng, chứ ít người đặt gà Bắc Giang ăn Tết lắm…” – Chị Phương (tiểu thương chợ Nghĩa Tân) cho biết.
Gà nào mà chẳng là… gà!
“Gà nào mà chẳng… là gà, gà nào mà chẳng được, miễn sao con gà ấy khỏe mạnh, lông mượt, thịt chắc thì ăn đều ngon, sao cứ phải gà Bắc Giang? Trước giờ gà Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên… tôi đều đã ăn qua rồi, nói chung miễn là không phải gà công nghiệp, nuôi tăng trọng hay gà lậu, gà thải thì cứ gà ta là đều ngon hết. Chả nhất thiết cứ phải gà Bắc Giang mới là số 1…” – Chị Nguyễn Thị Hoan (187 Tam Trinh – Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết.
Chị Hoan nói, dù gia đình chị cũng khá cầu kỳ trong việc ăn uống, nhưng cũng không đến mức cứ phải “truy lùng” hay tìm bằng được gà Bắc Giang để ăn như một số gia đình khác. Trước giờ chị Hoan mua gà của mối quen, là đặt từ những người nông dân vùng ven Hà Nội hay gánh rau vào nội thành để bán, mỗi tháng vài lần, mỗi lần khoảng 1-2 con, chị Hoan bảo họ mang đến rồi thịt luôn tại nhà, sau đó cho vào tủ lạnh ăn dần.
Chị Nguyễn Thị Hoan (Tam Trinh - Hà Nội) |
“Nhà người ta nuôi ít lắm, mỗi lứa chỉ khoảng chục con thôi và toàn chăn thả, không cám tăng trọng, không thuốc nọ thuốc kia nên thịt gà rất ngon, mềm và ngọt. Còn gà Bắc Giang mà tôi đã từng ăn qua thì cũng được nhưng cảm giác gà nhà tôi hay ăn vẫn ngon hơn nhiều…” – chị Hoan nói.
Hỏi chị Hoan về dự định sắp tới có mua gà Bắc Giang để ăn dịp Tết không, chị Hoan quả quyết: “Không ai hiểu rõ nhà mình bằng mình. Nguồn thực phẩm mà mình thấy ngon, đảm bảo sức khỏe thì cứ ăn thôi chứ a dua theo thiên hạ làm gì cho mệt. Để chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới, tôi đã đặt luôn 5 con gà ta cho nhà tôi và anh chị em trong nhà rồi, giờ chạy ra ngoài chợ mua có khi lại vớ phải gà Bắc Giang dỏm thì còn chết nữa.”
Chê gà Bắc Giang vì… rẻ hơn các loại gà ta khác
“Gà bình thường tôi mua, loại gà sống cũng đã 120 – 140.000/1kg rồi, còn gà Bắc Giang hồi trước có 50 – 70.000/1 kg, dạo gần đây do sốt cũng mới tăng lên có 90 – 110.000/1kg. Loại gà có vài chục nghìn một cân thì đảm bảo chỉ có nuôi cám tăng trọng, nuôi cả trăm, cả nghìn con mới có giá đấy.
Còn gà thả đồng, ăn thóc, ăn gạo, chậm lớn thì phải hơn trăm nghìn một cân. Đấy mới là gà ngon, gà khỏe…” – Bác Nguyễn Xuân Lan (24/68 Dương Hàm Quảng – Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết.
Cũng theo bác Lan, bác chẳng lạ gì gà Bắc Giang vì một người bạn thân của bác có cả một trang trại gà chuyên nuôi rồi bán ra ngoài thị trường.
Nếu chỉ được bán mỗi gà Bắc Giang thôi thì rất khó, vì không phải ai cũng thích gà Bắc Giang |
“Nó vẫn gửi gà xuống dưới này cho tôi ăn suốt, nhưng ăn vài lần còn thấy được, chứ càng ăn nhiều càng thấy thua xa gà ta mà nhà tôi vẫn hay đặt mua. Thịt gà mình hay ăn nó ngọt lắm, mềm, thơm chứ không dai như gà Bắc Giang.”
Nói thì nói vậy, nhưng hỏi bác Lan cách phân biệt giữa gà Bắc Giang và gà các vùng khác thì bác Lan chỉ biết lắc đầu.
“Ăn thì còn biết chứ nhìn thì chịu. Mấy bà bán gà ngoài chợ có khi còn chẳng phân biệt nổi chứ huống chi mình. Ngay cả bạn tôi nuôi cả trăm nghìn con gà Bắc Giang, hỏi phân biệt thế nào cũng còn chẳng biết. Đúng là chỉ còn cách đóng dấu lên con gà như ông nào đó nói thì hóa chăng còn phân biệt được…”
Dự định về việc mua gà cho dịp Tết sắp tới, bác Lan cho biết: “Nhà tôi bây giờ chỉ ăn loại gà chăn thả ở quê thôi chứ không ăn gà Bắc Giang. Ông bà ta nói không có sai đâu, của rẻ là của ôi, gà tuy đắt hơn một tí nhưng đảm bảo ngon hơn, nuôi kỹ lưỡng hơn. Gà Bắc Giang thì cũng đảm bảo an toàn đấy, nhưng còn cần phải ngon nữa…”
Theo Phunutoday