Một thanh niên sử dụng ma túy đá ở Hà Nội - Ảnh: LÂM HOÀI |
Báo cáo của UNODC cho biết tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt là ma túy đá, đang ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á và Đông Á. Ma túy đá là loại ma túy được phối trộn từ nguyên liệu tự nhiên và hóa chất, có hình dạng kết tinh của những mảnh vụn li ti, óng ánh giống đá, cực mạnh, dễ gây nghiện, tàn phá nghiêm trọng sức khỏe con người.
Ma túy đá hiện nằm trong tốp hai loại ma túy được sử dụng nhiều nhất ở 13/15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, theo khảo sát của UNODC. Ở Việt Nam, báo cáo cũng cho thấy thị phần ma túy đá đang tăng mạnh.
Lượng ma túy tổng hợp tăng vọt!
Báo cáo cho biết ở Việt Nam việc sử dụng ma túy đá ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh xã hội. Ma túy tổng hợp đã vượt qua thuốc phiện trở thành loại ma túy được dùng nhiều nhất ở Việt Nam vào năm 2010. UNODC đã khảo sát 1.351 người thuộc nhóm đối tượng mục tiêu có nguy cơ sử dụng ma túy tổng hợp cao.
Đó là người sử dụng ma túy, người đồng tính, gái bán dâm, tài xế taxi, công nhân xây dựng, những người đi hộp đêm và quán bar thường xuyên ở ba thành phố lớn nhất là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Kết quả cho thấy thuốc lắc và ma túy đá là những loại thuộc nhóm ma túy tổng hợp được dùng nhiều nhất.
Trong đó, thuốc lắc được dùng nhiều nhất trong số đồng tính nam (82%) và những người thường xuyên đi bar, hộp đêm (86%). Tỉ lệ sử dụng ma túy đá trong nhóm đối tượng mục tiêu nói chung là cao, từ 70-97%. Biểu đồ xu hướng sử dụng một số loại ma túy ở Việt Nam trong thời gian từ 2007-2011 cho thấy việc sử dụng ma túy đá và thuốc lắc đều tăng liên tục theo thời gian.
Đáng lo ngại theo UNODC, dữ liệu của Việt Nam về số vụ bắt giữ ma túy đá chỉ có năm 2007 (0,7kg) và 2009 (3,9kg). Những năm 2008, 2010, 2011 không có trong báo cáo. Số liệu về ma túy đá dạng viên bị thu giữ chỉ có vào năm 2007 (29.679 viên) đã tăng vọt lên 366.000 viên. Còn các năm khác không có trong báo cáo.
Ông Gary Lewis, đại diện UNODC khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cho rằng “biết rõ hiện trạng là bước đầu tiên để tìm biện pháp giải quyết (với vấn nạn ma túy)”.
Nhìn rộng ra, thảm họa ma túy tổng hợp ngày càng lớn dần ở Đông Á và Đông Nam Á. Báo cáo cho biết số ma túy đá bị tịch thu ở khu vực chiếm gần 1/2 tổng số ma túy đá bị tịch thu trên thế giới. Địa điểm sản xuất ma túy bị phát hiện cũng tăng mạnh, từ 125 khu vực năm 2007 lên 401 khu vực năm 2011. Ma túy tổng hợp bị thu giữ nhiều gấp năm lần kể từ năm 2007.
Việc sử dụng ma túy tổng hợp cũng tăng ở 11/15 quốc gia tại Đông Á và Đông Nam Á. Số vụ bắt giữ liên quan tới ma túy tổng hợp ở các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam tăng trong năm 2011 lên 367.000 vụ, cao nhất trong lịch sử và gần gấp ba lần so với năm 2007. Các vụ thu giữ lượng ma túy lớn đã xảy ra ở Campuchia, Philippines, Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc).
Hiểu biết về tác hại còn thấp
UNODC cảnh báo nhiều khả năng băng nhóm ma túy đang nhắm vào các thị trường lớn và sơ khai ở Đông Á và Đông Nam Á. “Myanmar vẫn là nguồn cung ma túy đá hàng đầu ở Đông Á và Đông Nam Á. Đồng thời đây cũng là nước sản xuất heroin lớn thứ hai thế giới sau Afghanistan” - ông Gary Lewis cho biết.
Theo số liệu của Việt Nam, tính đến cuối năm 2012 có khoảng 170.000 người nghiện ma túy. Ma túy đá đã xuất hiện ở khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cảnh báo kiến thức chung về ma túy tổng hợp nơi người dân ở Việt Nam còn thấp.
Ma túy đá không phải là thứ để “vui chơi hết mình, chứng tỏ đẳng cấp” như nhiều người ngộ nhận. Nó có sức tàn phá ghê gớm đối với sức khỏe của mỗi cá nhân, tàn phá các gia đình và xã hội. Ma túy đá phá hủy nặng nề não bộ, khó phục hồi, khiến người dùng có nguy cơ trở thành tâm thần, trong khi Bộ Y tế chưa phê chuẩn một phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp nào và chưa có thuốc cai nghiện.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ hôm 4-12, bác sĩ Phạm Văn Trụ, phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cho biết trong năm 2011, toàn bộ 113 bệnh nhân cấp cứu và 560 bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú ở bệnh viện vì các triệu chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi, tác phong đều có dùng ma túy tổng hợp.
Thách thức lớn hiện nay tại Việt Nam là các con số thống kê về số người nghiện ma túy tổng hợp vẫn bị đánh giá là không chính xác, khiến việc xử lý vấn nạn này vẫn còn rất khó khăn và thiếu hiệu quả.
Theo Tuoitre