Chủ tịch nước chỉ đạo công tác của ngành y tế

Thứ tư, 19/12/2012, 15:42
Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế cần quan tâm hơn nữa công tác y tế dự phòng, thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh là chính”.

Sau 25 năm triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng, sáng 19/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm công tác tiêm chủng mở rộng Việt Nam để nhìn nhận đánh giá kết quả đạt được và định hướng hoạt động trong thời gian tới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương đã tham dự hội nghị.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc với mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em.

Sau thời gian thí điểm, tháng 12/1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra chỉ thị triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng ra toàn quốc. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Đến nay,  100% xã phường trong cả nước đã triển khai kể cả vùng sâu, vùng xa, với 11 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được tiêm chủng miễn phí. Nhờ vậy, tỷ lệ mắc bệnh, tử vong của nhiều bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng đã giảm rõ rệt.

Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn.

Đây là chương trình y tế quốc gia thành công nhất trong suốt những năm qua và được cộng đồng quốc tế công nhận là điểm sáng về tiêm chủng mở rộng trong các nước đang phát triển

Phát biểu tại Lễ tổng kết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được sau 25 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng đã bảo vệ, cứu sống hàng triệu trẻ em, tránh những dị tật bẩm sinh.

Qua đó đã góp phần để Việt Nam đạt sớm các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, để con người Việt Nam có sức khỏe học tập, lao động sáng tạo, thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước cho rằng, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, sự phát triển của khoa học công nghệ, của nền y học hiện đại, ngành y tế nước ta có thêm những điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai bão lụt, hạn hán diễn biến phức tạp, khó lường; tình trạng ô nhiễm môi trường; gia tăng dân số; nguy cơ dịch bệnh, một số căn bệnh mới bùng phát, một số căn bệnh tái xuất hiện... ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và đời sống của nhân dân. 

Vì vậy, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho ngành Y tế nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng ngày càng lớn và nặng nề hơn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đại hội XI của Đảng đề ra nhiệm vụ “Phát triển mạnh sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân” với nội dung, yêu cầu rất cụ thể, toàn diện bao gồm tăng cường đầu tư của Nhà nước đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng, củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ trung ương đến cơ sở.

Đồng thời, khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện; đổi mới, hoàn thiện đồng bộ các chính sách bảo hiểm y tế, viện phí, cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập; nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong khám, chữa bệnh…

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh “phát triển mạnh y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh lớn” , với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Nếu phòng bệnh mà kém thì dịch bệnh sẽ phát triển, bệnh tật phát sinh, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội.

Vì vậy, mặc dù “thầm lặng” hơn các hoạt động trực tiếp khám, chữa, điều trị cho người bệnh, nhưng ý nghĩa kinh tế - xã hội của hoạt động y tế dự phòng là rất lớn.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, Chủ tịch nước đề nghị ngành Y tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng; tuyên truyền, vận động sự tham gia tích cực, tự giác của các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt phương châm “phòng bệnh là chính”.

Ngành y tế cần tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống chính sách về y tế dự phòng, cả chính sách đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, cả chính sách đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch sản xuất vắc xin trong nước, bảo đảm chủ động được nguồn vắc xin và tiến tới xuất khẩu những vắc xin mà Việt Nam có thế mạnh, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng công tác y tế dự phòng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm trung tâm y tế dự phòng huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Chủ tịch nước đã ân cần hỏi thăm cán bộ bác sĩ, y tá và người dân đến khám bệnh tại đây và mong rằng Trung tâm y tế Từ Liêm tiếp tục có nhiều hoạt động, sáng kiến trong việc giữ vững thành quả tiêm chủng mở rộng, đảm bảo các đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai trên địa bàn được tiêm chủng đầy đủ các vắc xin có trong Chương trình.

Đồng thời thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục làm cho các gia đình, người dân coi trọng và quan tâm tiêm chủng mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

 

Theo VOV

Các tin cũ hơn