Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (trái) bên công trường TĐ Sơn La. |
Thưa Phó Thủ tướng, xin ông đánh giá việc đưa vào vận hành công trình thủy điện Sơn La có ý nghĩa quan trọng như thế nào đóng góp vào nền kinh tế đất nước?
- Thủy điện (TĐ) Sơn La là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2001/QH10 và thông qua phương án xây dựng công trình tại Nghị quyết số 13/2002/QH11 với mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012 và hoàn thành toàn bộ công trình năm 2015.
Dự án có công suất lắp đặt 2.400MW - lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay, với khối lượng thực hiện rất lớn: đào đất đá 13,6 triệu mét khối, đổ bê tông thông thường (CVC) 2,3 triệu mét khối, đổ bê tông đầm lăn RCC 2,7 triệu mét khối, khoan phun gia cố nền và màng chống thấm 147.000m, lắp đặt thiết bị 72.000 tấn...
Đến nay, dự án đã hoàn thành các mốc tiến độ xây dựng sớm hơn mục tiêu Quốc hội đề ra: Phát điện tổ máy số 1 (12/2010), sớm hơn 2 năm và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2012, sớm hơn 3 năm.
Dự án hoàn thành đã cung cấp nguồn điện năng đáng kể để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước; đặc biệt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Khi hoàn thành toàn bộ 6 tổ máy, hằng năm TĐ Sơn La sẽ cung cấp sản lượng điện lên tới 10,2 tỉ kWh cho hệ thống điện quốc gia, trong đó, tăng thêm sản lượng phát điện cho TĐ Hoà Bình là 1,2 tỉ kWh.
Nhờ phát điện lần lượt các tổ máy, tính đến tháng 12, tổng sản lượng điện sản xuất của Sơn La đã đạt 13,3 tỉ kWh, nộp ngân sách nhà nước 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là hơn 1.500 tỉ đồng.
Để xây dựng thành công công trình thủy điện Sơn La, Chính phủ, và đặc biệt Ban CĐNN dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao như thế nào để công trình có thể hoàn thành sớm 3 năm so với nghị quyết QH đề ra?
- TĐ Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư gồm 3 dự án thành phần là: Xây dựng công trình do EVN làm chủ đầu tư (CĐT); dự án di dân tái định cư do UBND 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu làm CĐT và dự án công trình giao thông tránh ngập do Bộ GTVT làm CĐT.
Nhờ được áp dụng cơ chế đặc thù cho cả 3 dự án thành phần, nên đã tạo điều kiện cho các CĐT, tổng thầu và các đơn vị tham gia xây dựng tiến hành công việc thuận lợi, tiết kiệm thời gian trong quản lý và tổ chức thi công.
Ban CĐNN đã chỉ đạo xây dựng thí điểm 2 khu tái định cư tại Si Pa Phìn (Điện Biên) và Mộc Châu (Sơn La), từ đó rút kinh nghiệm để xây dựng chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và lập quy hoạch tổng thể di dân tái định cư.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo đã trình Thủ tướng ban hành, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế chính sách; chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời hướng dẫn về quản lý và thực hiện dự án, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, định mức - đơn giá... tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo thi công trước một số hạng mục để tiến hành khởi công công trình đồng thời với ngăn sông Đà đợt 1 vào tháng 12/2005, rút ngắn được tiến độ xây dựng công trình.
Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công; giải quyết, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn thanh toán cho các dự án thành phần, về giải phóng mặt bằng cho các đường dây đấu nối Nhà máy TĐ Sơn La với hệ thống điện quốc gia...
Tại cuộc họp Ban CĐNN hồi đầu tháng 10, một trong những vấn đề còn tiếp tục phải thực hiện là nhiệm vụ di dân, tái định cư chưa hoàn thành, tiến độ xây dựng một số dự án thành phần các khu, điểm TĐC còn chậm. Tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo các địa phương triển khai các công việc này ra sao để người dân nhường đất cho công trình được an cư lạc nghiệp tại nơi ở mới?
- Dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, số dân phải di chuyển là 20.260 hộ với 95.733 người với tổng mức đầu tư lên tới 20.293 tỉ đồng.
Hiện số dân thực tế đã di chuyển là 20.340 hộ và tổng mức đầu tư dự kiến tăng thêm khoảng 4.000 tỉ đồng do có điều chỉnh về quy hoạch và quy mô các dự án thành phần, bổ sung các chính sách hỗ trợ và trượt giá...
Sau nhiều nỗ lực của chính quyền và nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, đã hoàn thành di chuyển toàn bộ hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ đáp ứng tiến độ tích nước hồ chứa; hoàn thành hỗ trợ đời sống cho các hộ TĐC.
Đồng thời, đã phê duyệt 2.402 dự án và hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 1.794/2.966 dự án thành phần trong quy hoạch tổng thể; giao được 21.748/23.571ha đất sản xuất nông nghiệp để người dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, Ban CĐNN chỉ đạo các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thành phần tại các khu, điểm tái định cư để hoàn thành các hạng mục, dự án trực tiếp phục vụ sản xuất ổn định đời sống cho người dân TĐC trong năm 2012-2013 để tiến hành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng toàn bộ các dự án thành phần vào năm 2014.
Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương hoàn thành công tác thu hồi đất, giao đất sản xuất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và triển khai phương án sản xuất cho các hộ dân tái định cư, phương án chuyển đổi ngành nghề cho người dân tái định cư phi nông nghiệp và di vén vào năm 2013.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo Laodong