Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết thông tin trên khi trao đổi với báo giới bên hành lang Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2012 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2013 diễn ra hôm 9/1, tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị này, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết, trong năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý vi phạm 57 cơ quan báo chí với số tiền xử phạt gần 800 triệu đồng, đình chỉ 2 tờ báo điện tử, thu hồi 6 thẻ nhà báo, cơ quan báo chí tự đình bản 9 ấn phẩm.
Ông gọi việc xử phạt như đã nêu thực sự cũng là sự răn đe nghiêm khắc của cơ quan quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí.
Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Doãn cũng đồng thời chỉ ra thực trạng: Mặc dù Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có những quy định cụ thể về định hướng thông tin báo chí cũng như Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhưng trên thực tế thì trong quá trình tổ chức thực hiện, tình trạng cung cấp thông tin không kịp thời, thiếu chủ động, né tránh vẫn diễn ra không ít.
Dẫn chứng bài học kinh nghiệm khi báo chí chính thống chậm vào cuộc trong vụ bạo loạn ở Tây Nguyên 10 năm về trước, liên hệ sự chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về vụ nổ pháo hoa ở Mỹ Đình dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội vào năm 2010, Thứ trưởng Doãn nhấn mạnh: Trong thời đại ngày nay khi báo chí chính thống không còn độc quyền về thông tin như trước thì việc chậm trễ về thông tin sẽ đồng nghĩa với việc nhường lại trận địa thông tin cho các trang mạng tự do và các kênh thông tin ngoài nước.
Từ dẫn chứng cụ thể này, ông đề nghị Ban Tuyên giáo T.Ư báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đơn vị cần đổi mới việc cung cấp thông tin và chỉ đạo thông tin.
“Phải thực sự chủ động trong thông tin mới có thể định hướng dư luận. Khi đã bị động thì chỉ đối phó chứ không thể làm gì khác được. Trong thời đại bùng nổ thông tin, bùng nổ phương tiện thông tin, mọi người dân đều có thể trở thành chủ thể cung cấp thông tin; hơn ai hết, các phương tiện thông tin đại chúng của Đảng, Nhà nước phải được cung cấp thông tin, định hướng thông tin kịp thời hơn”, Thứ trưởng kiến nghị.
Đồng thời ông Đỗ Quý Doãn cho rằng, với những vụ việc được coi là “nhạy cảm” như những vụ việc tập trung đông người, biểu tình hay các vụ việc nhạy cảm khác, chúng ta cần đưa tin để mọi người thấy ta không né tránh, không giấu diếm thông tin. Mặt khác cần đưa ra bình luận để bày tỏ quan điểm cái gì ủng hộ, cái gì cần phê phán, như vậy sẽ tạo thế chủ động về thông tin cho báo chí chúng ta và cũng định hướng được cho dư luận xã hội.
Theo Thanhnien