Làng Ấn Độ cấm phụ nữ mặc quần jeans

Thứ năm, 10/01/2013, 01:23
Vụ cưỡng hiếp một sinh viên ở New Delhi thôi thúc phụ nữ ở nhiều thành phố Ấn Độ đứng lên đòi quyền tự do và an toàn, nhưng ở những ngôi làng mà nam giới thống trị, các lãnh đạo lại đưa ra những lệnh cấm mới khác.

Một trong những ví dụ về những ngôi làng đó là Khedar, bang Haryana. Hội đồng làng cuối tuần qua quyết định cấm "những bài hát thô tục" tại đám cưới, cấm phụ nữ mặc quần jeans, áo thun, và cấm các nữ sinh mang điện thoại tới trường.

"Những người đứng đầu làng đã họp lại hôm 6/1 vì quá sốc trước những gì xảy ra ở New Delhi. Nếu một vụ hãm hiếp tập thể có thể diễn ra ở thủ đô thì cũng có thể lặp lại ở làng của chúng tôi", AFP dẫn lời trưởng làng Shamsher Singh nói.

"Ở thành phố, phụ nữ được tự do mặc gì họ thích, nhưng làng chúng tôi chỉ là một cộng đồng nhỏ và nếu một cô gái bắt đầu mặc áo quần phương Tây thì sau đó, tất cả các cô gái đều muốn mặc giống thế", Singh nói thêm.

Ý kiến trên cho thấy sự phân hóa rõ rệt ở Ấn Độ giữa thành thị - nơi phụ nữ có nhiều quyền tự do để chọn lựa, kết hôn và làm việc hơn, và cuộc sống truyền thống, gia trưởng ở những làng quê, nơi người anh hùng Mahatma Gandhi từng gọi là "linh hồn của Ấn Độ".

Ấn Độ
 Phụ nữ Ấn Độ biểu tình sau vụ cưỡng hiếp ở New Delhi, với biểu ngữ "Đừng bảo tôi phải mặc như thế nào! Hãy bảo họ không cưỡng hiếp phụ nữ!"

Phản ứng của làng Khedar và những ngôi làng khác, với khoảng 800 triệu dân trong số 1,2 tỷ người Ấn Độ, cũng góp phần chứng tỏ vụ cưỡng hiếp tàn bạo ở New Delhi đã tạo ra một bước ngoặt trong thái độ đối với phụ nữ ở đất nước này.

Với nhiều người, vụ việc chỉ càng làm họ thêm tin rằng, nguồn gốc của vấn đề nằm ở những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, khiến phụ nữ "học theo" việc diện những trang phục "khiêu khích", hấp thụ nền âm nhạc kích động và tạo ra những phụ nữ quyết đoán.

Nạn nhân xấu số ở New Delhi cũng bị đánh đập trọng thương và hiếp dâm tập thể rồi ném xuống đường sau khi đi xem một bộ phim Hollywood tại trung tâm thương mại và quay về nhà cùng bạn trai lúc trời đã tối.

Một nữ thành viên thuộc chính quyền bang Madhya Pradesh tuyên bố rằng những phụ nữ vượt qua "ranh giới đạo đức" xứng đáng bị trừng phạt, trong khi một nghị sĩ bang Rajasthan đề nghị cấm nữ sinh mặc váy ngắn đến trường.

Reicha Tanwar, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ Haryana, cho hay thái độ ở vùng nông thôn Ấn Độ, nhất là các bang phía bắc đông dân cư, đang chuyển biến theo chiều hướng ngược lại sau vụ cưỡng hiếp trên.

"Họ đang thắt chặt sự kiểm soát với các cô gái, rằng các cô không nên đi ra ngoài, không được đi xa một mình, không nên đạp xe đạp hay sử dụng di động, thậm chí nói chuyện với con trai", bà Reicha nói.

Các hội đồng làng và các hội đồng không chính thức gồm các già làng có ảnh hưởng, chủ yếu ở miền bắc Ấn Độ, thường ban ra những quy định bị các nhà hoạt động chế giễu. Một đạo luật nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của phụ nữ, trong đó quy định trao cho phái yếu một phần ba số ghế của hội đồng đã được thực thi ở một số bang, nhưng hầu hết đó là những bà vợ của các cựu thành viên ngồi ghế đại diện cho chồng.

Dù có những cáo buộc cho rằng sự pha trộn giới tính tự do hơn ở các thành phố và sự nương tay của xã hội đã phần nào dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng, các con số thống kê lại cho thấy kết quả ngược lại.

Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, chỉ có 2.579 vụ hiếp dâm diễn ra tại 53 thành phố lớn nhất của Ấn Độ năm 2011, trong tổng số 24.206 vụ. Điều đó có nghĩa là chỉ một phần mười số vụ hiếp dâm xảy ra ở khu vực thành thị.

Các nhà hoạt động còn cảnh báo rằng các con số thống kê trên là chỉ là tương đối và việc ghi nhận chính xác số tội phạm hiếp dâm ở những vùng nông thôn thậm chí còn khó khăn hơn, khi sự kỳ thị xã hội ở đây cũng ghê gớm hơn.

Chưa thể kết luận được liệu vụ cưỡng hiếp ở New Delhi có nhanh chóng tạo ra nhiều thay đổi cho phụ nữ Ấn Độ hay không, nhưng quá trình đô thị hóa cũng có thể tạo ra những chuyển biến lớn trong những năm tới.

Báo cáo Triển vọng Đô thị hóa Thế giới 2011 của Liên Hợp Quốc cho biết, dân số ở khu vực thành thị Ấn Độ tăng 28% từ mức 377 triệu hiện tại lên 483 triệu vào năm 2020. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng 60% lên mức 606 triệu.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích