"Clip 10 phút lịch sử VN đánh thức Bộ GD&ĐT"

Thứ tư, 09/01/2013, 14:02
"Clip toàn cảnh lịch sử Việt Namcủa nhóm sinh viên có sự sáng tạo, ứng dụng tốt, đánh thức Bộ GD&ĐT quan tâm hơn đến việc giảng dạy trực quan trong các môn học", nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với PV.

Rất bất ngờ khi xem clip dài 10 phút về lịch sử Việt Nam, ông Dương Trung Quốc khẳng định đây là việc làm đáng biểu dương của nhóm sinh viên đồ họa.

"Công nghệ nghe nhìn hiện đại có tác động to lớn đến học sinh, tuy nhiên kiến thức trong đó phải chuẩn mực như sách giáo khoa mới có thể đưa vào chương trình giảng dạy", ông Quốc nói và cho hay đang xem lại các mốc lịch sử để giúp nhóm bạn trẻ hoàn thiện kiến thức, đảm bảo tính chính xác.

Duong Trung Quoc
 Nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay đang kiểm tra lại các mốc lịch sử trong clip 10 phút để giúp nhóm sinh viên hoàn thiện các sự kiện một cách chính xác. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo nhà Sử học, clip về lịch sử Việt Nam "đánh thức Bộ GD&ĐT quan tâm hơn đến việc giảng dạy trực quan trong các môn học". Bộ có thể khuyến khích các đài truyền hình, công ty truyền thông, giáo viên, học sinh... làm clip, phim ngắn về lịch sử. "Chúng tôi luôn hoan nghênh và giúp đỡ những ý tưởng sáng tạo trong việc đưa lịch sử đất nước đến với mọi người", ông Quốc chia sẻ.

Còn nhà Sử học Lê Văn Lan thì cho rằng vai trò của giáo viên dạy Sử là chinh phục được học sinh, tạo cho các em sự đam mê môn học chứ không phải chỉ để nhớ kiến thức. Để thay đổi cách dạy và học Lịch sử, cần thay đổi cả một hệ thống trong đó có việc phổ cập tài liệu giảng dạy.

"Quá trình đào tạo, trình độ của thầy cô là những điểm đáng lưu ý để chinh phục học sinh. Hiện nay, nhiều giáo viên sau bao nhiêu năm được đào tạo vẫn ngủ quên trên kiến thức đó, không tự hoàn thiện mình thì không thể nào dạy tốt được", thầy Lê Văn Lan nói.

lich su Viet Nam

Clip 10 phút đã tái hiện lịch sử Việt Nam 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Ảnh cắt từ clip.

Với cương vị nhà giáo, thầy Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay các thầy cô giảng dạy môn Lịch sử được giao quyền tự chủ về phương pháp giảng dạy để khuyến khích sự sáng tạo. Giáo viên có thể kế thừa, vận dụng những chất liệu cuộc sống, sản phẩm trên mạng để bài học sinh động hơn.

"Để tạo cảm hứng cho học sinh thì vai trò của người thầy rất quan trọng. Hiện nay, ở ĐH Sư phạm, sinh viên khoa sư phạm Lịch sử được học về phương pháp giảng, xây dựng các đoạn phim lịch sử, kho lưu trữ... để phục vụ giảng dạy", thầy Thành cho biết.

Trước đó nhóm sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn đã làm clip đồ họa dài 10 phút về lịch sử Việt Nam cho đồ án tốt nghiệp cử nhân ngành Đồ họa ứng dụng (Graphic Design). Clip nhanh chóng trở thành cơn sốt trên mạng, với hàng chục nghìn lượt "Like".

Trong 10 phút, nhóm sinh viên đã tái hiện lịch sử Việt Nam với 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Lần lượt làm rõ các câu hỏi "Vì sao Việt Nam lại có hình dạng chữ S như bây giờ? Để giữ được chữ S đó Việt Nam đã trải qua những gì?", những trang sử hào hùng của dân tộc được tái hiện sinh động và hấp dẫn.

Theo VNE

Các tin cũ hơn