Ảnh minh họa - Nguồn: Dantri |
Cho đến nay, việc truy tìm sự thật về vụ “100 triệu đồng chạy tuyển công chức” quả là rất khó. Mặc dù Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi “mạnh dạn tố cáo, cung cấp tư liệu” và hứa “không xử lý người đưa tiền mà chỉ xử lý người nhận tiền”; nhưng cho đến nay vẫn chưa được hưởng ứng.
Cách thi trắc nghiệm được tổ chức như sau: Xây dựng ngân hàng câu hỏi và đáp án; sau đó nhập vào máy tính. Việc ra đề thi, chấm thi, đánh giá kết quả và quản lý thời gian thi đều do máy tính thực hiện. Thí sinh biết kết quả bài làm của mình ngay sau buổi thi.
Những người đề xuất cách thi này tin rằng từ nay việc thi tuyển sẽ đảm bảo được tính khách quan, sự công bằng, do đó có thể xóa bỏ mọi nghi ngờ tiêu cực xảy ra.
Tuy vậy nhiều ý kiến chưa cho rằng vấn đề đã được giải quyết. Ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói rất đúng rằng: “Dù ứng dụng công nghệ đến đâu đi nữa thì vẫn phải là do con người điều hành”.
Một ý kiến khác: Trang thiết bị tốn kém lắm, nhưng chắc không đạt hiệu quả, bởi vì “phòng thi chỉ là nơi diễn kịch thôi, mọi việc đã được sắp xếp ở phía trong!”.
Ngay Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, cái sai của thi tuyển xảy ra từ hai phía: Người đi thi gian lận và người trông coi thi tiêu cực. Dù biện pháp tổ chức chặt chẽ đến đâu mà hai phía họ móc ngoặc với nhau thì rất khó ngăn chặn.
Đó là chưa kể có nhiều nguồn tin cho hay, đâu đâu cũng có một tỉ lệ không nhỏ số công chức được tuyển dụng mà không phải qua thi tuyển gì cả, họ thuộc thành phần “5C”(con cháu các cụ cả!).
Một số cán bộ ngành nội vụ cho rằng: Tiêu cực trong thi tuyển công chức chỉ là cái ngọn, phải giải quyết vấn đề từ gốc. Cái gốc là “mức lương hiện nay quá thấp so với trách nhiệm và lao động của cán bộ công chức”.
Tuy nhiên, nhiều người có ý kiến trái lại: Cái gốc của việc dám bỏ ra 100 triệu đồng để mua một chân công chức có mức lương quá thấp chính là vì sẽ bước vào cánh cửa tham nhũng đang rộng mở, hứa hẹn sẽ mau chóng vơ vét được bạc tỉ.
Trong nhân dân vẫn xầm xì về chuyện anh này, chị kia dám bỏ chỗ làm hơn chục triệu tiền lương/ tháng ở công ty, để tìm cách vào ngạch công chức lương chỉ vài ba triệu đồng/tháng. Không cần lý luận cao xa, dân gian đã dẫn giải được rằng cái gốc của vấn đề mua công chức với giá 100 triệu là vì “tuy tiền lương không bao nhiêu, nhưng bổng lộc thì vô hạn”! Bổng lộc là cách nói đẹp, thực chất là tham nhũng.
Do đó thực hiện việc tuyển công chức bằng thi trắc nghiệm, hoặc những biện pháp chặt chẽ hơn nữa phải đồng thời với việc cải cách hành chính và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng.
Những bài học kinh nghiệm “một cửa, một dấu” phải được nhân rộng, mọi thủ tục phải công khai minh bạch cho người dân được biết. Việc kiểm tra giám sát phải thật chặt chẽ và sau đó phải xử lý thật nghiêm minh. Mới đây, kiểm tra việc thi tuyển công chức ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), đã phát hiện có đến 16 trường hợp nâng điểm.
Trong khi vụ việc chưa xử lý xong thì ông Trưởng phòng Nội vụ - người có trách nhiệm vụ sai trái này - được chuyển công tác sang một chức vụ tương đương, đã làm dấy lên dư luận cho là “có sự bao che”.
Tình trạng xử lý một cách xuê xoa như vậy đang phổ biến, trong khi phía sau cái sai trái đó ai cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của… đồng tiền! Nên chăng ngành tư pháp cần kịp thời xem xét để bổ sung các hành vi gây sai trái trong thi tuyển công chức vào tội danh của luật hình?
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị người dân mạnh dạn tố cáo phát hiện việc mua tuyển công chức, nhưng mãi chưa ai dám làm. Có lẽ trước hết ngành tư pháp phải đi đầu và báo chí phải làm mạnh hơn.
Theo Laodong