Tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì chiều 9-1, lãnh đạo nhiều bộ, ngành nhận định năm 2012, việc quản lý về ATVSTP cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, trong năm 2012, cả nước xảy ra 168 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể (giảm 6 vụ so với năm 2011) nhưng không dẫn đến chết người, trong khi số vụ ngộ độc tại bếp ăn gia đình lại tăng lên và gây tử vong.
“Số người chết xảy ra tại gia đình là do rượu và nấm độc. Vì vậy, Bộ Y tế đưa ra chủ đề về ATVSTP trong năm 2013 là bữa ăn an toàn” - bà Tiến nói.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thi Kim Tiến |
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Nghị định 91 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính về ATVSTP vừa có hiệu lực với mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng nhưng vẫn chưa làm doanh nghiệp sợ mà cách xử lý hiệu quả nhất là công bố công khai những đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Đích hướng tới của việc quản lý ATVSTP là dán tem các sản phẩm an toàn như rau, thịt để người tiêu dùng có cơ sở chọn lựa” - bà Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề bức xúc nhất vẫn là rau và thịt heo không an toàn. Ông Phát cung cấp hàng loạt kết quả kiểm tra mẫu rau và thịt heo cho thấy nhiều chỉ số về vi sinh, hóa chất… vượt nhiều lần so với quy định.
“Trong chăn nuôi rộ lên tình trạng vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới, còn trong trồng trọt thì không nhìn thấy sự chuyển biến đáng kể” - ông Phát nói.
Một trong những địa phương có số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều nhất cả nước trong năm 2012 là tỉnh Đồng Nai. Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho biết năm 2012, Đồng Nai xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 213 người liên quan, trong đó có 4 ca tử vong do uống rượu.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng kiểm tra 159 cơ cở dịch vụ ăn uống thì có 49 cơ sở không đạt yêu cầu.
Sau khi thông tin về kết quả thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn, lãnh đạo UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ nên ban hành thông tư liên bộ về thực phẩm nếu có 2 bộ quản lý trở lên. Ngoài ra, các bộ chức năng cần có quy định về cấp giấy chứng nhận thực phẩm đi kèm với hàng hóa để tiện truy xuất nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Chưa kiên quyết xử lý Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận một số kết quả trong năm 2012 về công tác ATVSTP như xây dựng được văn bản pháp lý của cấp Chính phủ và bộ về ATVSTP; bộ máy ban chỉ đạo về ATVSTP ở cấp xã trên cả nước đã được hình thành (hiện chỉ còn 71 xã thuộc 3 tỉnh Bắc Ninh, Quảng Bình và Quảng Trị chưa có ban chỉ đạo); việc vận động các cơ sở không sử dụng chất phụ gia, an toàn giết mổ và rau an toàn đạt kết quả tốt; gà nhập lậu giảm 90%. “Những tồn tại cần tập trung xử lý là các địa phương và ngành xử lý vi phạm về ATVSTP chưa kiên quyết (78% số vụ vi phạm ở cấp xã chỉ là nhắc nhở); ngộ độc bếp ăn gia đình có chiều hướng tăng và gây chết người; kinh phí cho công tác ATVSTP ở địa phương còn chậm...” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |
Theo NLD