Trong khi những rủi ro liên quan đến tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Nga nằm trong số các kịch bản của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ba kịch bản hàng đầu đều liên quan đến một cuộc khủng hoảng ở Biển Hoa Đông.
Theo bài viết của nhà phân tích J. Michael Cole đăng trên The Diplomat số ra ngày 9/1, kịch bản đầu tiên xem xét một cuộc chiến có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản, liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông. Trước đó, ngày Thứ Ba (8/1), Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo đến Bộ Ngoại giao để phản đối sự hiện diện của tàu công vụ nước này trong vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, lần đầu tiên kể từ khi Shinzo Abe nhậm chức thủ tướng.
Kịch bản thứ hai liên quan đến việc tăng cường hiện diện quân sự ở quần đảo Senkaku, đề phòng một cuộc chiến liên quan đến việc PLA cố đánh chiếm hai đảo Ishigaki và Miyako ở phía Tây Bắc Đài Loan.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Một trong những ngòi nổ tiềm tàng trong quan hệ Trung-Nhật. |
Kịch bản thứ ba, và có lẽ là kịch bản gây tranh cãi nhất, tập trung vào việc Nhật Bản sẽ phản ứng như thế nào trước một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc trong năm 2021. Sở dĩ Bộ Quốc phòng Nhật Bản chọn năm 2021 vì đó là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo kịch bản này, PLA sẽ sử dụng xe lội nước, các lực lượng đặc biệt, tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu để đạt được mục đích cuối cùng là đánh chiếm Đài Loan.
Mặc dù kịch bản cuối cùng nói rõ giao tranh chủ yếu liên quan đến quân đội Trung Quốc và Các lực lượng vũ trang Đài Loan, tuy nhiên nó cũng đề cập đến khả năng Trung Quốc sẽ tấn công các căn cứ của Mỹ và Nhật Bản trên đảo Okinawa, trong khi sử dụng các tên lửa đạn đạo tầm xa như DF-21D và DF-31 để đe dọa các tàu sân bay trong khu vực và miền Tây nước Mỹ, nếu Washington can thiệp quân sự vào cuộc xung đột.
Đáng chú ý là Tokyo sẽ có trách nhiệm hậu thuẫn Đài Bắc, trong trường hợp quân đội Trung Quốc tấn công các lực lượng Đài Loan.
Trong những năm qua, đã có nhiều suy đoán về việc liệu Tokyo có can thiệp, nếu PLA đánh chiếm Đài Loan. Báo cáo năm 2007 cho rằng Nhật Bản sẽ cung cấp hậu cần cho các lực lượng Mỹ, theo những quy định trong Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Nhật-Mỹ . Không phải ngẫu nhiên mà báo cáo này được đưa ra trong năm 2007 vì năm đó ông Abe, người được coi là ủng hộ Đài Loan, đang giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản.
Trong khi các kịch bản nói trên vẫn còn là giả định, nhưng nó cũng cho thấy Nhật Bản một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Đài Loan độc lập với Trung Quốc. Chắc chắn, thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong năm 2012 ở Biển Hoa Đông và Biển Đông càng khiến cho Tokyo lo ngại khả năng Đài Loan bị Trung Quốc chiếm đóng, vì hòn đảo này nằm gần lãnh hải và lãnh thổ Nhật Bản. Trong con mắt của các chiến lược gia Nhật Bản, Đài Loan chính là một rào cản tự nhiên đối với tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Theo các nguồn tin Nhật Bản, việc LDP tăng ngân sách quốc phòng thêm 1,15 tỷ USD chủ yếu mang tính biểu tượng và chỉ để tài trợ cho việc nghiên cứu một hệ thống radar mới cũng như chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng cho các máy bay cảnh báo sớm.
Nhưng đây chỉ là bước đầu tiên và ngân sách quốc phòng Nhật Bản có thể còn tăng nhiều hơn nữa trong những năm tới. Ngân sách quốc phòng Nhật Bản cho tài khóa 2012 (kết thúc vào tháng 3/2013) là 61 tỷ USD (hơn 1% GDP của Nhật Bản). Ngân sách này còn “nhiều đất” để tăng trưởng, một khi môi trường chiến lược xung quanh Nhật Bản tiếp tục xấu đi trong những tuần tới.
Theo Kienthuc