Sắp “được” ăn... nội tạng động vật ngoại!

Thứ bảy, 12/01/2013, 15:53
Bộ NNPTNT ngày 8.1 có công văn số 79 trình Chính phủ đề xuất cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh. Loại sản phẩm này đã từng được nhập (theo cam kết WTO) rồi lại dừng nhập (vào tháng 7.2010).

Đề xuất này đang gặp phản ứng từ dư luận, bởi những tác động không mong muốn cho sức khỏe từ loại thực phẩm đang được xem là khoái khẩu của không ít dân nhậu, nhất là trong bối cảnh nội tạng bẩn, thối vẫn đang tràn lan ngoài vòng kiểm soát.

Áp lực từ… WTO

Tất cả bắt nguồn từ một lý do được Bộ NNPTNT cho là bất khả kháng, đó là sức ép từ WTO. Theo đó, các nước thành viên WTO, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn vừa lên tiếng gây sức ép với VN khi cho rằng VN đang vi phạm quy định của Hiệp định Kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi cấm nhập nội tạng.

Các nước đều cho rằng khó chấp nhận việc VN chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ khoa học nào cho biện pháp tạm thời này mà vẫn duy trì nó trong thời gian dài. Hơn nữa, số lượng nội tạng trắng cho phép nhập không lớn (hơn 447 tấn năm 2009, 22 tấn năm 2010 chủ yếu từ Mỹ, Australia...), năng lực kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của nước ta cũng đủ tự tin để kiểm soát.

noi tang


Những lý do trên khiến Bộ NNPTNT xem xét việc nhập khẩu trở lại mặt hàng này, kể từ khi tạm dừng nhập do phát hiện một số lô hàng không đảm bảo VSATTP vào năm 2010. Như vậy sau hơn 2 năm, loại thực phẩm đặc biệt này sẽ lại được du nhập vào bếp của không ít người dân VN vốn dĩ khá thích ăn nội tạng động vật. Danh sách của những nội tạng trắng này gồm dạ sách trâu bò, dạ dày, tràng, ngẩu pín, tinh hoàn, mề gà...

Để minh chứng cho khả năng kiểm soát tốt nội tạng trắng nhập khẩu, Bộ NNPTNT nêu rõ: Tất cả các lô hàng nội tạng trắng nhập khẩu vào VN đều phải được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, có sự giám sát của cơ quan hải quan và kiểm dịch động vật; lấy mẫu 100% số lô hàng để kiểm tra các chỉ tiêu cảm quan, lý hóa, vi sinh vật; lấy mẫu theo tần suất để giám sát các chỉ tiêu tồn dư kháng sinh, hóa chất độc hại; áp dụng chế độ kiểm tra trước thông quan sau.

Đại diện Cục Thú y cho biết, mặc dù thị trường trong nước không thiếu nội tạng, song liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế, nên Bộ NNPTNT mới đề xuất cho nhập khẩu trở lại. Mọi đề xuất hiện vẫn chờ câu trả lời của Chính phủ.

Nhập để làm gì?

Nội tạng động vật vốn là món ăn quen thuộc, thậm chí phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm nội tạng từ gia súc, gia cầm trong nước không hề ít, tiêu thụ ê hề trên thị trường. Việc nhập khẩu thêm nội tạng, càng khiến việc tiêu thụ hàng nội địa gặp khó khăn.

Trong khi đó, một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thú y cho biết, nội tạng trắng không có nhiều giá trị dinh dưỡng thiết thực đối với con người, trong khi trong nước không hề thiếu mặt hàng này, lại rất khó quản lý về VSATTP, nhất là khâu bảo quản.

“Không nên cho nhập trở lại loại thực phẩm này khi chưa quản lý, kiểm soát được. Hiện chỉ quản lý nhập lậu chúng ta cũng làm chưa tốt, còn lộn xộn, vậy cho nhập khẩu nữa thì sẽ quản lý kiểu gì?” – chuyên gia băn khoăn. Về việc các nước trong WTO gây áp lực cho Bộ NNPTNT, chuyên gia này cho rằng không thỏa đáng.

Bộ NNPTNT phải có trách nhiệm xem xét mức độ ảnh hưởng quan hệ như thế nào, giải trình thêm cho thấu đáo. Cần xem xét kỹ giữa cái lợi và tác hại, năng lực quản lý trong nước, tránh ây áp lực thêm cho công tác đảm bảo VSATTP trong bối cảnh hiện nay.

noi tang

Lòng động vật là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhưng cũng là mặt nhàng khó kiểm soát và thường, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: T.L


Bên cạnh đó, không ít người dân khi biết vấn đề này đều cho rằng không nên nhập thêm nội tạng động vật làm gì, vừa mất rất nhiều công sức kiểm soát chất lượng, lại chẳng mang lại cái lợi nào cho sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Bản (ngụ ở Q. Đống Đa) phát biểu: “Lâu nay người già chúng tôi vẫn được khuyến cáo là hạn chế ăn nội tạng động vật vì chứa nhiều cholesterol, lại chứa nhiều độc tố không tốt cho sức khỏe. Vì thế tôi chẳng hiểu là ta muốn nhập thêm nội tạng để làm gì?”.

Anh Lê Hải Minh – một giảng viên ĐH ngụ ở Q.Cầu Giấy - cho rằng, riêng nội tạng bẩn, nội tạng thối nhập lậu xưa nay đã không thể kiểm soát nổi rồi, nay lại nhập thêm nữa thì liệu có quá sức với các cơ quan chức năng? Có chăng chỉ là thêm một mối âu lo mới về chất lượng thực phẩm vốn luôn báo động chất lượng VSATTP?

Ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm:

Do những cam kết khi tham gia thị trường WTO, và bản thân người dân Việt Nam vẫn có nhu cầu tiêu thụ nội tạng thì việc nhập vẫn cần phải cho phép. Tuy nhiên, vấn đề là Nhà nước quản lý sao cho chất lượng sản phẩm nhập khẩu đảm bảo. Nếu nhập theo đường chính ngạch, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các chỉ tiêu yêu cầu thì không có gì đáng bàn.

Nhưng có 2 nguồn nhập cần phải nói đến là tạm nhập tái xuất và hàng lậu. Hàng tạm nhập tái xuất là hàng chỉ đi qua Việt Nam, sau đó sẽ nhập khẩu sang nước thứ 3 – chính là hàng mà thời gian qua không ít lô được các cơ quan chức năng phát hiện là kém chất lượng.

Lời khuyên của chúng tôi là: Người tiêu dùng nên mua sản phẩm có tem nhãn rõ ràng, ở những địa chỉ bán tin cậy với mình. Khi mua, khi ăn thì vận dụng những giác quan, cảm quan để chọn được sản phẩm tươi ngon.

Tôi có thể ví dụ thế này: Khi đi mua lòng lợn chẳng hạn mà lại không dùng mắt, dùng tay, thậm chí cả mũi thì khó mà chọn được miếng lòng bóng, ráo tay, có mùi hơi tanh đặc trưng; loại bỏ được miếng lòng chảy nước, nhớt, hoặc không có mùi vị gì.

Khi ăn thì phải phát huy cả ngũ vị, miếng lòng phải giòn, không có mùi lạ.

Không những vậy, ở lứa tuổi nào thì có thể ăn được nội tạng động vật, người tiêu dùng cũng cần biết. Với trẻ em dưới 15 tuổi, 2/3 nhu cầu chất béo là từ mỡ động vật, chỉ 1/3 là từ dầu thực vật nên các cháu có thể ăn nội tạng. Với trẻ nhỏ, mỡ động vật góp phần tạo nên cholesterol để hình thành các màng tế bào, hormon giới tính. Nhưng càng nhiều tuổi, nhu cầu tích lũy cholesterol càng ít đi, thậm chí có người khi ăn ít cũng vẫn nhiễm mỡ. Vì thế, với đa số, người trưởng thành khi đã bắt đầu ở tuổi 40 thì nên hạn chế tiêu dùng nội tạng động vật.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn