Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM đã huy động nhiều nguồn lực để lo 6.000 vé xe cho CNLĐ ngoại tỉnh về quê ăn tết, nhưng đến nay chỉ mới có 4.200 CN đăng ký nhận vé, số còn lại không... dám nhận bởi số tiền chắt chiu cả năm không đủ trang trải. Càng CN ở những DN bị giải thể, thu hẹp sản xuất càng... sợ tết.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐVN trong một lần đón xuân cùng những công nhân không có điều kiện về quê ăn tết. |
Giảm thưởng, “chẳng dám” về quê
Công ty TNHH Nissey VN ở KCX Tân Thuận, sử dụng khoảng 2.600 CN. Ngày 8/1, CN nghe tin từ phòng nhân sự cho rằng: Công ty mới bị phạt gần 20 tỉ đồng do sử dụng phần mềm Microsoft vi phạm bản quyền, nên CN phải gánh vác cùng công ty. Vì vậy tết này công ty chỉ thưởng bằng nửa năm ngoái (khoảng 2 - 2,5 triệu đồng).
Phía CN không chấp nhận vì cho rằng nếu giảm thưởng do khó khăn về kinh tế bởi hậu quả của suy thoái thì họ sẵn sàng chia sẻ, còn việc công ty vi phạm sử dụng phần mềm bản quyền Microsoft thì không thể buộc CN cùng “gánh vác”!
Được biết, năm nay Công ty Nissey VN không tham gia chương trình tặng vé xe cho CN về quê ăn tết.
Trao đổi với chúng tôi, nữ CN Nguyễn Thị Th. (chung nhà trọ cùng nhóm bạn quê Thanh Hoá) nghẹn ngào: “Tụi em làm việc túi bụi cả năm có dành dụm được là bao, chỉ mong có khoản tiền thưởng tết như năm ngoái (4 - 5 triệu đồng) để về quê có đồng quà tấm bánh cho cha mẹ và các em. Nay tiền thưởng bị giảm một nửa. Tết này CN tụi em chẳng nghĩ đến chuyện về quê...!"
Tại Công ty TNHH Sae Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc), theo tin từ LĐLĐ huyện Củ Chi, do làm ăn thua lỗ nên công ty này thông báo tạm ngừng hoạt động từ tháng 9/2012, nhưng vẫn còn nợ hơn 2,3 tỉ đồng tiền lương tháng 7 và tháng 9/2012 của CN.
Trước đó, từ đầu tháng 11/2011 Cty không đóng BHXH, BHYT và BHTN cho CN, số nợ lên đến 6,4 tỉ đồng. Do CN phản ứng quyết liệt, TGĐ Cty chỉ tạm ứng cho mỗi CN 500.000 đồng/người, còn nợ mỗi CN từ 2 - 2,5 triệu đồng/người. Hậu quả là nhiều CN phải đi làm phụ hồ, giữ xe...
Tiếp PV tại phòng trọ tự phát ở xã Tân Thạnh Đông - Củ Chi, vợ chồng chị L.Th.Ph.Ch. - quê Nghệ An - kể: “Em may mắn kiếm được chỗ phụ giữ xe nên công việc có vẻ ổn định hơn chồng em. Anh ấy phải tìm đến các công trình xây dựng xin làm phụ hồ. Công việc rất bấp bênh, khoảng một hoặc hai tuần người ta lại hết mướn, phải tìm việc nơi khác. Nhưng dù sao vẫn còn được trả... “tiền tươi, thóc thật” để chi phí ăn ở!”.
Anh Tr.V.T - chồng chị - tâm sự: “Rất may công việc của vợ em tạm ổn nên chúng em mới có thể cầm cự qua ngày. Vì thế, năm nay vợ chồng em cũng chẳng có tiền về quê ăn tết”.
Đặc biệt, vào lúc 12h40 ngày 9/1, tại công ty Theodro Alexander (100% vốn của Mỹ, chuyên chế biến gỗ xuất khẩu ở KCX Linh Trung II, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã xảy ra vụ cháy kinh hoàng, thiêu huỷ 15.000m2 nhà xưởng cùng với nguyên vật liệu gỗ, hoá chất và cả thành phẩm cũng như bán thành phẩm, khiến 3.567 CN bị mất việc làm.
Mặc dù công ty hứa vẫn trả đủ lương và thưởng tháng 13, nhưng hàng ngàn CN, nhất là số 3/4 CN ngoại tỉnh vẫn mất tết, bởi việc làm không có! Đặc biệt, không ít CN để quần áo, tiền bạc, vé tàu xe trong Cty đã bị thiêu rụi, kể cả xe đạp và xe máy cũng hư hỏng nặng.
Trao đổi với chúng tôi tại khu nhà trọ, chị Ng.Th.N. rơm rớm nước mắt, than: “Đúng là năm cùng tháng tận, CN chúng em đã nghèo còn gặp cái... “eo”.
|
Ông Vũ Văn Hoà - Trưởng ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM - tặng vé xe của tổ chức Công đoàn cho công nhân về quê ăn tết. Ảnh: D.M.Đ |
Nhiều công nhân... “sợ tết”!
Công ty TNHH Minh Việt Long (số 168/9 Lê Đình Cẩn, Q.Bình Tân, TP.HCM) đang hoạt động... “cầm hơi”, gần 700m2 nhà xưởng được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị phải “trùm mền”.
Giám đốc B.Th.V buồn bã nói với PV: “Công ty không có tiền thưởng tết cho CN đâu”. Vì sản xuất ngừng trệ nên hơn 100 CN phải nghỉ chờ việc; nhiều CN nghỉ luôn để tìm kiếm công việc khác. Tổng số LĐ của công ty chỉ còn 25 người.
Anh L.Th.D - một trong 25 NLĐ còn trụ lại - kể: “Việc làm ở đây chỉ cầm chừng. Có thời điểm công ty trả lương công nhật cho CN. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì chúng tôi cũng phải tìm việc nơi khác để kiếm sống”.
Khi được hỏi: “Cái tết này đã lo được đến đâu rồi?”, anh D thảng thốt nói: “Tiền ăn hằng ngày chẳng đủ, lấy gì lo tết. Cứ nghĩ đến cái tết là vợ chồng em... khiếp vía!”.
Công ty XNK Đại Thắng Lợi nợ lương CN tháng 11 và 12/2012, khoảng gần 100 triệu đồng. Trước sức ép của CN và các cơ quan chức năng, Giám đốc Công ty L.M.Q chỉ tạm ứng cho CN được 47 triệu đồng, rồi sau đó bỏ trốn. Chúng tôi đã tới khu nhà trọ của CN làm việc tại công ty này ở ấp Thới Tây 2, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn.
Tại đây, nhiều CN vẫn còn phẫn uất. Họ cho biết, tiền lương tháng 11 và 20 ngày của tháng 12/2012 không ai chịu trả, trong khi phải nai lưng làm việc với hy vọng có thêm thu nhập để dịp tết về đoàn tụ cùng gia đình. Hiện hơn 40 CN mất việc, mất luôn cả tiền lương, lại rơi đúng vào dịp cuối năm.
Tương tự, khi ông B.Đ.L – Giám đốc Công ty Long Đại Phát (ở Q.12 – TP.HCM) bỏ trốn, gần 40 CN cũng bị xù lương, mất việc.
Khó khăn lớn nhất của CN khi DN bị giải thể, ngừng hoạt động, có chủ bỏ trốn ở thời điểm cận tết là rất khó tìm việc, bởi ngay cả các DN thâm dụng lao động như dệt may, da giày cũng ít có nhu cầu tuyển dụng, trong khi hầu hết các công trình xây dựng cũng bị đình đốn, nên CN có muốn xin làm phụ hồ cũng ít có cơ hội!
Chị V.Th.M (quê Nghệ An) buồn bã tâm sự: “Dù rất mệt mỏi, nhưng càng cận kề ngày tết chúng em càng cố làm thêm để tăng thu nhập, có tiền về quê. Thế mà nay bị đẩy vào hoàn cảnh này, cứ nghĩ đến tết mà... sợ!”.
Trao đổi với PV, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM (Hepza) Vương Phước Thiện cho biết: “Cùng với việc Công đoàn Hepza trao tặng 6.000 vé xe cho CN, năm nay Hepza tiếp tục chương trình thăm và tặng quà cho 1.500 CNLĐ ngoại tỉnh không về quê ăn tết do mất việc làm vì DN thu hẹp SX, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn. Đồng thời, bản thân vợ hoặc chồng đang là CNLĐ nhưng bị bệnh phải điều trị, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dịp Tết Quý Tỵ, Hepza còn tổ chức nhiều cụm đón tết cho CN các KCX-KCN và trao tặng 1.500 phần quà cùng với 50 suất học bổng cho CN đi học đại học; tăng thêm các điểm bán hàng lưu động với giá ưu đãi cho CN”. |
Theo Laodong