Chia sẻ của tác giả Indra Harsaputra đăng tải trên tờ Jakarta Post, Indonesia.
“Lòng vị tha đã giải thoát tôi khỏi sự sân hận. Tôi vẫn còn nhiều vết sẹo trên cơ thể mình và chúng vẫn khiến tôi đau đớn mỗi ngày, nhưng trái tim của tôi hoàn toàn thanh thản. Bom Napalm rất khủng khiếp, nhưng đức tin, sự tha thứ và tình yêu mạnh hơn rất nhiều.
Chúng ta sẽ không có các cuộc chiến tranh ở bất cứ nơi đâu nếu mọi người cùng tìm hiểu cách làm thế nào để sống với tình yêu đích thực, hy vọng và sự tha thứ", Kim Phúc, một trong những nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn với đài National Public Radio (NPR) của Mỹ.
Mặc dù chiến tranh kết thúc từ lâu, các vết sẹo do bỏng bom napalm từ lúc 9 tuổi vẫn khiến Kim Phúc phải chịu đựng đau đớn về thể xác. Đây là một trường hợp điển hình về sự tàn ác của cuộc chiến tranh mà người Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Thái Lan, Australia, New Zealand, Philippines đã gây ra ở Việt Nam.
Kim Phúc sinh ra ở Trảng Bàng, miền Nam Việt Nam, được cả thế giới biết đến sau khi nhiếp ảnh gia Nick Út chụp một bức ảnh cô bé trần truồng chạy trong hoảng loạn cùng những đứa trẻ khác và các binh sĩ sau khi ngôi làng của mình bị bom Napalm hủy diệt.
Bức ảnh đã khiến Nick Út nhận được giải Pulitzer danh giá trong khi Kim Phúc trở thành một Đại sứ thiện chí của UNESCO vào ngày 10/11/1997. Giờ đây Phúc đang sống ở Toronto, Canada. Cô vẫn tham gia vào các hoạt động bảo trợ trẻ em nạn nhân của chiến tranh sau khi thiết lập một quỷ mang tên mình - Kim Foundation International.
Nhưng cũng có những người khác ngoài Kim Phúc, tất cả đều nhớ đến sự tàn ác của chiến tranh. Việt Nam đã trở thành cái tên quen thuộc với phần lớn thế giới vì cuộc chiến với Mỹ, điều đã trở thành một chủ đề của nhiều bộ phim Hollywood.
Việt Nam ngày nay là một quốc gia hiện đại và năng động. |
"Đó là một phần của hình ảnh của Việt Nam trong quá khứ. Ngày nay Việt Nam đã có một vị thế khác và dường như đã xóa sạch quá khứ u ám của đất nước. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, cạnh tranh với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á", ông Nguyễn Tiến Dũng, một nhà báo tại một đài phát thanh tại Việt Nam cho hay.
Ông Dũng lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam đã thu hút Ciputra, một nhà phát triển bất động sản ở Indonesia xây dựng một khu phức hợp nhà ở tại Hà Nội. Công ty xi măng Indonesia, Semen Gresik Tbk, cũng đã đầu tư tại Việt Nam bằng cách mua hầu hết số cổ phần của nhà máy xi măng Thăng Long tại Việt Nam.
"Nhiều người Indonesia đã mở doanh nghiệp tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Một số người đang làm việc với các công ty Việt Nam với tư cách người quản lý. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những khu vực kinh doanh bận rộn với rất nhiều xe cơ giới, không thua kém gì so với Jakarta hay Bangkok, Thái Lan", ông nói.
Ngoài các khoản đầu tư, khách du lịch Indonesia cũng đến thăm Việt Nam khá nhiều. Trong số các địa danh du lịch được yêu thích của Việt Nam có Vịnh Hạ Long, địa điểm đã lọt vào nhóm 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới cùng với Vườn quốc gia Komodo ở Indonesia.
Mặc dù hệ thống đường xá và cơ sở hạ tầng đã bị hư hỏng nặng nề do các cuộc chiến tranh, VN đã phát triển nhanh chóng sau khi hòa bình trở lại. Thủ đô Hà Nội từng nằm dưới sự cai trị của Pháp từ năm 1873 và bị Nhật Bản chiếm đóng năm 1940 giờ đây đã trở thành một thành phố hiện đại.
"Những chiếc xe hơi sang trọng xuất hiện khắp nơi trong thành phố. Dù một số ít người vẫn còn chưa nguôi nỗi giận với châu Âu và Mỹ, nhưng họ vẫn mong muốn được trả tiền cho dịch vụ của mình bằng đô la Mỹ hoặc ngoại tệ châu Âu", ông Dũng nói.
Theo Kienthuc